Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2024 có thể đạt trên 16 tỷ USD
Với những yếu tố thuận lợi từ sự cải thiện kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm 2024 có thể đạt trên 16 tỷ USD.
Nhiều tín hiệu tích cực
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), tính đến ngày 15/7/2024, giá trị sản phẩm gỗ và xuất khẩu gỗ của Việt Nam lên đến 8,1 tỷ USD, tăng mạnh 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ở Việt Nam có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu.
Trong đó, Mỹ là thị trường mà Việt Nam xuất khẩu gỗ nhiều nhất, đạt 4,1 tỷ USD. Tiếp theo đó, Trung Quốc (1,05 tỷ USD), Nhật Bản (796,8 triệu USD), Hàn Quốc (389,2 triệu USD)... cũng là những thị trường Việt Nam xuất khẩu gỗ mạnh mẽ.
Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Ngô Sỹ Hoài cho biết, hiện nay, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc) về nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao là đồ mộc trong nhà và ngoài trời.
Các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường thế giới, trong đó 5 thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.
Tại thị trường Hoa Kỳ, ông Ngô Sỹ Hoài thông tin, đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 41% tổng giá trị nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ nước này.
Nói về về tiềm năng trong những tháng còn lại của năm 2024, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, cơ hội xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam vào Hoa Kỳ là rất lớn. Hoa Kỳ đang có những động thái về cắt giảm lãi suất. Điều này tất yếu kích cầu tiêu dùng trở lại, trong đó có nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ tại thị trường này sẽ tăng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam còn đón nhận tin vui từ thị trường Mỹ, đó là ngày 17/7, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông báo, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Động thái này sẽ khiến xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam rộng đường vào Hoa Kỳ và đạt được mức tăng trưởng cao từ nay đến cuối năm.
Còn ở trong nước, ông Ngô Sỹ Hoài xác nhận, nguồn nguyên liệu được bảo đảm khi chủ yếu được cung ứng từ nguồn trồng nội địa, bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Các DN sản xuất, chế biến gỗ đã tận dụng lợi thế về hệ thống vận tải cảng biển trong nước, đặc biệt là vùng có logistics thuận lợi như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… Đây cũng là những trợ lực quan trọng đóng góp vào thành tích xuất khẩu nửa đầu năm nay.
Giá trị gia tăng của ngành này còn chưa cao
Sự tăng trưởng tốt của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm nay là kết quả tích cực với ngành công nghiệp gỗ Việt Nam trong bối cảnh có nhiều khó khăn như giá cước vận tải tăng cao, áp lực về điều tra phòng vệ thương mại....
Tuy nhiên, giá trị gia tăng của ngành này lại chưa cao bởi (doanh nghiệp) DN trong nước chủ yếu là gia công. Theo đánh giá các chuyên gia đầu ngành, hiện chỉ có khoảng 5% sản phẩm gỗ của nước ta là có khâu thiết kế - khâu quan trọng trong nâng cao giá trị gia tăng và khẳng định thương hiệu của sản phẩm gỗ trong nước. Doanh số ngành gỗ mỗi năm phần lớn đều đến từ công tác gia công cho các đơn hàng quốc tế. Còn sản phẩm tự sáng tạo vẫn chưa nhiều.
Hơn nữa, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng nhưng vẫn chưa thật sự khả quan khi các DN Việt Nam có lượng đơn hàng khá yếu, công suất hoạt động của DN ngành gỗ trong nước chỉ đạt khoảng 50 - 70%. Đơn hàng ngắn, thời gian đặt hàng ngắn, giá nguyên liệu tăng cao khiến chi phí tăng cao. Trong khi đó, các khách hàng lại luôn đưa ra yêu cầu giảm giá. Việc này khiến các DN xuất khẩu có thể đối diện khó khăn...
Để tăng trưởng và phát triển bền vững, một số chuyên gia đầu ngành cho rằng, ngành gỗ nói chung cần chủ động thích ứng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, từ đó đưa ra những thay đổi linh hoạt trong quá trình sản xuất cũng như xuất khẩu. Đặc biệt là phát triển công nghệ, máy móc hiện đại, chuỗi cung ứng sản phẩm từ nguyên phụ liệu đến logistic, nâng cao chất lượng lao động.
Đồng thời ngành gỗ cần tự sáng tạo, bỏ công sức đầu tư, thiết kế vào sản phẩm để nâng cao giá trị, lợi nhuận sản phẩm và chống chọi được biến động của thị trường. Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm hạn chế xuất dăm gỗ, gỗ tròn và nguyên liệu mà thay vào đó là đẩy mạnh sang gia công các sản phẩm tinh đáp ứng nhu cầu thị trường.