Ứng dụng mua sắm Temu vừa vào Việt Nam là gì: Vì sao một quốc gia Đông Nam Á phải ban lệnh cấm?
Là nền tảng thương mại điện tử giống Shopee, Temu có đặc trưng nổi bật là thứ gì cũng có với giá bán vô cùng rẻ, kèm chính sách miễn phí ship và trả hàng trong 90 ngày.
Nếu là người có thói quen mua sắm trực tuyến, rất có thể bạn đã từng nghe đến nền tảng có tên là Temu. Đây cũng là ứng dụng vừa tiến vào thị trường Việt Nam, với mô hình kinh doanh tương tự như Shopee, Lazada.
Giống như sự nổi tiếng của Shopee ở Đông Nam Á, nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc này cũng bùng nổ không kém trên thế giới, với hàng triệu người tải xuống và mua hàng thông qua ứng dụng di động.
Temu bán mọi thứ trên đời, từ quần áo, đồ điện tử cho đến đồ nội thất, với giá cực rẻ, cùng câu khẩu hiệu quen thuộc "mua sắm như tỷ phú". Nền tảng ra mắt lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 2022 và sau đó là tại Vương quốc Anh và các nơi khác trên thế giới.
Kể từ đó, ứng dụng Temu liên tục đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu về số lượt tải, với gần 152 triệu người Mỹ sử dụng mỗi tháng, hàng hóa được vận chuyển đến khoảng 50 quốc gia trên toàn thế giới.
Temu thuộc sở hữu của tập đoàn hàng đầu Trung Quốc PDD Holdings - "một quái vật trong ngành thương mại điện tử Trung Quốc", theo Shaun Rein, người sáng lập China Market Research Group.
"Trên khắp đại lục, mọi người đều mua sản phẩm trên Pinduoduo, từ loa đến áo phông hay tất", ông nói.
Dựa trên những kinh nghiệm tại thị trường tiêu dùng Trung Quốc, PDD Holdings đã mở rộng ra nước ngoài với Temu, sử dụng cùng một mô hình mà Pinduoduo tạo dựng được thành công trong nước.
Điểm nổi bật của Temu là bán sản phẩm với giá cực rẻ. Bạn có thể mua giày với giá 300 nghìn, vòng cổ với giá 30 nghìn và bàn phím không dây với giá 200 nghìn. Trên thực tế, bất cứ thứ gì bạn nghĩ đến đều có thể mua với giá dưới 1 triệu đồng trên Temu.
Vì hàng hóa của Temu được vận chuyển trực tiếp từ nhà máy, loại bỏ khâu trung gian nên giá đến tay người dùng luôn ở mức thấp nhất.
"Temu sử dụng một hệ thống tuyệt vời, dựa vào việc thu thập dữ liệu lớn ở quy mô lớn", Ines Durand, chuyên gia thương mại điện tử tại SimilarWeb cho biết. "Họ thu thập dữ liệu về xu hướng tiêu dùng, các sản phẩm được tìm kiếm và nhấp nhiều nhất, sau đó cung cấp cho từng nhà sản xuất."
Chất lượng sản phẩm trên Temu cũng có sự phân cực. Một số khách hàng phàn nàn sản phẩm họ đặt trông khác so với hình ảnh trên trang web hoặc chất lượng thấp hơn mong đợi. Tuy nhiên, nhiều người cũng tìm được những mặt hàng tốt có giá phải chăng.
Không chỉ có mức giá cực rẻ, Temu có chính sách miễn phí vận chuyển và cho phép trả hàng trong vòng 90 ngày kèm theo chương trình khuyến mãi liên tục để lôi kéo người dùng mua sắm không ngơi tay.
Lý giải thành công của Temu, Melissa Gamble, giáo sư nghiên cứu thời trang tại trường Cao đẳng Columbia Chicago, nhận định: "Vì chúng ta đã quá quen với việc mua giá rẻ nhất nên mọi người sẽ thấy thích thú và phấn khích khi tìm thấy thứ gì đó đang được bán giảm giá hoặc có mức giá hời".
Cũng giống như các nền tảng thương mại điện tử khác, trong hai đến ba năm tới, chiến lược của Temu là tăng cường nhận diện thương hiệu và thị phần mà không quan tâm đến lợi nhuận.
"Đó chính xác là những gì đã xảy ra với Pinduoduo khi ra mắt tại Trung Quốc. Họ đưa ra những ưu đãi cực kỳ rẻ chỉ để giành thị phần", chuyên gia Shaun Rein nhận định.
Chính vì bán quá rẻ, Temu cũng gặp rất nhiều thị phi. Nền tảng bị cáo buộc là trả mức lương không đủ sống cho công nhân sản xuất nên mới tạo ra được hàng hóa giá thấp đến như vậy. Tuy nhiên, phía công ty đã bác bỏ điều này.
Gần đây, Indonesia cũng cấm Temu với lý do bảo vệ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của nước này khỏi bị "phá hủy" và ngăn chặn các sản phẩm giá rẻ tràn vào đất nước.
Chính quyền Indonesia cho biết mô hình kinh doanh của Temu "từ nhà máy đến tay người dùng" loại bỏ các bên liên quan tại địa phương như đại lý và người vận chuyển trong chuỗi cung ứng, cho phép công ty giữ được mức giá thấp nhưng lại gây áp lực cho các tiểu thương ở Indonesia.
Theo các nhà phân tích, việc Indonesia cấm Temu một phần là do đặc thù cơ cấu kinh tế của nước này, với các các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đóng vai trò là xương sống nền kinh tế (góp 60% GDP) và nguồn việc làm chính (97%), theo Li Jianggan, giám đốc điều hành của công ty đầu tư mạo hiểm Momentum Works, nói với SCMP.
Li chỉ ra rằng lệnh cấm Temu và các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới khác của Indonesia khó có thể gây ra hiệu ứng domino trên khắp các quốc gia Đông Nam Á khác trong thời gian tới.
"Các cơ quan quản lý của Indonesia không nhắm cụ thể vào Temu," Musk Li Zhipeng, nhà sáng lập trang thông tin thương mại điện tử Đông Nam Á DNY123, đánh giá. "Vấn đề cốt lõi là mô hình xuyên biên giới. Khi một lượng lớn hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Indonesia, nó sẽ tác động đến ngành sản xuất địa phương".
Temu hiện là nền tảng thương mại điện tử phổ biến thứ hai thế giới với 662,5 triệu lượt truy cập trung bình hàng tháng trong quý 3, đứng sau Amazon với 2,7 tỷ lượt truy cập.