A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không dễ duy trì xuất siêu năm 2023

Xuất siêu hàng hóa trong quý I là tín hiệu khả quan để kỳ vọng năm 2023 sẽ là năm thứ 8 Việt Nam liên tiếp xuất siêu. Tuy nhiên, trong bối cảnh vẫn phải phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu thì mục tiêu tăng trưởng 6% kim ngạch và duy trì xuất siêu là việc không dễ.

Cụ thể, xuất khẩu quý I/2023 đạt trên 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2022. Sự sụt giảm của xuất khẩu quý I/2023 diễn ra ở cả hai khu vực kinh tế trong nước (giảm 15,2%) và khu vực FDI (giảm 10,6%). Điều này cũng thể hiện sự “lép vế” của khu vực kinh tế trong nước.

Đáng lưu ý, sự sụt giảm của xuất khẩu diễn ra ở nhiều mặt hàng chủ lực. Trong 45 mặt hàng chủ lực, có tới 33 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ. Trong đó có 4 mặt hàng giảm rất lớn (trên 1 tỷ USD) gồm: Điện thoại và linh kiện; dệt may; điện tử, máy tính, linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ. Một số mặt hàng giảm về lượng xuất khẩu như xi măng, xơ sợi dệt, chè, cao su, cà phê…

Một số mặt hàng bị giảm về giá xuất khẩu như hạt điều, cà phê, hạt tiêu, sắn và sản phẩm sắn, dầu thô… Sự sụt giảm về xuất khẩu diễn ra ở 42/80 thị trường chủ yếu, trong đó giảm lớn (trên 100 triệu USD) có 13 thị trường, gồm: Mỹ, Trung Quốc, Hồng Công, Bỉ, Campuchia, Canada, Đức, Mexico...
Trong khi đó nhập khẩu quý I/2023 đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhập khẩu giảm tuy là xu hướng tích cực nhưng nếu giảm sâu lại tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước, cũng như xuất khẩu ở chu kỳ sau. Nhập khẩu giảm diễn ra ở cả 2 khu vực trong nước (giảm 14,1%) và khu vực FDI (giảm 16%). Nhập khẩu giảm ở hơn 40 thị trường, trong đó có 2 thị trường nhập khẩu giảm tới trên 1 tỷ USD là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Thứ hai là xuất siêu do khu vực FDI so với cùng kỳ năm trước đã tăng cả về quy mô tuyệt đối, cả về tỷ lệ xuất siêu. Còn nhập siêu hoàn toàn do khu vực kinh tế trong nước. Thứ ba, những thị trường Việt Nam xuất siêu lớn đều bị giảm so với cùng kỳ năm trước, như: Mỹ (1.774 triệu USD so với 22.823 triệu USD), Đức (1.091 triệu USD so với 1.268 triệu USD), Anh (1.230 triệu USD so với 1.247 triệu USD), Hồng Kông (1.327 triệu USD so với 2.130 triệu USD)…

 Ngân hàng Nhà nước cần có gói tín dụng theo chuỗi giá trị sản phẩm, ưu tiên cho lĩnh vực xuất khẩu. Đồng thời nghiên cứu có chính sách khoanh, giãn nợ cho DN để không chỉ cứu đơn hàng mà còn giữ vững thị trường. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng, với thời hạn vay, mức vay, lãi suất hợp lý nhằm trợ lực DN duy trì và nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Phân tích về bức tranh xuất nhập khẩu, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh nhìn nhận: trong quý I/2023, xuất khẩu của các ngành hàng đều trong xu hướng giảm. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, kinh tế Mỹ và EU dự báo tăng trưởng dưới 1% và khả năng suy thoái.

Các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển phục hồi khó khăn hơn, tăng trưởng giảm. Lạm phát vẫn còn ở mức cao tại nhiều quốc gia khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ - lãi suất dự báo tiếp tục tăng trong nửa đầu năm. Tại thị trường trong nước, do tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu dẫn tới sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, cán cân thương mại dự báo tiếp tục được cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều thách thức chung của các thị trường đối tác. Trong khi đó, nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát có xu hướng tăng ảnh hưởng đến hồi phục và phát triển kinh tế. Trước tình trạng này, đòi hỏi các bộ, ngành và cộng đồng DN Việt Nam cần có giải pháp ứng phó kịp thời.

Vực dậy xuất khẩu, lấy lại đà tăng trưởng

Năm 2023, xuất khẩu tiếp tục được xác định là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng 6%, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 393 - 394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hóa so với năm 2022. Mặc dù, mục tiêu này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của năm 2022 (10,5%), song đây cũng là thách thức lớn, bởi Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh các nền kinh tế khác có tiêu dùng hoặc đầu tư ít hơn, lượng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 có thể bị tác động. Như vậy, để đạt được mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi nỗ lực, cố gắng rất lớn, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là các địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cao cấp Học viện Tài chính khuyến nghị, Bộ Công Thương cùng với các Thương vụ Đại sứ quán các nước, các hiệp hội, ngành hàng, DN phải nắm lại thị trường truyền thống, xem họ cần gì và DN phải thay đổi gì để đáp ứng được yêu cầu thị trường. Song song với giữ thị trường truyền thống, phải tích cực mở rộng các thị trường mới, nhất là tại các thị trường mà Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, tận dụng các lợi thế của FTA.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cần tiếp tục tận dụng tốt các FTA đã được ký kết, nỗ lực xúc tiến thương mại. Cùng với đó, theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, đặc biệt chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam. Từ đó, kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng DN có các phản ứng kịp thời. Ngoài ra, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường, ngành hàng truyền thống.

Tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” mới đây, Bộ Công Thương đã xác định rõ những khó khăn, thách thức, rào cản và đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn làm tốt công tác thông tin thị trường, thông qua việc tổ chức các cuộc giao ban định kỳ giữa các Thương vụ với hiệp hội ngành hàng, DN sản xuất và xuất khẩu lớn trong nước.

Đặc biệt khai mở các thị trường mới giàu tiềm năng như: Bắc Âu, Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi và Mỹ La tinh; khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết để ký FTA với Isarel; đẩy nhanh tiến độ đàm phán với UAE để mở cửa vào thị trường Trung Đông.

Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT tiếp tục đàm phán với các nước để mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông, lâm thủy sản mà Việt Nam có lợi thế mà các nước có nhu cầu. Đặc biệt với thị trường Trung Quốc để mở cửa thêm các mặt hàng rau, củ, quả của Việt Nam (bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, ớt, chanh và dưa lưới). Đồng thời, hai Bộ chỉ đạo cụ thể, sát sao với các địa phương có vùng trồng, vùng nuôi để đẩy mạnh sang sản xuất, xuất khẩu chính ngạch, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm… đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, xuất khẩu.

Đặc biệt, chú trọng phối hợp, hỗ trợ hướng dẫn các địa phương có vùng trồng, vùng nuôi và các DN vừa và nhỏ thực hiện tốt Đề án xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng củng cố thương hiệu, thúc đẩy phát triển bền vững.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan