A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng nào hiện có lãi suất không kỳ hạn cao nhất?

Có 19/34 ngân hàng được khảo sát niêm yết lãi suất không kỳ hạn ở mức tối đa được phép theo quy định.

 

 
Ngân hàng nào hiện có lãi suất không kỳ hạn cao nhất?

Khảo sát mới nhất của chúng tôi tại 34 ngân hàng cho thấy, hơn một nửa các nhà băng đang niêm yết lãi suất không kỳ hạn ở 0,5% - mức tối đa được phép theo quy định.

Cụ thể, hiện có 19 ngân hàng niêm yết lãi suất 0,5% cho tiền gửi không kỳ hạn. Trong đó, ngoại trừ VPBank, hầu hết đều là các ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ.

Mức lãi suất 0,2 - 0,3% cho tiền gửi không kỳ hạn đang được nhiều ngân hàng lớn áp dụng như Agribank, Sacombank, MB, ACB, SHB,…

Nhóm 3 ngân hàng thương mại Nhà nước đang niêm yết lãi suất không kỳ hạn thấp nhất hệ thống, chỉ ở mức 0,1%/năm theo hình thức gửi tiền tại quầy.

Ngân hàng nào hiện có lãi suất không kỳ hạn cao nhất? - Ảnh 1.

 

Trước đó, từ ngày 03/04, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1%/năm xuống còn 0,5%/năm. Ngay sau khi quy định mới có hiệu lực, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất không kỳ hạn và không có nhiều thay đổi từ đó đến nay.

Như vậy, so với tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn đang ở mức rất thấp. Đơn cử như so với kỳ hạn 1 tháng, lãi suất không kỳ hạn chỉ bằng 1/10.

Lãi suất thấp cùng với Thông tư số 04/2022 có hiệu lực từ tháng 8/2022 cho phép rút tiết kiệm trước hạn vẫn được lãi suất cao đã thúc đẩy người dân chuyển từ để tiền trong tài khoản dưới dạng không kỳ hạn sang gửi tiền có kỳ hạn.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, trong quý 1/2023, tiền gửi không kỳ hạn đồng loạt giảm mạnh. Khách hàng có xu hướng gửi tiền có kỳ hạn để lấy lãi cao thay vì để tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán phục vụ cho nhu cầu đầu tư, tiêu dùng.

Theo báo cáo tài chính của MB, tổng tiền gửi không kỳ hạn (bao gồm cả tiền gửi vốn chuyên dùng, tiền gửi ký quỹ) vào cuối tháng 3/2023 ở mức 160.817 tỷ đồng, giảm 10,7% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng) giảm từ 40,6% xuống 35,5%.

Xu hướng này cũng không là ngoại lệ với Vietcombank trong quý 1/2023; dù năm ngoái CASA của ngân hàng này vẫn diễn biến khá tích cực, ngược chiều với thị trường. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, số dư tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank giảm 7,6% xuống 387.703 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA điều chỉnh từ 33,9% xuống 30,4%. Xét về số dư, Vietcombank vẫn là nhà băng có thị phần tiền gửi không kỳ hạn cao nhất. Tuy nhiên xét về tỷ trọng CASA, Vietcombank chỉ đứng thứ 3 thị trường, sau MB và Techcombank.

Tại MSB, tổng tiền gửi không kỳ hạn giảm tới 8.000 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tương đương giảm 22% xuống còn gần 28.500 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ CASA giảm từ 31,1% hồi đầu năm xuống còn 22,6%.

Với ACB – ngân hàng có tỷ lệ CASA cao thứ 5 hệ thống cũng ghi nhận tỷ lệ này giảm từ 22,3% hồi đầu năm xuống còn 20,16% vào cuối tháng 3. Cơ cấu tiền gửi tại VietinBank cũng tiếp tục chứng kiến sự dịch chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn. Tỷ lệ CASA của VietinBank điều chỉnh từ 20% xuống 18%.

Nhà băng sụt giảm CASA mạnh nhất trong 1 năm trở lại đây phải kể đến Techcombank. Quý 1/2023 cũng là quý thứ 4 liên tiếp nhà băng này ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm. Số dư tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank cuối tháng 3 là 124 nghìn tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA giảm từ 37% xuống 32%. So với kỷ lục từng đạt được hơn 50% đầu năm 2022, tỷ lệ CASA của Techcombank đã giảm tới 18 điểm %.

Theo ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp Techcombank, khi kinh tế khó khăn, cơ hội đầu tư ít đi thì khách hàng có xu hướng chuyển tiền vào tiền gửi có kỳ hạn để có lãi suất cao.

Quốc Thụy

Nhịp sống thị trường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật