Hàng hóa của bà con đồng bào dân tộc ‘đắt khách’ tại Hội chợ VITM Hà Nội
Nhiều sản phẩm, hàng hoá vùng dân tộc như trà shan tuyết, bánh chưng gù Hà Giang, cà phê Đắk Lắk, thổ cẩm Cao Bằng… 'đắt khách' tại Hội chợ VITM Hà Nội 2025.
Trà shan tuyết, bánh chưng gù 'hút khách' Thủ đô
Không chỉ là ngày hội xúc tiến du lịch, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2025) đang diễn ra tại Hà Nội còn trở thành điểm giao thương khi nhiều mặt hàng nông sản và sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số "đổ bộ".
Từ gian hàng của Cao Bằng với sắc màu thổ cẩm người Dao Tiền, đến hương vị trà shan tuyết, bánh chưng gù Hà Giang, hay trái cây sấy Sơn La... tất cả tạo nên bức tranh sống động về hàng hoá miền núi, vùng dân tộc thiểu số đa dạng, bản sắc và đầy tiềm năng.
![]() |
Khu trưng bày sản phẩm du lịch, nông sản tỉnh Hà Giang. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Theo ghi nhận của Báo Công Thương, trong hai ngày diễn ra hội chợ, các sản phẩm, hàng hoá vùng dân tộc thiểu số của nhiều địa phương luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt từ đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với VITM Hà Nội 2025.
Trong không gian của khu gian hàng tỉnh Cao Bằng, chị Bàn Thị Liên – người phụ nữ Dao Tiền đến từ xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình miệt mài trình diễn nghệ thuật in hoa văn bằng sáp ong trên vải. Đôi tay thoăn thoắt và nụ cười luôn thường trực khi có khách tham quan ghé gian hàng.
![]() |
Trình diễn thêu, in hoa văn bằng sáp ong người Dao Tiền, Cao Bằng. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Chia sẻ với Báo Công Thương, chị Bàn Thị Liên tự hào kể về nghề truyền thống của dân tộc mình được gìn giữ qua nhiều thế hệ, cũng như được nhiều lần tham gia quảng bá sản phẩm của đồng báo tại Hà Nội.
“Đây là lần thứ 4 tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm thổ cẩm tại Hà Nội. Mỗi lần về với Thủ đô là một cơ hội quý giá để chúng tôi giới thiệu thổ cẩm của người Dao Tiền đến với nhiều người hơn, đặc biệt là du khách quốc tế. Ngay tại VITM Hà Nội năm nay, nhiều du khách rất thích thú khi được giới thiệu quy trình tạo ra một tấm vải từ việc nuôi tằm, dệt sợi đến thêu, in hoa văn bằng sáp ong của đồng bào” – chị Liên chia sẻ.
![]() |
Chị Bàn Thị Liên – người phụ nữ Dao Tiền đến từ xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình tự hào khi tham gia giới thiệu thổ cẩm đồng báo tới người dân và du khách tại Thủ đô. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Tại khu trưng bày sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang, dòng người nườm nượp ghé thăm để thưởng thức và mua sắm các đặc sản nổi bật của cao nguyên đá như trà shan tuyết cổ thụ, mật ong bạc hà, bánh tam giác mạch, chẩm chéo, và đặc biệt là bánh chưng gù – món ăn đặc trưng được người tiêu dùng Hà Nội rất yêu thích.
Chị Hà Lan Hương - đại diện Công ty TNHH Bích Tấn hồ hởi chia sẻ, sang ngày thứ hai hội chợ VITM Hà Nội 2025, lượng khách đến tìm hiểu sản phẩm Hà Giang rất đông. Đặc biệt là trà và bánh đá Đồng Văn – những món đã trở thành thương hiệu của vùng cao Hà Giang.
Theo bà Hương, những năm qua, Hà Giang đang trở thành điểm đến hút khách du lịch, nhờ đó đã đưa sản phẩm vùng cao của địa phương này đến gần hơn với người tiêu dùng khắp mọi miền cả nước. “Vì vậy, qua hội chợ du lịch, chúng tôi mong muốn không chỉ dừng lại ở việc bán hàng, mà còn truyền cảm hứng, kể câu chuyện văn hóa và sinh kế phía sau mỗi món hàng thủ công, mỗi gói trà, chiếc bánh với người dân Thủ đô cũng như du khách quốc tế” - chị Hương bày tỏ.
![]() |
Gian hàng tỉnh Sơn La nổi bật với các sản phẩm nông sản chất lượng cao tấp nập người mua. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Trong khi đó, gian hàng tỉnh Sơn La nổi bật với các sản phẩm nông sản chất lượng cao như mắc ca, hoa quả sấy, chè, cà phê, mận hậu, dâu tây, chuối, mít, thịt trâu, bò khô, miến dong… Theo giới thiệu của chị Cầm Hồng Hạnh - đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La, các sản phẩm đều được sản xuất theo quy trình khép kín, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng đến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Chị Cầm Hồng Hạnh cho biết, thông qua hội chợ VITM Hà Nội lần này, sản phẩm, nông sản Sơn La mong muốn có thể tiếp cận sâu hơn với thị trường Hà Nội - nơi nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch, đặc biệt là hàng đặc sản vùng cao đang tăng cao. Ngoài ra, đây cũng là dịp để gặp gỡ các nhà đầu tư, doanh nghiệp phân phối nhằm mở rộng mạng lưới tiêu thụ trong cả nước.
Vượt chặng đường xa từ Tây Nguyên đến với VITM Hà Nội, gian hàng sản phẩm cà phê Ê Đê của tỉnh Đắk Lắk ra mắt thị trường từ năm 2019 hút khách bởi hương vị núi rừng đặc trưng từ cà phê hoà tan vị hoa quả; cà phê hạt pha máy, cà phê bột pha phin. Đặc biệt, dòng cà phê khói - rang xay thủ công trên bếp củi do phụ nữ Ê Đê thực hiện tạo ấn tượng đặc biệt với nhiều khách hàng tại VITM Hà Nội 2025.
![]() |
Gian hàng thổ cẩm Cao Bằng đầy sắc màu. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Du lịch gắn với nông sản – hướng đi bền vững cho vùng dân tộc
Thời gian qua, nhiều hoạt động, mô hình du lịch gắn với trải nghiệm nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực, hàng hoá địa phương đang được nhiều tỉnh miền núi triển khai hiệu quả. Vì vậy, không chỉ là nơi quảng bá hình ảnh điểm đến, VITM Hà Nội 2025 còn cho thấy tiềm năng, các giá trị mang lại khi kết hợp giữa phát triển du lịch và xúc tiến thương mại nông sản, hàng hoá vùng dân tộc hết.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, phát triển du lịch gắn với tiêu thụ hàng hoá, nông sản vùng dân tộc thiểu số là hướng đi mang lại nhiều lợi ích đối với địa phương. Bởi, du khách ngày càng tìm kiếm sự chân thực và trải nghiệm có chiều sâu. Đặc biệt, những sản phẩm bản địa như thổ cẩm, trà cổ thụ hay, các loại bánh dân gian dân tộc chính là cầu nối cảm xúc giúp họ khám phá văn hóa bản địa một cách sinh động và bền vững nhất.
![]() |
Khu gian hàng giới thiệu sản phẩm, nông sản Đắk Lắk. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Vì thế, để lan toả hàng hoá, nông sản vùng dân tộc thiểu số qua hoạt động du lịch hơn nữa, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, điều quan trọng là xây dựng được hệ sinh thái kết nối giữa người dân, doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến du lịch. Qua đó, để sản phẩm vùng cao không chỉ là hàng hoá đơn lẻ, mà là biểu tượng văn hóa và sinh kế gắn với du lịch bền vững.
Dẫu vẫn còn đó những rào cản về thị trường, thương hiệu, logistics, khó khăn trong xúc tiến thị trường, nhưng sự hiện diện tại những 'sân chơi' lớn như VITM Hà Nội là cơ hội quý để hàng hoá, nông sản vùng dân tộc thiểu số lan toả và đến gần hơn với thị trường, người tiêu dùng cả nước.
![]() |
Khách nước ngoài tìm hiểu cà phê Măng Đen, Kon Tum. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Dù tự hào về nghề truyền thống, chị Bàn Thị Liên cũng không khỏi trăn trở rằng hiện khâu quảng bá thổ cẩm của người Dao Tiền vẫn còn hạn chế, nên người tiêu dùng cũng như du khách chưa biết nhiều đến sản phẩm đặc trưng của người Dao Tiền. “Chúng tôi mong du lịch địa phương được xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ, từ đó sản phẩm của bà con sẽ được lan toả rộng rãi. Đồng thời, tiếp sức để bà con giữ gìn nghề truyền thống, mở thêm những lớp truyền dạy nghề cho giới trẻ, giúp họ yêu nghề, theo nghề qua đó tiếp tục giữ lửa cho bản sắc dân tộc” - chị Liên chia sẻ.
Đối với hàng hoá vùng dân tộc Sơn La, theo chị Cầm Hồng Hạnh, địa phương đã và đang đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn OCOP, đồng thời đầu tư bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Qua đó không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục tạo niềm tin đối với người tiêu dùng cũng như đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch đến tham quan, khám phá Sơn La.
Với chủ đề “Phát triển điểm đến xanh, nâng tầm Du lịch Việt Nam”, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2025 diễn ra từ ngày 10-13/4 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô). Sự kiện quy tụ hơn 450 gian hàng, gần 600 doanh nghiệp, 60 cơ quan xúc tiến du lịch, 8 hãng hàng không cùng đại diện đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. |