Sếp Ngân hàng VIB: Tiền cũng biết chọn người để đến, phải hoàn thiện bản thân mỗi ngày để "giàu bền vững"
"Tiền cũng chọn người, chọn môi trường để đến. Tiền sẽ không đến với một người lúc nào cũng kêu ca, người ốm đau thường xuyên, cũng không đến với người ích kỷ và không biết chia sẻ", Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB Trần Thị Thu Hương nêu quan điểm.
Khái niệm tự do tài chính đang ngày càng phổ biến và trở thành mơ ước của nhiều người. Đây được hiểu là trạng thái đủ tiền để trang trải cho bản thân và gia đình theo ý muốn, các quyết định không còn bị tiền chi phối, chẳng hạn như có thể nghỉ hưu sớm và sống nhờ thu nhập thụ động.
Trong chương trình MoneyTalk số 49 của VTV Money với chủ đề “Tự do tài chính, rồi sao nữa”, bà Trần Thị Thu Hương – Giám đốc chiến lược, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB nêu ra 3 khía cạnh của tự do tài chính.
- Thứ nhất là trạng thái tự do này sẽ kéo dài trong bao lâu? 3 năm, 5 năm hay 10 năm.
- Thứ hai là trong trường hợp xấu nhất, biến cố xảy đến, liệu sự tự do còn hay không?
- Thứ ba là sự tự do đó bao gồm mình và những ai? Tài chính có đủ để hỗ trợ gia đình hay không, hoặc có thể chăm sóc cộng đồng lớn hơn hay không?
Trước ý kiến cho rằng hãy bớt cần tiền, tiết giảm nhu cầu cá nhân, sống tối giản để đạt tự do tài chính, bà Hương cho biết một cuộc sống hạnh phúc nên được cân bằng ngay từ đầu. Ví dụ như ngay cả khi đang tập trung theo đuổi tiền bạc, cuộc sống vẫn cần phải được cân bằng.
"Bởi vì tiền cũng chọn người, chọn thời điểm, chọn môi trường để đến. Tiền sẽ không đến với một người lúc nào cũng kêu ca, người ốm đau thường xuyên, cũng không đến với người ích kỷ và không biết chia sẻ", bà Hương nêu quan điểm.
"Sự chỉn chu, cân bằng trong cuộc sống hàng ngày là một thứ năng lượng thu hút những điều tốt đẹp, trong đó có tiền bạc. Không có người giàu nào quá quặt quẹo ốm yếu. Họ không yếu đuối về tinh thần hay thể chất, tức là không mất cân bằng", bà nói thêm.
Tại sao phải tiếp tục làm việc sau khi đạt tự do tài chính?
Sau khi đã đạt được trạng thái tự do tài chính, nhiều người chọn cách nghỉ hưu sớm, hưởng thụ và làm những điều bản thân hằng mong muốn. Tuy nhiên, bà Hương cho biết bản thân đã cố gắng làm tất cả trước khi đạt được cột mốc này.
"Đến khi đạt được, tôi nghĩ rằng mọi thứ vẫn như bình thường. Mình vẫn sống cân bằng. Vì tôi quan niệm tiền tìm người để đến nên cũng phải hoàn thiện bản thân mỗi ngày, để những đồng tiền bền vững tìm đến mình tiếp", bà nói.
Đồng tình với quan điểm của bà Hương, ông Hans Nguyễn - Quản lý cao cấp Đào tạo kênh phân phối Dragon Capital Việt Nam cũng cho biết sau khi đạt tự do tài chính, ông vẫn tiếp tục làm việc và sống bình thường, tiếp tục tìm kiếm những cột mốc khác.
Ông Hans chỉ ra điểm quan trọng là phải duy trì được trạng thái tự do tài chính sau khi đạt được.
"Ai cũng muốn sống lâu đến khoảng 70-80 tuổi, lại muốn nghỉ hưu sớm. Cứ cho là 50 tuổi nghỉ hưu. Từ 50 đến 80 tuổi có tới 30 năm. Suốt khoảng thời gian đó phải làm sao để đảm bảo mình vẫn còn tự do tài chính. Đó là lý do tại sao phải tiếp tục làm việc", ông phân tích.
Bà Hương cũng cho biết tự do tài chính không có nghĩa là không còn cần phải quan tâm đến tiền. "Những người đã có khối tài sản đáng kể vẫn quan tâm lãi suất tiền gửi ở ngân hàng là bao nhiêu, hoặc có cơ hội đầu tư nào không. Nếu ngày trước dành 75% nỗ lực để kiếm tiền, thì bây giờ vẫn phải dành 15-20%. Đồng tiền bền vững luôn là một quá trình", bà nói.
Khi đã đạt được cột mốc tự do tài chính của bản thân, nhiều người thường quên không nghĩ tới tình huống rủi ro và việc lo cho những người xung quanh. Để xử lý được điều này, bí quyết bà Hương đưa ra là luôn luôn thúc đẩy bản thân phát triển thêm.
"Thay vì nghĩ là “phải làm việc”, chỉ cần nghĩ là “được làm việc”, bạn sẽ thấy tự do tài chính duy trì trong thời gian rất lâu. Làm việc ở đây không có nghĩa là tiếp tục làm ở công ty cũ, nhưng lúc nào cũng phải ở trong trạng thái đẩy mình lên phía trước. Cái đó gọi là “được làm việc”. Nó sẽ giúp tự do tài chính của bạn vừa lâu dài, bền vững, vừa lan tỏa được đến những người xung quanh", bà Hương cho hay.