Mật ong Cẩm Tú - Tinh hoa từ vườn nhãn lên sàn thương mại điện tử
Mật ong Cẩm Tú, An Giang đang được phân phối rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử uy tín như Sàn Việt, mang đến cho người tiêu dùng sự tiện lợi và tin cậy.
Mật ong Cẩm Tú đến từ huyện Châu Phú, An Giang - một sản phẩm kết tinh từ sự cần cù, sáng tạo của người nông dân miền Tây, được phân phối rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử uy tín như Sàn Việt, mang đến cho người tiêu dùng sự tiện lợi và tin cậy.
Hành trình "dắt ong lấy mật"
Thấy được tiềm năng từ những vườn nhãn trĩu quả tại địa phương, anh Hà Phước Sơn - một chàng trai trẻ đầy tâm huyết với quê hương, đã ấp ủ một ý tưởng độc đáo "dắt ong lấy mật". Anh Sơn đã mạnh dạn thành lập cơ sở mật ong Cẩm Tú, tiên phong nuôi ong Ý lấy mật tại huyện Châu Phú.
Ong Ý nổi tiếng là loài ong "sành ăn", chỉ chọn những loài hoa thơm ngon nhất như hoa nhãn và hoa tràm để hút mật. Vậy là, đàn ong của anh Sơn được "du mục" khắp nơi, khi thì tận hưởng hương nhãn thơm ngát tại vườn nhãn xuồng Khánh Hòa, lúc lại rong ruổi đến những cánh rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), U Minh (Kiên Giang) hay cù lao Cái Tàu Hạ (Đồng Tháp) để thu về những giọt mật tinh túy nhất.
Bên cạnh hoạt động quảng bá truyền thống, sản phẩm mật ong Cẩm Tú còn được đẩy mạnh, bán trên thương mại điện tử. Ảnh: Hoàng Hưng |
Mỗi vùng đất mang đến cho mật ong Cẩm Tú một hương vị đặc trưng riêng biệt. Nếu mật ong hoa nhãn có màu vàng xanh quyến rũ, hương thơm nhẹ nhàng, vị ngọt thanh tao, quý phái thì mật ong hoa tràm lại mang màu đỏ đậm, hương thơm nồng nàn, vị ngọt gắt xen lẫn chút chua thanh, đậm chất phóng khoáng.
Tự hào là người tiên phong "dắt ong lấy mật" theo kiểu "nuôi ong chạy vườn", anh Sơn không ngừng nỗ lực để tạo ra những sản phẩm mật ong "thơm ngon, bổ dưỡng, giá cả bình dân", góp phần nâng cao giá trị nông sản quê hương. Với niềm đam mê và khát vọng vươn xa, chắc chắn anh Sơn cùng cơ sở mật ong Cẩm Tú sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.
Ông Huỳnh Văn Tính, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú cho biết: “Sản phẩm mật ong Cẩm Tú của huyện đã vinh dự được UBND tỉnh An Giang công nhận là sản phẩm OCOP với phân hạng 3 sao, khẳng định chất lượng vượt trội và tiềm năng phát triển của loại sản phẩm này. Huyện đang tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ và xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ cho các loại đặc sản nông sản Châu Phú, trong đó có mật ong Cẩm Tú đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước”.
Hiện nay, mật ong Cẩm Tú đã có mặt tại 15 đại lý trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, anh Sơn còn đẩy mạnh bán hàng online thông qua website, Facebook và các sàn thương mại điện tử như Sàn Việt, nhằm tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
Với phương châm "thơm ngon, bổ dưỡng, giá cả bình dân", mật ong Cẩm Tú đang dần khẳng định vị thế trên thị trường. Anh Sơn cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Mở rộng thị trường, vươn xa thương hiệu nhờ thương mại điện tử
Cách đây 5 năm, chỉ một số ít nhà sản xuất nhỏ tại An Giang tiếp cận kênh bán hàng online qua các sàn thương mại điện tử. Nhưng đến nay, hầu hết đã tận dụng sàn thương mại điện tử để tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, có những cơ sở thực hiện việc bán hàng qua kênh online chiếm đến 70% doanh thu. Điều này cho thấy hiệu quả rõ rệt khi đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động bán hàng.
