A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đầu tư bất động sản lời gấp 3 - 4 lần, quá phi lý...cần ngăn chặn!

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng giá trị bất động sản sẽ tỉ lệ thuận với việc đầu tư nhưng đầu tư một mà giá tăng 3 - 4 lần, thậm chí tăng nhiều hơn là chắc chắn có sự bất hợp lý.

Theo ông Đính, trong năm qua, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, giá BĐS ở hầu hết các phân khúc tại các địa phương đều liên tục tăng, có những khu vực còn xảy ra hiện tượng tăng "nóng". Từ đó dẫn đến việc thị trường đã xuất hiện những tín hiệu bất thường như "bong bóng" cục bộ, giá đất nền tăng "phi mã" ở mức không bình thường.

"Nếu đầu tư một phần thì giá trị sẽ tăng một phần vì BĐS tăng tỷ lệ thuận với đầu tư. Thế nhưng hiện nay có hiện tượng đầu tư một mà giá lại tăng 3 - 4 lần, thậm chí tại một số địa phương còn tăng nhiều hơn thế và điều này chắc chắn có sự bất hợp lý", ông Đính khẳng định.

Ông Đính từng đưa ra dẫn chứng về giá BĐS tăng đến mức phi lý trong một năm trở lại đây tại nhiều khu vực như Hòa Bình, giá đất tăng tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… Đồng thời, giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, hay vùng ven Hà Nội… giá tăng gấp 3 là diễn biến dễ gặp trên thị trường. Thậm chí, có một số khu vực, gia tăng gấp 3 chỉ trong vòng nửa năm, đơn cử như đối với đất vườn rộng làm trang trại tại Thạch Thất hay Chương Mỹ.

Cũng theo ông Đính, mâu thuẫn hơn giá tăng, nhiều dự án được quảng cáo nhiều với giá cao nhưng thanh khoản lại không tăng tương xứng bởi lực cầu BĐS hiện nay là chỉ là cầu "ảo" vì nếu là cầu thật thì BĐS phải phục vụ nhu cầu ở thực, được đưa vào sử dụng, kinh doanh lâu dài. Đồng thời các dòng vốn đang chảy vào BĐS hiện tại chỉ mang tính chất đầu tư tài chính ngắn hạn lấy lãi, đầu tư "lướt sóng".

Ông Đính đưa ra dẫn chứng, với các dự án có giá cao thì giao dịch rất thấp, như các dự án ở huyện Đông Anh, Gia Lâm (Hà Nội) giá lên ở ngưỡng ngang ngửa với giá nhà đất trong nội thành khó bán được hàng. Các khu vực huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Ba Vì (Hà Nội) gần như không có các dự án bất động sản triển khai, mua bán giao dịch ở đây chủ yếu là đất ở, đất dịch vụ, đất nông nghiệp xen kẹt. Tuy nhiên, trong số này rất nhiều đất không có pháp lý. Đây là khu vực giá tăng hàng ngày.

"Người đầu tư thật ít tham gia mà phần lớn là cò đất bán đi bán lại qua tay. Điều này tạo ra hiện tượng "nóng, sốt đất" nhưng người mua thật ít. Nhà đầu tư cũng nghe ngóng và rút kinh nghiệm từ đợt sốt đất đầu năm 2021 nhiều người vào theo phong trào và đã chịu lỗ", ông Nguyễn Văn Đính phân tích.

Bàn về giải pháp để ổn định thị trường BĐS, ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng "bong bóng" và "giá ảo", ông Nguyễn Văn Đính cho rằng chúng ta cần tháo gỡ nút thắt về nguồn cung bởi khi những dự án này được tung ra thì thị trường sẽ không còn tình trạng khan hiếm sản phẩm, không còn lý do để tăng giá. Khi khách hàng có nhiều sự lựa chọn thì thị trường sẽ tự điều tiết theo đúng nguyên lý của nó, giá cả sẽ trở lại giá trị thực do thị trường tự đánh giá.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu hoạt động đầu cơ, nắn chỉnh dòng vốn F0, dòng vốn ảo trên thị trường bất động sản quay về đúng hoạt động kinh tế phát triển sản xuất như trước đây thì cần có những chính sách vi mô của cơ quan quản lý nhà nước. Chuyên gia nhấn mạnh, thị trường cần được tập trung phát triển các dòng vốn kiến tạo thay vì các dòng vốn cơ hội như hiện nay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật