Cố vấn Chính phủ Singapore hiến kế để Việt Nam không ‘chảy máu chất xám’ startup
Cố vấn Chính phủ Singapore Albert Antoine là một Việt kiều gốc Huế. Ông nhìn nhận doanh nghiệp Việt khó đổi mới sáng tạo theo hướng mình muốn vì gặp khó khăn khi gọi vốn, phải xoay xở vừa phát triển sản phẩm, vừa lo tài chính cùng lúc, “lấy ngắn nuôi dài”. "Nhiều doanh nghiệp học và sao chép các mô hình kinh doanh của các công ty nước ngoài, đó không phải sự đổi mới từ cốt lõi", ông Albert nói.
Câu chuyện của Singapore và Việt Nam
“Chúng ta nói rất nhiều về đổi mới sáng tạo, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu đúng, áp dụng đúng cách”, ông Albert Antoine, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Avaiga.com chia sẻ. Ông là Cố vấn chiến lược về Đổi mới sáng tạo, Trí tuệ nhân tạo (AI) và Khoa học Dữ liệu cho Văn phòng Thủ tướng Singapore và nhiều công ty lớn của châu Á.
Ông Albert là em họ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mẹ ông là con gái xứ Huế. Cha là người Pháp. Ông sang Pháp năm 13 tuổi.
Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ Khoa học Máy tính, Viện Trí tuệ nhân tạo quốc tế vào năm 1984, Albert làm việc tại Ngân hàng Thế giới (WB) 4 năm. Sau đó, ông cùng một số thành viên sáng lập iLOG áp dụng trí tuệ nhân tạo, cung cấp dịch vụ tư vấn tối ưu hoá kinh doanh, sau này bán lại cho IBM với giá 340 triệu USD vào năm 2009.
Hơn 30 năm ở Singapore, Albert nhìn nhận thành công của mô hình Đổi mới sáng tạo tại Singapore phải kể đến sự hậu thuẫn của Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo nhanh chóng được thử nghiệm và ứng dụng.
Câu chuyện đổi mới tại Singapore trên sân khấu của InnoEx sẽ tái hiện chân thực nhất về thất bại và thành công khi triển khai mô hình, có giá trị tham khảo sát sao với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.
“Chính phủ Singapore có nhiều sáng kiến thúc đẩy đổi mới sáng tạo như tài trợ chi phí để doanh nghiệp tổ chức sự kiện quảng bá sản phẩm ở nước ngoài, trả tới 50% chi phí cho doanh nghiệp để đầu tư sản phẩm chuyển đổi số đầu tiên, hay có đội ngũ kinh doanh, tiếp thị để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Albert Antoine chia sẻ.
Đối chiếu với Việt Nam, theo chuyên gia, các doanh nghiệp Việt khó đổi mới sáng tạo theo hướng mình muốn vì gặp khó khăn khi kêu gọi vốn, phải xoay xở vừa phát triển sản phẩm, vừa lo tài chính cùng lúc, “lấy ngắn nuôi dài”.
"Nhiều doanh nghiệp học và sao chép các mô hình kinh doanh của các công ty nước ngoài, đó không phải sự đổi mới từ cốt lõi”, Albert nhận định.
Tập đoàn lớn + Startup = Mô hình đổi mới sáng tạo thành công?
Còn theo ông Trương Quốc Hùng (Steven Truong) - nhà sáng lập và Giám đốc điều hành tại VinBrain (Vingroup), hợp lực giữa tập đoàn công nghệ lớn với các startup cũng là một mô hình đổi mới sáng tạo thành công trên thế giới.
Ông Trương Quốc Hùng từng dẫn dắt đội ngũ phát triển tại Microsoft, khởi xướng nhiều đổi mới quan trọng cho các sản phẩm AI sử dụng bởi hàng triệu người dùng trên thế giới như Email Smart Reply và iRanker.
Một ví dụ điển hình chứng minh thành công của mô hình đổi mới liên kết giữa tập đoàn và startup là cú bắt tay giữa OpenAI và ông lớn công nghệ lớn nhất thế giới Microsoft, tạo ra một giải pháp Trí tuệ nhân tạo đột phá có tầm ảnh hưởng tới tất cả mọi ngành nghề trên thế giới, thu hút trăm triệu người dùng chỉ sau vài tháng.
“Mô hình kết hợp giữa startup và tập đoàn đã tận dụng thế mạnh dám làm, dám mạo hiểm, có thể triển khai nhanh của startup. Việt Nam cần một nền tảng, một cầu nối giữa tập đoàn muốn đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp, startup để cùng tìm ra lời giải cho các bài toán khó, tạo nên đột phá”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh Nghị quyết 98 vừa được thông qua, nhiều chuyên gia nhìn nhận đây là thời điểm vàng để các lãnh đạo doanh nghiệp tìm hiểu và tận dụng những chính sách mở đường cho đổi mới sáng tạo, từ đó lấy đà bứt phá.
Theo đó, Nghị quyết 98 quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. TPHCM sẽ tập trung hơn nữa về mặt cơ chế và chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư toàn xã hội, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục dự án và thí điểm các hình thức đầu tư mới.
“Đã đến lúc Việt Nam thay vì “giữ chân” các doanh nghiệp khởi nghiệp, tránh “chảy máu chất xám”, chuyển sang “thu hút”, tức là có những chính sách thuận lợi để khuyến khích, tạo hứng thú cho doanh nghiệp dám dấn thân đổi mới sáng tạo”, chuyên gia Albert Antoine nhận định.
Theo báo cáo thường niên về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp do Do Ventures và StartupBlink thực hiện, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên thứ 3 trong 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.