Start up xe thăng bằng mắc một lỗi sai khiến Shark Hùng Anh phải lạnh lùng nhắc nhở "ẢO TƯỞNG"
Dung lượng thị trường là điều mà các start up cần đánh giá chính xác.
Mở đầu tập 2, Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỷ), nhà sáng lập KIZ - Trần Quang Huy chủ sở hữu nhãn hiệu xe thăng bằng Ander, Saro tại Việt Nam kêu gọi số vốn 8 tỷ đồng cho 30% cổ phần công ty.
Theo anh Quang Huy chia sẻ, công ty thành lập năm 2016, với tổng doanh thu lên tới 40 tỷ. Về bức tranh tài chính, năm 2021 là 7 tỷ đồng, năm 2022 là 9 tỷ đồng và hiện tại tính đến tháng 8/2023 là 7 tỷ đồng. Tên gọi Saro lấy ý tưởng từ tên của con anh. Còn Ander là thương hiệu do Canada sản xuất, sau đó được anh hợp tác, phân phối và duy trì. Saro tập trung vào sản phẩm xe đua cao cấp hơn, còn Ander tập trung sản phẩm phổ thông.
Số tiền kêu gọi đầu tư 8 tỷ đồng sẽ tập trung vào 4 việc: Hoạt động xây dựng thêm những sản phẩm xoay quanh gồm phụ kiện bảo hộ như mũ, quần áo thể thao, giày thể thao; Truyền thông vào quảng bá; Tái cấu trúc doanh nghiệp; Xây dựng cộng đồng liên quan đến vận động để mọi người kết nối, chia sẻ thông tin nhằm lan tỏa những điều tích cực.
Thương hiệu đã đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới. Ander, Saro đang nỗ lực từng ngày giúp trẻ em Việt Nam nâng cao thể lực để có sức khỏe và tạo ra nhiều trải nghiệm thú vị. Với tính nhân văn nên sản phẩm rất "được lòng" các bậc phụ huynh.
Phân khúc khách hàng là trẻ em trong độ tuổi mầm non. Xe thăng bằng không có bàn đạp nên sau khi sử dụng sẽ không cần tập khi đi xe đạp. Sản phẩm giúp trẻ tạo sự tự lập, đặc biệt sự kết nối giao lưu khi tham gia các cuộc đua.
Hiện nguồn doanh thu chính chiếm 80% từ phân phối bán lẻ, có 1 cửa hàng ở TP. Hà Nội kết hợp với phân phối đại lý các tỉnh. Mô hình kinh doanh gồm 4 phần: Hoạt động phân phối bán lẻ các sản phẩm liên quan đến xe thăng bằng, các phụ kiện xoay quanh; Tổ chức các cuộc đua xe thăng bằng nhằm nâng cao sự tự lập, tự tin cho trẻ; Dịch vụ tổ chức sự kiện đua xe thăng bằng trong các trường mầm non; Tổ chức mô hình sinh hoạt đào tạo kỹ năng vận động, kỹ năng thăng bằng cho trẻ.
Tuy nhiên, với bức tranh tài chính như trên, Shark Phạm Thanh Hưng đánh giá 40 tỷ đồng bán được khoảng 50.000 chiếc xe là quá ít. Nếu đầu tư 8 tỷ đồng cho 30% cổ phần công ty, tính trung bình phải mất 20 năm mới thu hồi vốn. Dù start up xe thăng bằng có đầy đủ thương hiệu, cộng đồng, truyền thông,… thì cũng khó phát triển nhanh chóng.
"Sản phẩm này có thị trường nhưng quy mô quá nhỏ. Kể cả bạn có làm được tất cả như bạn nói cũng không ăn thua", Shark Hưng nhấn mạnh.
Anh Quang Huy tiếp tục chỉ ra tiềm năng thị trường đối với sản phẩm xe thăng bằng. Ở Việt Nam có khoảng 6 triệu trẻ em, tính con số khiêm tốn 2% nghĩa là sẽ tiêu thị được khoảng 100.000 xe. Trong cơ cấu doanh thu 40 tỷ, 80% bán từ sản phẩm vật lý và 20% từ sản phẩm dịch vụ. Hoạch định năm 2029 đạt 700 tỷ đồng. Trước mắt doanh thu định hướng năm 2024 là 29 tỷ đồng, năm 2025 là 48 tỷ đồng, năm 2026 là hơn 100 tỷ.
