Tăng tốc xuất khẩu sang Indonesia nhờ khai thác cơ hội từ RCEP
Doanh nghiệp Việt cần khai thác những lợi thế từ Hiệp định RCEP để nâng cao lợi thế cạnh tranh, từ đó gia tăng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Indonesia.
Gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang Indonesia
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) là thỏa thuận giữa các quốc gia thành viên bao gồm 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN): Brunay, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cùng với Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Với Indonesia, đây là quốc gia phê chuẩn Hiệp định khá muộn. Ngày 30/08/2022, Indonesia mới phê chuẩn Hiệp định RCEP và đến 2/1/2023, hiệp định này mới chính thức có hiệu lực.
Tại khu vực ASEAN, Indonesia là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã gia tăng sự hiện diện tại thị trường Indonesia, nhất là đối với hàng nông sản như gạo, cà phê... - Ảnh: Thành Đạt |
Trong quan hệ thương mại song phương với Việt Nam, lãnh đạo hai bên đã từng khẳng định, Indonesia luôn nhìn nhận Việt Nam là một trong những đối tác kinh tế, thương mại quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa hai nước đã phát triển tích cực. Việt Nam và Indonesia còn có rất nhiều tiềm năng hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản và công nghiệp ô tô điện, nhất là khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, kim ngạch thương mại song phương được kỳ vọng nâng lên đáng kể.
Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia trong ASEAN. Hai nước đang hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 18 tỷ USD vào năm 2028.
Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Indonesia năm 2023 đạt gần 14 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt hơn 5 tỷ USD. Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu sang Indonesia là gạo với hơn 1,16 triệu tấn, kim ngạch đạt 640 triệu USD.
10 tháng năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt hơn 5,1 tỷ USD. Gạo vẫn là mặt hàng dẫn đầu với gần 1,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 655 triệu USD.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia là thủy sản, cà phê, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, giày dép các loại, nguyên phụ liệu dệt, da giày, sắt thép các loại… Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Indonesia. Hàng hóa Việt Nam cũng đang từng bước khẳng định vị thế tại thị trường Indonesia với giá trị kim ngạch xuất khẩu đang gia tăng theo thời gian.
Khai thác hiệu quả các cơ hội
Ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại tại Indonesia cho biết, Indonesia là thị trường tiềm năng với dân số lớn thứ 4 thế giới, đặc biệt dân số ở độ tuổi lao động chiếm 60% dân số. Tăng trưởng kinh tế cao, ổn định thúc đẩy gia tăng nhu cầu tiêu dùng, nhập khẩu.
Đáng lưu ý, tầng lớp trung lưu (50 triệu người) và đang gia tăng nhanh tạo động lực thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, nhu cầu nhập khẩu khá lớn; trong đó, nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng đang có xu hướng gia tăng.
Khách tham quan thử sản phẩm của Việt Nam ở Triển lãm SIAL Interfood 2024 tổ chức tại Indonesia - Ảnh: Phạm Hà |
Theo ông Phạm Thế Cường, Indonesia là thị trường dễ tính hơn so với Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và có văn hoá Á Đông gần gũi. Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý gần cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh hàng hoá.
Đánh giá về những tác động của Hiệp định RCEP đến kết quả xuất khẩu hàng hóa cũng như sự hiện diện của các thương hiệu Việt Nam tại thị trường Indonesia, ông Phạm Thế Cường cho rằng, kể từ khi Hiệp định RCEP có liệu lực, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có thêm nhiều cơ hội chọn lựa các ưu đãi thuế quan có lợi nhất, được hưởng thuận lợi hóa thương mại, quy tắc xuất xứ của hiệp định.
Ông Cường thông tin, các thành viên ngoài khối ASEAN trong RCEP đều là những nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước này cũng là các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Việt Nam, mở nhiều nhà máy sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.
"Sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Indonesia là sự tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó có các ưu đãi về thuế quan, quy tắc xuất xứ từ các Hiệp định FTA bao gồm cả Hiệp định RCEP mang lại", Tham tán Phạm Thế Cường đánh giá.
Tuy nhiên, ông Phạm Thế Cường cũng lưu ý, mặc dù là thị trường giàu tiềm năng, nhưng Indonesia là thị trường mang tính bảo hộ cao như hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu; chứng nhận Halal (phải do cơ quan có thẩm quyền Indonesia cấp); tiêu chuẩn quốc gia (SNI), quy định về cảng nhập khẩu (một số nhóm hàng); thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp cần chủ động xin giấy chứng nhận Halal Indonesia, chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia SNI.
Để đề phòng lừa đảo hay tranh chấp thương mại, ông Phạm Thế Cường khuyến nghị doanh nghiệp cần cảnh giác khi thấy việc đàm phán giá cả, hợp đồng đang diễn ra nhanh chóng, ít mặc cả, chấp nhận giá cao; không cung cấp hoặc cung cấp giấy tờ pháp lý doanh nghiệp dưới nhiều pháp nhân khác nhau.