USD, Yen Nhật và giá vàng cùng tăng mạnh do có quá nhiều yếu tố rủi ro
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – cũng tăng, đảo ngược xu hướng giảm gần đây, lúc kết thúc ngày 2/8 tăng 0,5% so với phiên liền trước, lên 105,86.
Yen Nhật tiếp tục kéo dài chuỗi tăng giá, trái lại, đồng nhân dân tệ Trung Quốc giao dịch trên thị trường quốc tế giảm giá so với USD, chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 5, do nhà đầu tư tập trung theo dõi sự kiện thăm Đài Loan (Trung Quốc) của chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc Oanda cho biết: "Bạn đang thấy căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và điều đó đang bắt đầu gây áp lực lên những tài sản rủi ro", "Đồng yên Nhật trở nên có sức mạnh đáng kể", "Mọi diễn biến (trên thị trường tài chính) lúc này liên quan đến vấn đề chính trị."
Đồng yên lúc kết thúc ngày 2/8 theo giờ Việt Nam tăng 0,12% so với đồng bạc xanh lên 131,46 JPY/USD, là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của cặp tiền tệ này – chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2020.
Chỉ số Dollar index (DXY) trong thời gian gần đây đã hạ nhiệt do các nhà đầu tư bắt đầu đánh giá lại mức độ tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc tăng lãi suất trong thời gian tới. Mặc dù vậy, DXY vẫn tăng mạnh so với gần như mọi tiền tệ chủ chốt trong năm nay.
Tỷ giá USD so với các tiền tệ chủ chốt trong năm 2022.
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ cũng giảm điểm trong bối cảnh các tài sản rủi ro có chiều hướng giảm giá bởi chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan khiến các nhà đầu tư bối rối.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng chờ đợi báo cáo việc làm hàng tháng của Mỹ, sẽ công bố vào thứ Sáu (5/8).
Đồng đô la Australia giảm gần 1,4% trong phiên vừa qua sau khi Ngân hàng Dự trữ nước này tăng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm lên 1,85%, phù hợp với kỳ vọng.
Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt trên thế giới.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 11 tuần so với đồng bạc xanh. Trên thị trường nội địa, nhân dân tệ trong phiên vừa qua có lúc chạm 6,7835 CNY/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 16 tháng 5, trước khi hồi phục nhẹ vào cuối ngày, chốt ở mức 6,7945 CNY.
Đồng nhân dân tệ suy yếu ngay cả khi đồng bạc xanh giảm giá trong phiên qua đêm liền trước do những dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế của Mỹ đang chậm lại, củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ.
Nhà quản lý quỹ đầu cơ Yuan Yuwei của Water Wisdom Asset Management cho biết chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi "chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường".
Nhưng theo ông Yuwei, rủi ro lớn nhất đối với tiền tệ là sự mong manh của nền kinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh các chính sách cứng rắn nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, mặc dù sự suy yếu của đồng đô la có thể hỗ trợ phần nào cho đồng nhân dân tệ.
Dữ liệu mới nhất về hoạt động của các nhà máy cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vốn đang chao đảo sẽ tiếp tục gặp khó vào nửa cuối năm nay, do các nhà máy giảm sản lượng, sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản ngày càng sâu sắc và tình trạng cắt giảm việc làm trên diện rộng.
Nhà quản lý quỹ Yuan cũng cho biết việc Nga sẵn sàng chấp nhận sự trừng phạt của Mỹ để sử dụng đồng tiền của Trung Quốc là yếu tố ngăn nhân dân tệ giảm giá. Được biết, hãng sản xuất nhôm Rusal của Nga hôm thứ Sáu tuần trước cho biết họ đã trở thành công ty đầu tiên phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ ở Nga.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin biến động mạnh trong phiên vừa qua nhưng với xu hướng tích cực, lúc kết thúc ngày 2/8 ở mức 23.370 USD.
Sau nhiều tháng rơi tự do, đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin đã tăng hơn 17% trong tháng Bảy, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2021. Tương tự, đồng Ether tăng 57%, mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 1/2021.
Theo nền tảng dữ liệu tiền điện tử Coingecko, giá trị của thị trường tiền điện tử toàn cầu đã vượt lên trên 1.150 tỷ USD vào tháng Bảy, tăng hơn 255 tỷ USD kể từ cuối tháng Sáu. Công ty nghiên cứu CryptoCompare nhận định giá trị tài sản trong danh mục sản phẩm đầu tư tài sản kỹ thuật số đã tăng 16,9% lên 25,9 tỷ USD trong tháng Bảy, đảo ngược so với mức giảm 36,8% của tháng Sáu.
Tuy nhiên, khối lượng giao dịch thấp cho thấy nhiều nhà đầu tư cho rằng vẫn còn quá sớm để thị trường chuyển sang xu hướng tăng giá khi môi trường vĩ mô thiếu chắc chắn, châu Mỹ và châu Âu đứng trước nguy cơ suy thoái và một số sàn giao dịch tiền điện tử lớn vỡ nợ.
Giá bitcoin ngày 2/8.
Giá vàng tiếp tục tăng phiên thứ 5 liên tiếp, lên mức cao nhất khoảng 1 tháng do lo ngại kinh tế suy thoái và căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 2/8 theo giờ Việt Nam tăng 0,3% lên 1.777,79 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 10 tăng 0,6% lên 1.795,90 USD.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge Futures, cho biết việc giảm kỳ vọng về việc Fed tăng lãi suất và nền kinh tế giảm tốc rõ ràng đã hỗ trợ đáng kể cho vàng.
Vàng được coi là một kho lưu trữ giá trị an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế và địa chính trị và thường hoạt động tốt trong thời gian lãi suất thấp hoặc bằng không.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
https://cafef.vn/usd-yen-nhat-va-gia-vang-cung-tang-manh-do-co-qua-nhieu-yeu-to-rui-ro-20220803002344357.chn
Vũ Ngọc Diệp
Theo Nhịp sống kinh tế