Giá đường lập đỉnh 12 năm, quốc gia này trở thành “cứu tinh” cho ngành mía đường toàn cầu: Sản lượng tăng cao kỷ lục, là nước xuất khẩu đứng đầu thế giới
Trong khi Ấn Độ lên kế hoạch cấm xuất khẩu đường, quốc gia này đang ghi nhận sản lượng tăng vọt.
Trong vài tuần qua, giá đường đã tăng mạnh do lo ngại về sản lượng đường toàn cầu giảm. Thứ Ba tuần trước, Alvean - nhà kinh doanh đường lớn nhất thế giới cho biết họ dự kiến thâm hụt đường toàn cầu niên vụ 2023/24 là 5,4 triệu tấn, đánh dấu năm thiếu hụt thứ 6 vì Ấn Độ có thể hạn chế xuất khẩu đường và nông dân Thái Lan chuyển sang trồng sắn có lợi nhuận cao hơn thay vì mía.
Ngày 23/8, Reuters đưa tin Ấn Độ đang xem xét cấm các nhà máy xuất khẩu đường niên vụ 2023/24 bắt đầu từ tháng 10 do thiếu mưa gió mùa làm giảm sản lượng đường của nước này. Lượng mưa gió mùa từ tháng 6 đến tháng 8 của Ấn Độ thấp hơn 10% so với bình thường và trong tháng 8, Ấn Độ chỉ nhận được 162,7 mm mưa - lượng mưa ít nhất kể từ ít nhất là năm 1901.
Bộ lương thực Ấn Độ cho biết họ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về xuất khẩu đường cho năm 2023/24 khi ước tính thực tế của tổng sản lượng có sẵn. Ấn Độ chỉ cho phép các nhà máy xuất khẩu 6,1 triệu tấn đường trong niên vụ 2022/23 cho đến ngày 30/9 sau khi cho phép họ xuất khẩu kỷ lục 11,1 triệu tấn trong mùa trước. Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) ngày 2 tháng 8 dự báo sản lượng đường niên vụ 2023/24 của Ấn Độ sẽ giảm 3,4% so với cùng kỳ xuống 31,68 triệu tấn.
Sản lượng đường thấp hơn từ Thái Lan - nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới đang khiến đường tăng giá sau khi Thai Sugar Millers Corp vào ngày 7 tháng 9 dự kiến sản lượng đường niên vụ 2023/24 của Thái Lan sẽ giảm -18% so với cùng kỳ xuống còn 9 triệu tấn. Nhà kinh doanh đường Czarnikow vào ngày 7 tháng 8 dự kiến rằng sản lượng đường niên vụ 2023/24 của Thái Lan sẽ giảm 31% so với cùng kỳ xuống mức thấp nhất trong 17 năm là 7,4 triệu tấn do thời tiết khô hạn.
Tính đến thời điểm này trong năm nay, lượng mưa ở Thái Lan thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái và sự xuất hiện của hiện tượng thời tiết El Nino có thể làm giảm lượng mưa hơn nữa trong hai năm tới. Thái Lan cũng chính là nước sản xuất đường lớn thứ ba thế giới.
Brazil đang trên đà trở thành vị cứu tinh cho ngành mía đường toàn cầu khi quốc gia này dự báo sản lượng đường tăng mạnh. Thứ Tư tuần trước, Hiệp hội Công nghiệp Mía đường Brazil (Unica) đã báo cáo rằng sản lượng đường Trung-Nam Brazil trong nửa cuối tháng 8 đã tăng 9,9% so với cùng kỳ lên 3,461 triệu tấn và sản lượng đường trong niên vụ 2023/24 tính đến tháng 8 đã tăng 20% so với cùng kỳ lên 26,146 triệu tấn.
Ngoài ra, 49,17% mía ép được sử dụng để sản xuất đường trong năm nay, tăng so với 45,16% của năm ngoái. Công ty Cung ứng Quốc gia (Conab) vào ngày 17 tháng 8 đã nâng ước tính sản lượng đường Brazil niên vụ 2023/24 lên 40,9 triệu tấn so với dự báo tháng 4 là 38,8 triệu tấn do điều kiện thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy năng suất mía.
Nguyên nhân giá đường lập đỉnh là do tâm lý lo ngại El Nino có thể làm gián đoạn sản xuất đường toàn cầu. Kiểu thời tiết El Nino thường mang lại mưa lớn ở Brazil và hạn hán ở Ấn Độ, tác động tiêu cực đến sản xuất cây đường. Lần gần đây nhất El Nino khiến cây mía bị khô hạn là vào năm 2015 và 2016 khiến giá đường tăng cao.
Trong báo cáo công bố hai năm một lần của Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA vào ngày 25 tháng 5 đã đưa ra dự đoán rằng sản lượng đường toàn cầu năm 2023/24 sẽ tăng +6,0% so với cùng kỳ lên mức kỷ lục 187,881 triệu tấn và mức tiêu thụ đường của con người trên toàn cầu năm 2023/24 sẽ tăng +2,3% so với cùng kỳ, đạt kỷ lục 180,045 triệu tấn. USDA cũng dự báo tồn kho đường toàn cầu niên vụ 2023/24 sẽ giảm 15,2% so với cùng kỳ xuống mức thấp nhất trong 13 năm là 33,455 triệu tấn.
Theo Bloomberg