Tổng Giám đốc Eximbank: Đang làm việc với nhiều đối tác ngoại tiềm năng
Sáng nay (ngày 29/4), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã: EIB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 nhằm thảo luận nhiều vấn đề quan trọng bao gồm kế hoạch kinh doanh năm 2025, phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, việc dừng chủ trương xây dựng trụ sở chính tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh...
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Eximbank. Ảnh: Trần Thúy
Kế hoạch lợi nhuận tăng hơn 23%
Báo cáo tại đại hội, ông Nguyễn Hoàng Hải, quyền Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, kết thúc năm 2024, Eximbank tăng trưởng tốt, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng tài sản hoàn thành 107% kế hoạch năm; huy động vốn hoàn thành 102% kế hoạch năm; dư nợ tín dụng hoàn thành 104% kế hoạch năm, tăng trưởng tín dụng tại Eximbank đến cuối năm 2024 tăng 19,7% so với đầu năm (tương đương 27.706 tỷ đồng), đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Các hoạt động dịch vụ như thanh toán quốc tế, bảo hiểm, thẻ, kiều hối đều có sự tăng trưởng so với năm 2023; quy mô CASA bình quân tăng trưởng 24,8% so với năm 2023.
Năm qua, Eximbank đã đạt lợi nhuận trước thuế 4.188 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2023, đây là mức đạt cao nhất trong 35 năm qua.
Sang năm 2025, Eximbank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên 265.500 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 10,7% so với năm trước. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế, dân cư và phát hành giấy tờ có giá được kỳ vọng đạt 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5%. Dư nợ tín dụng cũng dự kiến đạt 195.500 tỷ đồng, tăng trưởng 16,2%. Ngân hàng sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,99%.
Với các chỉ tiêu này, Eximbank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 5.188 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2024.
Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của Eximbank.
Ông Nguyễn Cảnh Anh, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết, năm 2025, ngân hàng sẽ tập trung vào 3 mục tiêu trọng tâm: tăng trưởng, hiệu quả và an toàn.
“Dựa trên thế mạnh sẵn có, chúng tôi sẽ phát triển tín dụng một cách chọn lọc, ưu tiên các khách hàng tiềm năng và đảm bảo yếu tố an toàn. Song song đó, Eximbank sẽ đẩy mạnh huy động nguồn vốn giá rẻ, gia tăng tỷ lệ CASA thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới trở thành ngân hàng chính trong lựa chọn của khách hàng”, ông Nguyễn Cảnh Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Eximbank sẽ tập trung chiến lược tăng thu nhập ngoài lãi từ các hoạt động như tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế,…
Song song, thực hiện tinh gọn hệ thống, nâng cao năng suất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, AI, tối ưu chi phí hoạt động, từ đó, cải thiện các chỉ số quan trọng như ROE, ROA, CIR,…
Đề cập đến những thách thức, Chủ tịch Eximbank nhận định, chiến tranh thương mại đang gây áp lực lên lãi suất đầu vào, tỷ giá biến động và lạm phát leo thang, từ đó có thể ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế trong nước.
Riêng đối với Eximbank, với thế mạnh trong hoạt động xuất nhập khẩu, ngân hàng dự báo sẽ chịu tác động tới tốc độ tăng trưởng tín dụng, chất lượng tài sản và đối mặt với áp lực gia tăng nợ xấu, nhất là khi Thông tư tái cơ cấu nợ xấu đã hết hiệu lực.
Trước bối cảnh đó, Ban lãnh đạo Eximbank đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát chất lượng tài sản. Ngân hàng sẽ tập trung tăng trưởng tín dụng một cách chọn lọc, giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, đồng thời cơ cấu lại nguồn vốn, đẩy mạnh số dư CASA nhằm tiết giảm chi phí vốn. Song song, Eximbank cũng nâng cao năng lực quản trị rủi ro, củng cố bộ đệm tài chính và đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống.
“2025 được dự báo sẽ là một năm đầy bất ổn và thách thức. Tuy nhiên, trong nguy cơ luôn tồn tại cơ hội. Những ngân hàng có khả năng kiểm soát rủi ro tốt, quản trị hiệu quả và thích ứng linh hoạt sẽ nắm bắt được thời cơ. Eximbank sẽ kiên định theo đúng mục tiêu đã đề ra”, ông Nguyễn Cảnh Anh khẳng định.
“Không chia cổ tức không phải là tín hiệu tiêu cực”
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, sau khi trích lập các quỹ theo quy định, Eximbank còn lại 2.431 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Lũy kế đến cuối năm 2024, con số này là 2.525 tỷ đồng. Nhằm củng cố năng lực tài chính phục vụ cho tăng trưởng dài hạn, Hội đồng Quản trị (HĐQT) đề xuất không chia cổ tức.
Giải thích về quyết định này, ông Nguyễn Cảnh Anh, Chủ tịch HĐQT, cho biết Eximbank đang chuẩn bị các bước nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Basel III cũng như quy định của Ngân hàng Nhà nước.
“Nhận định năm 2025 sẽ tiềm ẩn nhiều bất ổn trên cả bình diện quốc tế lẫn trong nước, Hội đồng Quản trị đã cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định không chia cổ tức. Đây không phải là tín hiệu tiêu cực mà là sự chủ động, nhằm xây dựng nền tảng tài chính vững chắc, giúp ngân hàng sẵn sàng ứng phó với những biến động khó lường của thị trường, đồng thời tích lũy nguồn lực cho tương lai. Chúng tôi tin rằng chiến lược này sẽ giúp Eximbank phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững, qua đó gia tăng giá trị cho cổ đông thông qua giá trị cổ phiếu”, ông Nguyễn Cảnh Anh nhấn mạnh.
Chuyển trụ sở chính ra Hà Nội, dừng dự án tại TP. Hồ Chí Minh
Một nội dung đáng chú ý khác là đề xuất chấm dứt chủ trương xây dựng trụ sở chính tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, vào ngày 28/11/2024, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua việc thay đổi địa điểm trụ sở chính sang số 27 – 29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hiện Eximbank đang hoàn tất thủ tục xin chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước.
HĐQT cũng trình phương án sửa đổi, bổ sung Điều lệ ngân hàng cho phù hợp với thay đổi địa chỉ trụ sở.
Ông Trần Tấn Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết, việc di dời trụ sở đã được tính toán, cân nhắc phù hợp với mục tiêu ngân hàng, đảm bảo lợi ích lớn nhất. Nếu như phương án được thông qua, chắc chắc HĐQT sẽ có phương án khai thác tài sản tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm một cách hiệu quả, đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Đối với cán bộ nhân viên hội sở hiện tại, lãnh đạo Eximbank khẳng định, con người luôn là tài sản quý giá nhất. Khi di dời trụ sở, ngân hàng sẽ có phân công bố trí nhân sự cho phù hợp đảm bảo hoạt động kinh doanh ngân hàng.
“Với thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, tùy từng vị trí, nhân viên có thể làm việc tại TP. Hồ Chí Minh mà vẫn đảm bảo công việc. Ngân hàng cũng sẽ có các cuộc đối thoại, lắng nghe tâm tư của cán bộ nhân viên, đảm bảo hài hòa lợi ích”, ông Lộc cho biết.
Giới hạn room ngoại ở mức 6%, đang làm việc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài
Nhằm ổn định cơ cấu cổ đông, phù hợp với định hướng phát triển dài hạn của Eximbank, đồng thời, để giữ và duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vào Eximbank, HĐQT Eximbank trình cổ đông thông qua quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại Eximbank không vượt quá 6% vốn điều lệ của Eximbank từng thời kỳ.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Eximbank cho biết, ngân hàng đang bước vào quá trình phát triển mới, đang có rất nhiều đối tác nước ngoài quan tâm, để ý tiềm năng của Eximbank.
“Chúng tôi đã có tiếp cận sơ bộ với nhiều tổ chức nước ngoài lớn, mong chờ đồng hành với vai trò đối tác chiến lược, cổ đông lớn và cổ đông gần lớn của Eximbank. Tổng lượng cổ phần mong muốn nắm giữ của các nhà đầu tư này khoảng 24%, do đó, chúng tôi “khóa” phần room này để dành cho sự phát triển lâu dài của ngân hàng”, Tổng Giám đốc Eximbank cho biết.
Eximbank sẽ có thay đổi lớn
Về những biến động cơ cấu quản trị điều hành của ngân hàng trong thời gian qua, Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cho biết, việc cơ cấu quản trị điều hành phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh của ngân hàng, bối cảnh thị trường, cũng như ý chí và mong muốn của tất cả cổ đông.
“Chúng tôi mong muốn bước sang nhiệm kỳ VIII với những bước đi vững chắc, đồng thời xuất hiện những đơn vị đồng hành, những cổ đông lớn có tiềm lực, Eximbank sẽ hướng đến một ngân hàng vững mạnh, phát triển bền vững vì mục tiêu lâu dài. Khi đó, chúng ta sẽ có một cơ cấu quản trị điều hành vững bền”, ông Hải nói.
Lãnh đạo Eximbank nhận định, khi đã vận hành ổn định, ngân hàng có thể phát triển một cách dài hạn, tránh những thay đổi thường xuyên do thị trường hoặc các yếu tố nội bộ gây khó khăn.
“Những khó khăn nếu do chúng ta tự gây ra, chúng ta sẽ cố gắng hạn chế đến mức tối đa. Tôi nghĩ chắc chắn sẽ có một thay đổi rất lớn đối với Eximbank. Trong nhiệm kỳ sắp tới, bộ mặt, hình ảnh của Eximbank sẽ thay đổi và vị thế của Eximbank trên thị trường cũng sẽ thay đổi. Điều này sẽ thể hiện qua mức độ vốn hóa trên thị trường và giá cổ phiếu”, ông Hải nói.
Bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2025 - 2030
Cũng tại đại hội, HĐQT Eximbank trình cổ đông thông qua việc bầu thành viên HĐQT, Ban kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ VIII (2025 - 2030) theo danh sách được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, với số lượng thành viên HĐQT là 5 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập và số lượng thành viên Ban kiểm soát là 5 thành viên.
Danh sách ứng viên HĐQT hợp lệ của Eximbank nhiệm kỳ này gồm 5 thành viên. Trong đó có ông Nguyễn Cảnh Anh, hiện là Chủ tịch HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ 2020-2025 và bà Đỗ Hà Phương - Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025. Ba ứng viên mới được đề cử trong danh sách này là ông Phạm Tuấn Anh, ông Hoàng Thế Hưng và bà Phạm Thị Huyền Trang.
Ông Phạm Tuấn Anh sinh năm 1976, là cử nhân Kinh tế chuyên ngành Kế toán và đã có 26 năm làm việc tại hệ thống GELEX.
Ông từng là Kế toán trưởng Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (nay là CTCP Tập đoàn GELEX), từng đảm nhiệm thành viên HĐQT và giữ chức Chủ tịch HĐQT tại nhiều công ty thành viên trong hệ thống GELEX.
Hiện nay, ông Phạm Tuấn Anh là Phó Tổng Giám đốc CTCP Điện lực GELEX (GELEX Electric), Tổng Giám đốc CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM). Được biết, ông đã có quyết định miễn nhiệm tất cả các vị trí trong hệ thống GELEX từ ngày 29/4/2025, tại thời điểm bầu HĐQT nhiệm kỳ mới nhằm đảm bảo đúng yêu cầu không cùng đảm nhận các chức vụ theo quy định của luật Các tổ chức tín dụng 2024.
GELEX hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu 174,6 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Hai ứng viên HĐQT độc lập còn lại là ông Hoàng Thế Hưng (sinh năm 1981) và bà Phạm Thị Huyền Trang (sinh năm 1982).
Bà Phạm Thị Huyền Trang sinh năm 1982, có trình độ Thạc sĩ Tài chính ngân hàng, Cao cấp lý luận chính trị. Bà từng có 12 năm công tác tại VietinBank và giữ nhiều chức vụ quan trọng tại ngân hàng này như Phó Giám đốc Chi nhánh TP. Hà Nội, Trưởng phòng Phê duyệt tín dụng, Phó Giám đốc khối Phê duyệt tín dụng…; bà Trang cũng từng công tác tại Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Đèo Cả…
Ông Hoàng Thế Hưng là Kỹ sư Công nghệ thông tin với hơn 20 kinh nghiệm trong lĩnh vực Công nghệ thông tin & Giải pháp số. Ông Hưng từng là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính CP Điện lực. Hiện, ông Hưng là thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Nhất Việt.
Bên cạnh danh sách ứng viên HĐQT hợp lệ, Eximbank cũng công bố danh sách ứng viên Ban Kiểm soát được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận với 5 thành viên gồm: bà Doãn Hồ Lan, ông Lâm Nguyễn Thiện Nhơn, ông Nguyễn Trí Trung, bà Trần Thị Minh Lý và ông Hoàng Tâm Châu.