A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất ưu đãi thuế cho các nhà sáng tạo nội dung

Một số doanh nghiệp đề xuất chính sách ưu đãi thuế cho các nhà sáng tạo nội dung, mở mã ngành livestream - là một ngành kinh doanh chính thức.

Tối ngày 20/4/2025, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP. Hồ Chí Minh, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tổ chức chương trình giao lưu “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ” nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tôn vinh giá trị sáng tạo và lan tỏa thông điệp về TP. Hồ Chí Minh, là thành phố của sáng tạo nghệ thuật.

Chương trình “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc – Cảm nhận nhịp điệu của sáng tạo” do Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM tổ chức.
Chương trình “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc - Cảm nhận nhịp điệu của sáng tạo” do Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Ảnh: BTC

Trong chương trình, khán giả đã được thưởng thức các ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng, ca khúc mang thông điệp rõ ràng về giá trị và ý nghĩa của việc bảo vệ quyền tác giả; biểu diễn các ca khúc mới viết về TP. Hồ Chí Minh, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Cũng tại chương trình, Ban tổ chức đã vinh danh những nghệ sĩ, nhạc sĩ đã có những đóng góp cho lĩnh vực bản quyền âm nhạc, các đơn vị kinh doanh âm nhạc thực hiện tốt về bản quyền âm nhạc, tặng quà cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện, chương trình “Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc” mới diễn ra do Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm giúp các bên liên quan trao đổi, phản ánh thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm phát triển thị trường âm nhạc trong nước và quốc tế.

chương trình “Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc”
Chương trình “Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc”

Theo Ban tổ chức hội nghị, đây là lần đầu tiên các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức đối thoại mở với các doanh nghiệp, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Mục tiêu là nắm bắt tình hình thực tế, những khó khăn về cơ chế, thủ tục, đồng thời định hướng xây dựng các sự kiện âm nhạc có quy mô, giá trị văn hóa, kinh tế và khả năng xuất khẩu các sản phẩm âm nhạc chất lượng cao ra thị trường quốc tế.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu để tham mưu cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Chính phủ, các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đặc biệt là trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá trong thời gian tới.

Đại diện các doanh nghiệp, các nhà sản xuất âm nhạc, đại diện các hội, hiệp hội liên quan đã chia sẻ tâm huyết về những khó khăn, vướng mắc cản trở sự phát triển của ngành âm nhạc như quy định cấp phép tổ chức sự kiện còn rườm rà, chính sách thuế và tài chính thiếu rõ ràng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, vấn đề bảo hộ bản quyền, xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm âm nhạc chất lượng cao có khả năng thương mại hóa, công nghiệp hoá vẫn còn nhiều bất cập.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đề xuất chính sách ưu đãi thuế cho các nhà sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo nội dung, mở thêm các mã ngành mới như ngành livestream là một ngành kinh doanh chính thức để thuận tiện thực hiện nghĩa vụ thuế….

Các đơn vị như Vietnam Idol, BH Media, TikTok Việt Nam, Vietfest, Yeah1… cũng nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong phát hành và khai thác sản phẩm âm nhạc. Đồng thời đề xuất cơ chế hợp tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài và kết nối giữa các đơn vị trong ngành nhằm phát triển công nghiệp âm nhạc một cách bền vững.

Ngoài ra, việc tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn và chuyên sâu dành cho đội ngũ làm nghề cũng được đánh giá là cần thiết để nâng cao năng lực tổ chức sự kiện, biểu diễn nghệ thuật, từ đó xây dựng thị trường âm nhạc chuyên nghiệp hơn.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật