Sôi động chợ online phục vụ Rằm tháng 7
Những ngày này, thị trường phục vụ cho ngày lễ cúng Rằm tháng 7 sôi động, phong phú. Nổi bật, dịch vụ đi chợ online thu hút được đông đảo các bà nội chợ từ mua thực phẩm để tự sơ chế đến những mâm cỗ đầy đủ các món chay, mặn...
Hôm nay, ngày 27/8 (tức ngày 12 tháng 7 âm lịch) vào ngày nghỉ cuối tuần nên nhiều gia đình đã tổ chức cúng Rằm tháng 7 (lễ Vu Lan). Rằm tháng 7 hay còn gọi là Tết Trung nguyên, lễ Vu Lan báo hiếu, thường có các lễ: cúng phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và cúng phóng sinh. Theo truyền thống tín ngưỡng dân gian, người Việt rất coi trọng ngày lễ này trong năm.
Bác Phạm Thị Nghĩa, ở phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, cúng Vu Lan là ngày con cháu tưởng nhớ tới công lao sinh thành của ông bà, cha mẹ. Tưởng nhớ không phải ở chỗ mâm cao, cỗ đầy, mà ở thái độ và tâm của mỗi con người. Đây cũng là dịp ông bà cha mẹ và con cháu trong gia đình quây quần bên nhau để tưởng nhớ tổ tiên và cùng xum họp gia đình.
Vì vậy, những ngày này thị trường phục vụ cho ngày lễ cúng Rằm tháng 7 sôi động, phong phú và đa dạng tùy theo nhu cầu của mỗi gia đình. Nổi bật, dịch vụ đi chợ online thu hút được đông đảo các bà nội chợ từ mua thực phẩm để tự sơ chế đến những mâm cỗ đầy đủ các món chay, mặn với giá cả phù hợp nhu cầu.
Các sản phẩm hoa quả trên chợ online đang khá đắt khách và thường được các chủ shop bán theo combo. Cụ thể, na Đồng Bành (Lạng Sơn) size 3 - 5 quả/kg giá 120.000 đồng/3 kg; na size nhỏ hơn được bán với mức giá 100.000 đồng/3 kg. Trong khi đó, na Thái (Sơn La) được chào bán với mức giá 80.000 đồng/kg, đóng thùng 5 kg (5 - 7 quả/thùng); nhãn quê 100.000 đồng/5 kg. Hoa sen quan âm cũng được bán với giá 120.000 đồng/10 bông với 2 màu trắng và hồng, nếu kèm thêm thị thì cửa hàng báo giá 55.000 đồng/kg
Cùng với hoa quả, các gà mái ri, trống quê được làm sẵn cũng được các chủ shop bán hàng online chào mời với mức giá rất hấp dẫn từ 110.000 - 180.000 đồng/con (nặng từ 1,5 - 1,7 kg/con), mua từ 2 còn còn được giảm giá 10.000 đồng/con và miễn phí ship. Chả sụn sống được quảng cáo làm từ sụn non, người dùng chỉ cần giã đông rồi rán trên lửa nhỏ được bán với giá 140.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Chị ở Phố Nguyễn Thị Định, quận Long Biên cho biết, bà thường đi chợ online, dịp này chợ rất đa dạng hàng hóa từ rau, hoa, trái cây, xôi, bánh đến thịt, hải sản dễ dàng lựa chọn theo nhu cầu gia đình với giá cả hợp lý.
Cùng với những mâm cỗ truyền thống, những mâm cỗ chay cũng được rất nhiều người dân lựa chọn cho ngày Rằm tháng 7. Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều hàng quán, khách sạn, địa chỉ online đã lên đơn cho khách tấp nập từ rất sớm.
Chị Nguyễn Lan Anh, ở phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng chuyên bán đồ chay và nhận làm cỗ cho biết, cửa hàng đã nhận đơn của khách từ tháng 6 âm lịch. Năm nay nhu cầu đặt mâm cỗ chay cao hơn năm ngoái bởi không vướng dịch bệnh. Hiện tại, cửa hàng chị đã nhận được 100 đơn, gấp đôi so với năm ngoái. Với số lượng đơn cao nên bếp đã nhập về một số loại nguyên liệu để sơ chế dần.
