Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đột ngột giảm
Trong tháng đầu năm mới, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đều giảm. Tuy nhiên, do nhập khẩu giảm mạnh hơn nên cán cân thương mại thặng dư hơn 3,6 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong tháng 1, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 25,1 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,4 tỷ USD, giảm 18%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,6 tỷ USD, giảm 12%.
Đáng chú ý, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm 66,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 1 ước đạt 21,5 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng đầu năm 2023 đạt hơn 46,5 tỷ USD giảm 17,3% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là do tháng 1 có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và tháng 1/2022. Năm ngoái, Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2.
Dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm nhưng xuất siêu tăng mạnh.
Về thị trường thương mại, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD.
Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt kỷ lục hơn 730 tỷ USD, xuất siêu đạt 11,2 tỷ USD.
Đánh giá về tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023, Tổng cục Thống kê cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế có thể phải đối mặt với lạm phát và thực trạng suy thoái kinh tế ở hầu hết các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm sẽ tác động bất lợi đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Trước thực trạng xuất, nhập khẩu của quý IV/2022 có dấu hiệu suy giảm, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu bị sụt giảm đơn hàng, dẫn tới cả nhập khẩu và xuất khẩu đều sụt giảm.
Dự báo năm 2023, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn.