6 tháng đầu năm, một mặt hàng xuất khẩu chủ lực chỉ thu về 1,5 tỷ USD
Mặt hàng xuất khẩu này có chiều hướng giảm do lạm phát tại các nước, người dân thắt chi tiêu.
Cũng theo hiệp hội này, bắt đầu nửa sau năm 2022, nhập khẩu tôm Việt Nam từ Mỹ - thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam - đã bắt đầu có xu hướng giảm. Lạm phát tăng cao khiến người dân Mỹ thắt chặt chi tiêu, lựa chọn thực phẩm giá rẻ. Việc Mỹ tiếp tục tăng lãi suất đã tác động tiêu cực tới nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường này thời gian qua.
Mặt khác, các tháng đầu năm 2023, các đối thủ cạnh tranh của tôm Việt như Ecuador, Ấn Độ vào vụ thu hoạch khiến nguồn cung tăng, giá tôm giảm…
Các nước này đang cung ứng với giá rẻ hơn tôm Việt Nam từ 1-2 USD/kg, khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm gặp khó khăn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 6/2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 800 triệu USD, giảm 21%. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt gần 4,2 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với xuất khẩu tôm tháng 6, ước đạt 341 triệu USD, mức cao nhất từ đầu năm tới nay. Lũy kế nửa đầu năm, xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với nửa đầu năm 2022.
Theo ông Đỗ Ngọc Tài, Phó chủ tịch VASEP, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ có thể tăng nhẹ từ tháng 8 trở đi để phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm. Đối với thị trường EU, lãnh đạo VASEP cho rằng xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU 5 tháng đầu năm nay giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là do xung đột Nga - Ukraine, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm, vật giá tăng, xăng dầu tăng, đồng EUR mất giá. Người dân chọn thực phẩm giá rẻ, tôm cỡ nhỏ hơn, các nhà nhập khẩu hạn chế mua vào, cố gắng bán ra để giải phóng hàng tồn kho và hạn chế lỗ.
Từ tháng 7, khi thu hoạch tôm từ các nước giảm, các nhà nhập khẩu EU bắt đầu tăng nhẹ sức mua từ Việt Nam để chuẩn bị cho dịp cuối năm.
Đối với thị trường Nhật Bản, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm cũng giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tôm giá trị gia tăng sang thị trường này.
Giá tôm đang thấp nhất từ đầu năm
Hiện tại, giá tôm nguyên liệu của Việt Nam đang giảm. Theo báo Long An, từ đầu năm 2023 đến nay, giá tôm trên địa bàn tỉnh liên tục giảm mạnh trong khi giá thức ăn cùng chi phí nuôi tôm tăng cao khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn.
Theo báo này, trong tuần qua, giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng tiếp tục giảm thêm từ 5.000-10.000 đồng/kg so với tuần trước. Giá tôm thẻ chân trắng loại 30-40 con/kg được mua tại ao hiện chỉ ở mức 100.000-110.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 60-80 con/kg có giá 75.000-90.000 đồng/kg và loại 100-110 con/kg có giá 40.000-60.000 đồng/kg. Tôm sú loại 50 con/kg trở lên có giá từ 140.000-155.000 đồng/kg, loại 30-40 con/kg có giá 170.000-190.000 đồng/kg.
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá tôm nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm (cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng). Hiện giá tôm đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Tại Bạc Liêu, giá trung bình tôm sú ướp đá cỡ lớn 20 con/kg giảm 19.300 đồng/kg so với tháng 6/2023 xuống còn 187.000 đồng/kg, cỡ 30 con/kg ở mức 150.000 đồng/kg (giảm 22.000 đồng/kg), cỡ 40 con/kg giữ mức 130.000 đồng.
Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 40 con/kg giảm 3.000 đồng/kg so với tháng 6/2023 xuống còn 95.000 đồng/kg; cỡ 60 con/kg giảm 2.000 đồng/kg còn 73.300 đồng/kg, cỡ 100 con/kg 67.000 đồng/kg (giảm 1.400 đồng/kg).
Theo giới thiệu trên website của VASEP, Việt Nam có hơn 600.000 ha nuôi tôm với hai loài tôm sú và tôm trắng. Hằng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40- 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5- 4 tỷ USD.
Việt Nam là nước sản xuất tôm sú hàng đầu thế giới với sản lượng 300.000 tấn mỗi năm. Đây là loài nuôi truyền thống của Việt Nam trong khi tôm trắng được nuôi ở nhiều tỉnh trong nước kể từ năm 2008.
Các vùng nuôi chính tập trung ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. 5 tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang.