Mỹ đưa 700 công ty nhập khẩu Trung Quốc vào diện khả nghi
Chính phủ Mỹ đang siết chặt việc xuất khẩu mọi hàng hóa mà họ cho là nhạy cảm, có thể phát triển ngành quân sự, bao gồm chất bán dẫn.
Reuters dẫn lời Trợ lý thư ký Bộ Thương mại Thea Rozman Kendler phát biểu tại phiên điều trần ở Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ ngày 31/5 cho biết, Chính phủ ông Joe Biden đang làm nhiều nhất có thể để ngăn chặn xuất khẩu các mặt hàng có thể củng cố nỗ lực cho quân sự của Trung Quốc.
Theo đó, các đơn đề nghị xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ sang Trung Quốc đã bị xét duyệt nghiêm ngặt và hơn 1/4 đơn yêu cầu không được thông qua. Vào năm 2022, 5.064 đơn xin giấy phép xuất khẩu và tái xuất khẩu đã được xem xét và khoảng 26% đã bị từ chối hoặc trả lại.
"Chúng tôi xác định các công nghệ nhạy cảm của Mỹ rõ ràng sẽ mang lại lợi thế cho đối thủ. Do đó, chúng tôi phát triển chính sách và chiến lược để bảo vệ các công nghệ này và xem xét kỹ lưỡng các đơn xin cấp phép do những nhà xuất khẩu gửi" - bà Kendler cho biết.
Trong khi đó, văn bản báo cáo của Trợ lý Bộ trưởng Thương mại về Thực thi Xuất khẩu Matthew Axelrod cho hay, gần 700 công ty Trung Quốc đã bị đưa vào "Danh sách thực thể" của Chính phủ Mỹ và phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ về hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Theo báo cáo, đã có hơn 200 công ty được thêm vào Danh sách này kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền.
Đây là các công ty Trung Quốc đã nhập khẩu hàng hóa trong các công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn, động cơ hàng hải, nguyên mẫu vệ tinh và tên lửa... những điều mà Bộ Thương Mại về thực thi xuất khẩu Mỹ cho rằng đều có thể phục vụ cho nỗ lực hiện đại hóa ngành quân sự của Bắc Kinh.
Chính quyền Mỹ hiện đang có kế hoạch hạn chế một số khoản đầu tư ra nước ngoài của các công ty Mỹ vào các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm. Hiện kế hoạch này vẫn đang được thảo luận về cách thức tiến hành.
"Mong muốn của chúng tôi là tránh các tình huống trong đó các khoản đầu tư của Mỹ lại được sử dụng để hỗ trợ và thúc đẩy các công nghệ tiên tiến giúp nâng cao khả năng quân sự hoặc tình báo ở các quốc gia đáng lo ngại, khiến an ninh quốc gia của chúng ta bị suy yếu và người Mỹ gặp rủi ro" - quan chức Bộ Tài chính Paul Rosen khẳng định trong phiên điều trần.
Phiên điều trần ở Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ là một trong những bằng chứng cho thấy các nỗ lực của Washington nhằm kiểm soát rủi ro bất cứ lĩnh vực nào có thể mang lại lợi ích cho đối thủ.