A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi "chốt đơn" trên livestream

Mua sắm qua hình thức phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử đang là xu thế được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, thời điểm mua sắm cận Tết Nguyên đán, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước kh

 

Chú thích ảnh

Ảnh minh họa: M.Phương - H.Anh/Báo Tin tức

Bởi bên cạnh việc giao thương lành mạnh, không ít đối tượng đã lợi dụng sự khó kiểm soát chất lượng hàng hóa đã quảng cáo và bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái... gây thiệt hại với người tiêu dùng.

Thời gian qua, việc sử dụng hình thức livestream để bán hàng đã trở thành một xu hướng phổ biến trong thương mại điện tử và quảng cáo trực tuyến. Các nền tảng như Facebook, Instagram, YouTube, TikTok, Shoppe… đều cung cấp tính năng livestream, giúp người bán hàng tương tác trực tiếp với khách hàng và giới thiệu sản phẩm của họ một cách thực tế và sinh động.

Bà Vũ Thị Oanh - Chủ tịch Liên minh xúc tiến ACT ONE GLOBAL cho biết, với sứ mệnh mang đến những cơ hội trải nghiệm mua sắm tuyệt vời, đặc biệt là sự tiện lợi cho người tiêu dùng, Chợ Tết online của Liên minh xúc tiến ACT ONE GLOBAL chính thức ra mắt trên sàn thương mại điện tử Shopee với nhiều sản phẩm mẫu mã đa dạng, phong phú và chất lượng. Tất cả đều được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp theo từng nhóm ngành hàng, giúp người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và chọn lọc những mặt hàng cần mua.

Ngoài ra, Chợ Tết online liên tục áp dụng chương trình giảm giá sâu các mặt hàng Tết, nhiều mặt hàng chỉ còn 1.000 đồng, cùng dịch vụ miễn phí giao hàng trên toàn quốc nhằm mang đến sự tiện ích tối đa cho khách hàng, đặc biệt là những người trẻ bận rộn không có thời gian mua sắm Tết theo kiểu truyền thống.

Đại diện một số của hàng online thường livestream bán hàng trên mạng hàng ngày chia sẻ, khác với kiểu bán hàng offline truyền thống, việc đầu tư livestream bán hàng online rất công phu và cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Để chuẩn bị cho một buổi livestream đạt hiệu quả, bản thân người livestream phải chuẩn bị từ dụng cụ như điện thoại phải chất lượng, có camera tốt, đến nội dung livestream…

Ngoài ra, người livestream cần phải biết cách trò chuyện để thu hút người xem, có nguồn năng lượng tích cực để mang đến một livestream vui vẻ và bùng nổ. Thông qua phương thức livestream, người bán hàng có thể kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Qua đó, giúp người bán dễ dàng chốt đơn, kích thích nhu cầu mua sắm, nhất là trong thời điểm cận Tết Nguyên đán.

Theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce) cho thấy, có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) trong năm 2023, tăng 52,3% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây. Điều này cho thấy thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn, theo cùng với xu hướng thế giới.

Đánh giá từ các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm tới có thể đạt 650 nghìn tỷ đồng vào năm 2024. Thế nhưng, sự phát triển của thương mại điện tử cũng tạo ra những kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường.

Mặc dù vậy, bên cạnh đà tăng trưởng và những mặt tích cực, thương mại điện tử đang đối mặt với nhiều hệ lụy khi tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Chưa kể, sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.

