Đại diện Viber: Thời buổi khó khăn, các thương hiệu Việt đang tích cực dùng mạng xã hội để kết nối 1-1 với khách hàng
Hiện có số lượng lớn người dùng sử dụng các trang mạng như Facebook, Instagram, Tik tok, Youtube,… do đó các kênh này có khả năng gắn kết nhanh chóng và cũng là kênh tiếp cận khách hàng online hiệu quả.
Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nhu cầu giảm sút, việc bán hàng ngày càng khó khăn, doanh nghiệp được biết đang nỗ lực kết nối cũng như giữ chân khách hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội ngày càng thu hút người dùng, đây trở thành một trong các kênh tiếp cận mới của nhiều doanh nghiệp.
Theo Fastdo (nền tảng quản trị cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ - SMEs), mạng xã hội đang nằm Top 4 các phương thức tiếp cận mới hiệu quả, chi phí thấp. Bởi, hiện có số lượng lớn người dùng sử dụng các trang mạng như Facebook, Instagram, Tik tok, Youtube,… do đó các kênh này có khả năng gắn kết nhanh chóng và cũng là kênh tiếp cận khách hàng online hiệu quả.
Thống kê cho thấy 69% người tiêu dùng ở Châu Á Thái Bình Dương thích sử dụng tin nhắn di động để phục vụ khách hàng và liên lạc với các doanh nghiệp, khiến các ứng dụng trò chuyện và mạng xã hội trở thành điều bắt buộc đối với các nhãn hàng. Và các nhãn hàng trong khu vực đã chứng kiến tuổi thọ của người dùng tăng hơn 3 lần khi thu hút khách hàng qua các kênh liên lạc di động.
Chia sẻ bởi người trong cuộc, bà Cristina Constandache - Trưởng phòng Kinh doanh của Rakuten Viber – cho biết: “ Chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng không ngừng trong các tài khoản doanh nghiệp được tạo trên ứng dụng Viber. Đã có thêm 60% tài khoản nhắn tin kinh doanh được mở trong năm ngoái so với năm 2021.
Chúng tôi cũng nhận thấy số lượng tin nhắn kinh doanh được gửi đi tăng 48%. Điều này cho thấy các thương hiệu tại Việt Nam đang tích cực sử dụng giải pháp này để thiết lập kết nối 1-1 với khách hàng của mình”.
Ngân hàng, nhà bán lẻ, dịch vụ giao hàng, công ty bất động sản và nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành và quy mô khác nhau ở châu Á và Việt Nam sử dụng Viber để giao tiếp với khách hàng của họ. Báo cáo năm 2022 còn thể hiện số người sử dụng Viber thường xuyên tại Việt Nam (hơn 25 ngày/tháng) đã tăng 20%. Tính đến nửa đầu năm 2022, đã có khoảng 500 tài khoản doanh nghiệp đăng ký và con số này vẫn tiếp tục tăng.
Không riêng Viber, TikTok cũng đã triển khai kênh TikTok for Business. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của TikTok, kênh cho doanh nghiệp cũng thu hút mạnh các bên, đặc biệt nhóm B2B. TikTok được biết còn đang thử nghiệm một nền tảng có tên là Creator Marketplace tại Việt Nam, để các nhãn hàng có thể tìm hiểu và hợp tác với những nhà sáng tạo nội dung trong các chiến dịch thương hiệu, nhằm tăng mức độ nhận diện và thu hút khách hàng mới.
Gây chú ý về sự vụ thu phí, Zalo cũng xây dựng Zalo Business. Nếu Zalo trước đây chỉ tập trung vào Zalo OA dành riêng cho doanh nghiệp, thì năm 2023 ứng dụng này đã mở rộng cho cả việc kinh doanh cá nhân. Hiện, có 3 gói phí Zalo Business, gồm Standard (mức phí 2.800 đồng/ngày), Pro (mức phí 5.500 đồng/ngày) và Elite (mức phí 55.000 đồng/ngày)….
Nhìn chung, tài khoản doanh nghiệp trên mạng xã hội có thể tìm kiếm trên toàn cầu, cho phép người dùng tìm thấy các thương hiệu yêu thích của họ trong ứng dụng.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện tại Việt Nam vào năm ngoái, khoảng 84% số người được hỏi đã nghiên cứu thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội và ứng dụng trò chuyện. Khảo sát của Desicion Lab cho thấy 59% người tiêu dùng Việt Nam muốn trò chuyện khi tìm hiểu sản phẩm. Ngoài ra, 66% người tiêu dùng sẵn sàng giữ liên lạc với người bán sau khi mua hàng.
Tri Túc
Nhịp sống thị trường