Ngay lập tức, Shark Hùng Anh cho rằng start up đang "ảo tưởng" bởi 2% trong 6 triệu trẻ em là con số rất lớn. Shark tiếp tục phân tích, từ đầu năm tới giờ, công ty chỉ bán được 6000 – 7000 chiếc, vậy rất khó để cam kết bán được mấy chục nghìn chiếc xe chỉ trong 1 năm. Năm vừa qua, công ty thu 7-9 tỷ, lợi nhuận 12%, tức khoảng 1 tỷ/năm, đây là con số khá khiêm tốn.
Shark Hùng Anh thẳng thắn bày tỏ: "Đua xe thăng bằng khá thích thú, mang lại lợi ích cho trẻ nhỏ nhưng khi làm ăn cần sự nghiêm túc. Trong suy nghĩ, lời nói, nhận định thị trường của anh tính 30 tỷ đồng, 50 tỷ đồng, 100 tỷ đồng là ảo tưởng. Sau này, anh kêu gọi vốn cần nói thật lòng để các nhà đầu tư hiểu được vai trò của mình".
Đồng quan điểm với Shark Hùng Anh, Shark Tuệ Lâm cho rằng với 1 triệu trẻ em sinh ra mỗi năm, với trẻ trong độ tuổi 2-6 thì các bậc cha mẹ chỉ mua xe thăng bằng 1-2 lần trong suốt giai đoạn này. Đây không phải sản phẩm dùng được hàng ngày.
Hơn nữa, GDP đầu người tại Việt Nam dao động 3000 – 3500 USD/năm, trong khi giá thành chiếc xe khoảng 45 USD, thậm chí với xe chất lượng cao lên tới 100 USD. Đây là con số lớn, chiếm vài % thu nhập của người dân. Mà tỷ lệ người Việt Nam chi trả cho các khoản mục liên quan tới đồ chơi, phụ kiện không cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Vì thế, cần phải tính lại dung lượng thị trường.
Còn Shark Nguyễn Hòa Bình thì nhận định: "Tái cấu trúc ở đây của bạn hơi lý thuyết, hơi bay bổng. Doanh nghiệp của bạn bản chất đi buôn đồ chơi và đang làm hiệu quả thì cứ làm với mô hình siêu nhỏ này. Nếu bạn tăng quy mô sẽ lỗ, mất tiền của nhà đầu tư và đóng cửa. Trong giai đoạn mùa đông gọi vốn như hiện nay, càng phải co lại, khiêm tốn. Tôi chấp nhận rủi ro nhưng phải có tiềm năng tăng trưởng vài chục đến 100 lần. Nhưng tôi không nhìn thấy được tiềm năng đó nên không đầu tư".
Như vậy, cả 4 Shark đều từ chối đầu tư.
Dung lượng thị trường mà các Shark đề cập có tầm quan trọng như thế nào?
Dung lượng thị trường hay còn gọi là quy mô thị trường (Market Size) được hiểu là tổng số doanh số bán hàng, tổng lượng hàng hóa bán ra hoặc tổng lượng khách mua hàng tối đa trong một lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp có thể đo lường hàng năm hoặc trong khoảng thời gian nhất định.
Khi xác định được dung lượng thị trường sẽ dự đoán được tổng lượng hàng hóa bán ra hay tổng lượng khách hàng mua hàng. Hơn thế còn có thể xác định doanh thu tiềm năng mà doanh nghiệp đó có thể đạt được.
Để đánh giá dung lượng thị trường cần thực hiện các bước:
- Tìm kiếm dữ liệu thứ cấp: Nguồn của các cơ quan chính phủ và cơ quan thương mại hoặc dữ liệu thứ cấp hay báo cáo thị trường từ các nhà cung cấp.
- Nghiên cứu bên cung của thị trường: Tính doanh số mà công ty đã bán ra, tham vấn từ nhiều nguồn khác nhau để bao quát được doanh số của nhà cung cấp; Nghiên cứu thị trường có thể bắt đầu thu thập thông tin từ báo cáo, dữ liệu của một số công ty nghiên cứu thị trường (có trả phí).
- Nghiên cứu bên cầu của thị trường: Kiểm tra chéo với phương pháp tính toán dựa trên bên cung của thị trường. Cách làm này dựa chủ yếu vào dữ liệu thu thập được từ các bản khảo sát nghiên cứu thị trường. Các doanh nghiệp cần phỏng vấn những khách hàng mục tiêu, thu thập số liệu về sức mua của họ đối với sản phẩm đang được nghiên cứu.
Công thức cụ thể được áp dụng:
Market Volume = N*PT
N = Tổng dân số địa lý.
PT = Tỷ lệ phần trăm khách hàng mục tiêu trong khu vực địa lý.