A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cặp cửa khẩu Nam Giang–Đắc Tà Oọc mở ra cơ hội phát triển

Việc nâng cấp cặp cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc thành cửa khẩu quốc tế đã mở ra con đường ngắn nhất thúc đẩy thông thương hàng hóa, thương mại, du lịch... giữa hai nước Việt Nam - Lào.

cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc chính thức đưa vào hoạt động, mở ra những cơ hội hợp tác mới về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Lào
Cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc chính thức đưa vào hoạt động, mở ra những cơ hội hợp tác mới về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Lào (Ảnh: TH)

Cửa khẩu Nam Giang thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế theo Nghị quyết số 183/NQ – CP ngày 22/12/2020 của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Nam và Ủy ban chính quyền tỉnh Sê Koong/Lào đã tổ chức Lễ công bố khai trương cặp Cửa khẩu quốc tế Nam Giang – Đắc Tà Oọc vào ngày 14/8/2021.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, việc nâng cấp cửa khẩu Nam Giang thành cửa khẩu quốc tế đã mở ra con đường ngắn nhất để thúc đẩy phát triển thông thương hàng hóa, thương mại, du lịch, dịch vụ... và mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới về đầu tư phát triển các ngành kinh tế xuyên biên giới.

Đây cũn là tuyến đường ngắn nhất kết nối từ vùng Đông Bắc Thái Lan - vùng Nam Lào - Cửa khẩu quốc tế Nam Giang – Đắc Tà Oọc - QL14D/QL14B/QL14E đến thành phố Đà Nẵng, thành phố Hội An, Tam Kỳ, Cảng Chu Lai…

Theo số liệu báo cáo của tỉnh Quảng Nam, trong những năm qua kim ngạch xuất nhập khẩu qua cặp Cửa khẩu quốc tế Nam Giang – Đắc Tà Oọc ngày càng tăng trưởng, góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển theo Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào ký ngày 27/6/2015.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, để tiếp tục tăng cường thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, dịch vụ, nhất là thông thương hàng hoá vùng Nam Lào với Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo quốc tế kết nối vùng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây qua cặp Cửa khẩu quốc tế Nam Giang – Đắc Tà Oọc.

Qua hội thảo sẽ lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ ngành Trung ương hai nước Việt Nam - Lào trong việc hình thành tuyến Hành lang phát triển kinh tế từ tỉnh Ubon RatchatThani (Đông Bắc Thái Lan) qua 4 tỉnh vùng Nam Lào về các tỉnh vùng Duyên hải Miền Trung của Việt Nam (Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi).

Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Ảnh: TH)
Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Ảnh: TH)

Hội thảo dự kiến đón tiếp 240 đại biểu đến tham dự (150 đại biểu phía Việt Nam và 90 đại biểu nước ngoài), bao gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương hai nước Việt Nam và Lào; lãnh đạo 4 tỉnh Nam Lào (Sê Koong, Chămpasak, Attapư, Salavan) và Vương quốc Thái Lan; các tỉnh vùng Duyên hải Miền Trung (Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi) và một số tập đoàn kinh tế.

Theo ban tổ chức, đây là hội thảo quan trọng có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao của hai Chính phủ Việt Nam – Lào, cùng nhiều Bộ ngành của hai nước, nhiều đoàn đại biểu, tổ chức, chuyên gia... để xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp.

Hội thảo cũng sẽ đề xuất kế hoạch đầu tư hạ tầng giao thông liên kết vùng phù hợp, trong đó sớm đầu tư, nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 14D từ Cửa khẩu quốc tế Nam Giang về đường Hồ Chí Minh (74,4km) để kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng của hai bên.

Hội thảo quốc tế kết nối vùng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây qua cặp Cửa khẩu quốc tế Nam Giang – Đắc Tà Oọc, tiềm năng và cơ hội phát triển sẽ khai mạc lúc 8 giờ ngày 27/9/2024 tại Khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An (Hoiana Resort & Gold), thôn Tây Sơn Tây, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Hội thảo sẽ có các nội dung chính: Báo cáo trung tâm về kết nối vùng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây qua cặp Cửa khẩu quốc tế Nam Giang – Đắc Tà Oọc, tiềm năng và cơ hội phát triển; các báo cáo tham luận giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, chính sách, giải pháp kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực của các tỉnh vùng Nam Lào (Sê Koong, Champasak), tỉnh Ubon RatchatThani (Thái Lan), các tỉnh vùng Duyên hải Miền Trung (Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi), Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại vùng Nam Lào và một số tập đoàn kinh tế; ý kiến tham gia thảo luận của đại diện lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, các Viện, các chuyên gia, hiệp hội và các nhà đầu tư.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật