Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu sau khi NHNN hạ lãi suất điều hành
Đi cùng việc giảm lãi suất điều hành, NHNN đã tăng cấp công cụ bơm thanh khoản từ phiên 15/3.
Lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng giảm mạnh xuống còn lần lượt 5,51%/năm, 4,74%/năm và 6,83%/năm. So với cuối tuần trước, lãi suất các kỳ hạn này giảm 0,5 – 1,8 điểm %.
Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu sau khi NHNN quyết định giảm 1 điểm % một số loại lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Cùng với việc lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm, phiên giao dịch 15/3 cũng chứng kiến diễn biến đáng chú ý trên thị trường mở khi NHNN đã quay trở lại chào thầu OMO kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 5,5%/năm. Hoạt động động này tiếp tục được NHNN duy trì trong phiên 16/3.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022, NHNN sử dụng kỳ hạn 28 ngày cho các hợp đồng cho vay cầm cố giấy tờ có giá. Trước đó, cơ quan này chỉ sử dụng các hợp đồng 7 ngày và 14 ngày để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng trong 2 tháng đầu năm, sau khi tạm dừng các hợp đồng kỳ hạn 91 ngày vào trung tuần tháng 12/2022.
Dù chỉ có 1 thành viên tham gia vay vốn mỗi phiên với tổng khối lượng trúng thầu 986,48 tỷ đồng, song động thái này cho thấy định hướng cung ứng thanh khoản dài hạn hơn cho hệ thống ngân hàng của Nhà điều hành.
Đi cùng với việc bơm thanh khoản dài hạn hơn, NHNN cũng tiếp tục dừng phát hành tín phiếu hút thanh khoản. Trong khi có hàng chục nghìn tỷ đồng tín phiếu phát hành trước đó đáo hạn.
Tính chung trong 2 phiên 15/3 và 16/3, Nhà điề hành đã bơm ròng cho hệ thống ngân hàng gần 16.100 tỷ đồng.
Theo giới phân tích, việc giảm lãi suất điều hành đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần. Việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ các TCTD trong việc tiếp cận vốn từ NHNN qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, cho vay liên ngân hàng; qua đó, giúp các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Ông Trần Ngọc Báu – CEO Wigroup, việc giảm lãi suất chính sách có phần đón đầu và dứt khoát này thể hiện NHNN đã chính thức xác nhân việc bắt đầu quay trở lại với xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên không gian giảm lãi suất tiếp tục của NHNN là không nhiều bởi trước đó Việt Nam đã duy trì một nền lãi suất rất thấp và mới chỉ tăng 2% trong đợt tăng lãi suất vừa qua.
Ông Báu dự báo, sau khi lãi suất điều hành giảm, lãi suất thị trường liên ngân hàng khả năng sẽ được điều tiết giảm dần, bình quân khoảng 0,5 -1 điểm %. Trong khi đó, lãi suất huy động sẽ ít chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi lãi suất điều hành nhưng với bối cảnh thanh khoản như hiện tại, xu hướng giảm sẽ vẫn tiếp tục, kỳ vọng đến giữa năm 2023 lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các NHTM cổ phần lớn có thể về quanh mức 7-7,2%/năm.
Trước đó, NHNN cho biết, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
NHNN nhấn mạnh, việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.