"Càng gần Rằm tháng 7, cửa hàng phải huy động nhân lực, làm hết công suất cả ngày và đêm thì mới kịp trả đơn cho khách", chị Lan Anh chia sẻ.
Còn theo anh Phạm Mạnh Dũng, người chuyên bán hàng online về thực phẩm chay cho biết, hiện tại giá mâm cỗ chay khá đa dạng. Thấp nhất là 450.000 - 600.000/mâm. Ngoài ra còn có mâm cỗ giá cao hơn tùy thuộc vào số lượng món, nguyên liệu theo yêu cầu của khách, có thể lên tới hơn triệu đồng một mâm cỗ.
Ngoài những mâm cỗ nấu sẵn như thế, anh Dũng cũng phục vụ cả những mâm cỗ sơ chế. Khách đặt chỉ nấu chín là có thể bày biện để cúng ngay. Theo anh Dũng, xu hướng hiện nay khách thích chọn mâm cỗ có sử dụng các nguyên liệu tự nhiên từ sen, các loại nấm, rau củ... hơn là thực phẩm chay dạng công nghiệp.
Trên thị trường chợ truyền thống, qua khảo sát một số chợ trên địa bàn Hà Nội như Hôm Đức Viên, Kim Liên, Gốc Đề, Nguyễn Công Trứ, chợ 8/3, Bách Khoa, Thành Công, Hàng Bè… cho thấy, giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, hoa tươi phục vụ ngày Rằm tháng 7 phong phú, không tăng giá nhiều.
Cụ thể, các loại rau xanh, củ quả như bắp cải có giá từ 15.000 - 18.000 đồng/kg; cải xoong từ 8.000 - 10.000 đồng/mớ; khoai tây từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, rau cần 5.000 - 8.000 đồng/mớ, xà lách 18.000 - 25.000 đồng/kg, cải thảo từ 14.000 - 20.000 đồng/kg, cải canh từ 5.000 - 7.000 đồng/mớ, rau ngót từ 6.000 - 10.000 đồng/mớ, bí xanh từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, cà rốt từ 3.000 - 8.000 đồng/củ, rau muống từ 10.000 - 15.000 đồng/mớ, dưa chuột từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, cà chua có giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, mướp từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, ớt chuông từ 20.000 - 25.000 đồng/kg…
Đối với mặt hàng thịt lợn, những ngày gần đây giá cũng đã nhích lên so với trước do giá thịt lợn hơi tăng lên. Cụ thể, giá sườn non trước từ 145.000 tăng lên 165.000 đồng/kg, ba rọi, nạc vai trước phổ biến ở mức từ 130.000 nay lên 150.000 đồng/kg, nạc thăn từ 120.000 lên 130.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, các mặt hàng thịt bò, cá, tôm vẫn giữ giá không tăng so với trước; trong đó, giá thịt gầu bò ở mức 280.000 đồng/kg, thịt bò phi lê 350.000 đồng/kg, tôm từ 300.000 - 450.000 đồng/kg, cá trắm đen từ 75.000 - 120.000 đồng/kg, cá diêu hồng từ 80.000 đồng giảm xuống 70.000 đồng. Các loại hải sản như tôm, mực, bạch tuộc cũng giảm từ 5 - 10%. …
Chị Nguyễn Thị Hằng, ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng cho hay, tại các chợ truyền thống, các mặt hàng hải sản nhiều và phong phú, giá cả hợp lý. Trước đây tôm, mực kích cỡ cùng loại chị mua giá từ 200.000-300.000 đồng một kg, nay vào dịp lễ ngày nghỉ cuối tuần nhưng giá cũng không tăng. Ngoài ra, rau xanh, rau gia vị cũng không tăng mặc dù đợt vừa rồi Hà Nội có xảy ra mưa to.…
Một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm báo hiếu cho ông bà, cha mẹ trong Ngày Vu Lan đó chính là dành thời gian đi cầu an. Những ngôi chùa sẽ là địa điểm để mọi người có thể lui tới cầu siêu, cầu bình an, sức khoẻ, may mắn và hạnh phúc đến cho ông bà, cha mẹ và tất cả thành viên trong gia đình.