Anh Hà Phước Sơn - chủ cơ sở nuôi ong Cẩm Tú chia sẻ: “Sản phẩm mật ong Cẩm Tú đạt các tiêu chuẩn chứng nhận về chất lượng. Lúc trước, tôi chỉ bán hàng qua kênh truyền thống là các đại lý hay bán lẻ tại nhà nên nguồn khách hàng còn hạn chế.
Kể từ lúc bắt đầu chú trọng việc mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn, cơ sở có sự bứt phá về doanh thu và thị trường tiêu thị. Hiện bán hàng qua thương mại điện tử chiếm khoảng 70 - 80% doanh thu của cơ sở. Đây thật sự là hướng đi hiệu quả vì không tốn chi phí cho khâu trung gian, lại có sức lan tỏa rộng đến nhiều đối tượng khách hàng ở khắp mọi nơi.
Bên cạnh đó, thông qua sàn thương mại điện tử, cơ sở biết được thông tin hàng hóa tương đồng hiện có trên thị trường, từ đó hoàn thiện mẫu mã, bao bì, chất lượng để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm và đáp ứng thị hiếu của khách hàng tốt hơn”.
Theo đánh giá của Sở Công thương An Giang, khi triển khai bán hàng trên sàn sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu thêm khoảng 20% so với trước. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh tham gia bán hàng trên các sàn sàn thương mại điện tử còn thấp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất cũng gặp khó khăn khi giao dịch, quản lý sản phẩm trên sàn sàn thương mại điện tử do thiếu nhân lực, kỹ năng kinh doanh.
Ngoài ra, nếu muốn quảng bá sản phẩm rộng ra thị trường, người sản xuất phải tốn chi phí marketing hoặc tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm.
Do đó, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, Sở này đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng Sàn thương mại điện tử An Giang (www.angiang.sanviet.vn) được tích hợp vào Sàn thương mại điện tử hợp nhất (Sanviet.vn) do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng và quản lý vận hành.
Thông qua Sàn thương mại điện tử An Giang, thời gian qua, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương dần dần khẳng định được thương hiệu và tìm kiếm được thị trường phù hợp, nhiều sản phẩm đã kết nối và xuất khẩu ra quốc tế.
Sàn thương mại điện tử An Giang với các gian hàng và kênh thông tin giới thiệu chuyên nghiệp, nhanh chóng dành cho cơ sở, doanh nghiệp và các tính năng ưu việt, cho phép tối ưu và tùy chỉnh cao, mang lại nhiều giá trị cho cả người bán và người mua. Với chỉ vài thao tác đơn giản, việc mua bán trên sàn thương mại điện tử này cũng dễ dàng, nhanh chóng và hết sự thuận tiện.
Ngoài việc hỗ trợ tối đa để nông dân đưa sản phẩm “lên sàn”, Sở Công Thương tỉnh An Giang vận động và hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, hộ nông dân, hợp tác xã tiếp cận với thanh toán trực tuyến, dịch vụ vận chuyển tiện ích… để tối ưu hóa quá trình bán hàng qua kênh thương mại điện tử.
Với phạm vi không gian không giới hạn, kênh thương mại điện tử Sàn Việt không mất chi phí quảng bá, người sản xuất còn đăng tải được nhiều hình ảnh, video quảng bá về sản phẩm của mình. Chưa kể, trên nền tảng số, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất còn có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu khách hàng, đưa ra dự đoán về các xu hướng tiêu dùng mới để có chiến lược marketing phù hợp; đồng thời, tư vấn, giải đáp cho khách hàng về sản phẩm dịch vụ của mình để họ có trải nghiệm tốt hơn, tăng sự hài lòng.