Đơn cử, sau một thời gian dài thẩm tra, xác minh với hàng nghìn giờ theo dõi trên livestream của đối tượng, khi nhân viên đang tiến hành livestream bán hàng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai và Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Pleiku bất ngờ ập vào kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên (Ngọc Quyên Shop), địa chỉ 121/5 Lê Đại Hành, tổ 3, phường Đống Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận hàng hóa được chất đống ngổn ngang từ khu vực phía ngoài cổng đến kho chứa sâu bên hông khu vực nhà ở. La liệt các sản phẩm như nước hoa Gucci, Tom Ford, YSL, Chanel, Louis Vuitton, Dior, Boss, Sauvage, Lancôme, Kilian….; giày dép, túi, ví các thương hiệu Louivuiton, Chanel, Adidas, Nike; mỹ phẩm các nhãn hiệu Vaseline, Bioderma; các loại thực phẩm chức năng giảm cân cấp tốc trong vòng 7 ngày cùng hàng loạt các mặt hàng là đồ gia dụng, tiêu dùng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, tại các phiên livestream mà lực lượng quản lý thị trường theo dõi, rất nhiều các sản phẩm như giày Gucci, giày adidas hay Nike được chào bán với giá từ 80.000 - 100.000 đồng/sản phẩm; đồng hồ, kính mắt các nhãn hiệu Versace, Gucci, LV có giá từ 30.000 - 200.000 đồng/sản phẩm. Ngoài ra, các loại mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, nước giặt có giá từ 20.000 - 100.000/sản phẩm.

Với 7 - 8h livestream mỗi ngày, hàng trăm, đến hàng nghìn đơn hàng là giày, dép, túi xách, nước hoa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu nổi tiếng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đã được hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên chốt đơn thành công.

Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra kho hàng nằm trong khu đô thị Đô Nghĩa, thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội…; phát hiện số lượng lớn hàng hóa vi phạm. Tại thời điểm kiểm tra, quản lý kho hàng không xuất trình được các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tại đây, nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng…, trên vỏ hộp thể hiện xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Canada… Được biết, chủ kho hàng là một “hot girl” nổi tiếng trong kinh doanh hàng hóa online trên nhiều nền tảng mạng xã hội như: TikTok, Instagram, Facebook cũng như website với tên gọi Mailysyle.com. Trên trang Facebook Mailysyle.com thu hút 332.000 lượt thích và 520.000 lượt theo dõi, đăng tải công khai số tài khoản ngân hàng của Nguyễn Hoàng Mai Ly với 12 số điện thoại chốt đơn, tư vấn khách hàng.

Chị Hoàng Thu Phương tại Cổ Nhuế cho hay, mới đây, tại một phiên livestream của một chủ tài khoản trên Facebook, chị có đặt mua một máy ép chậm. Thế nhưng, vài ngày sau khi sản phẩm chuyển tới từ hình thức tới mẫu mã đều là hàng gia công, nhựa mỏng mảnh. Điều đáng nói là sản phẩm đã bị gãy quai cầm và được nhân viên của cửa hàng dùng băng keo trong đính lại.

Theo chị Hoàng Thu Phương, sau khi liên lạc lại với cửa hàng, nhân viên nói rằng do không quay lại video lúc nhận hàng và bóc hàng từ đầu nên không chịu trách nhiệm đổi trả. Vì vậy chị Phương đành phải ngậm đắng coi như vứt đi số tiền mua sản phẩm dởm, tiền mất và thêm bực mình.

Tương tự, do thường xuyên theo dõi một kênh Facebook livestream bán hàng, chị Nguyễn Thị Hòa tại Nhật Tân cũng được một người bạn chia sẻ vào xem livestream trực tiếp. Sau khi chốt đơn mua một vài sản phẩm; trong đó, có mỹ phẩm và nước hoa với giá tương đối hợp lý chi Hòa đã nhận ngay sau đó vài ngày.

“Tuy nhiên, nước hoa đa phần là hàng nhái thương hiệu nên chỉ sau 5 phút được phụt lên người đã không còn mùi thơm, hơn nữa, nắp chai cũng vô cùng lỏng lẻo chưa đụng vào đã chực rơi ra ngoài”, chị Hòa bức xúc kể lại.

Nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhập lậu thúc đẩy thương mại điện tử phát triển và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong mua sắm online, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử giữa người dân và doanh nghiệp. Điều này góp phần bảo vệ nhãn hàng trên môi trường trực tuyến, đảm bảo giao dịch và giải quyết khiếu nại tranh chấp, xác thực và định danh chủ thể trong thương mại điện tử. Mặt khác, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống hàng giả trên môi trường mạng.

Thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối triển khai Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật cho thương mại điện tử, tập trung phổ biến, hướng dẫn thương nhân, tổ chức, cá nhân liên quan tới quy định pháp luật về thương mại điện tử.

Theo Uyên Hương

Báo tin tức


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật