A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vietcombank chi 10.700 tỷ cho nhân viên năm 2022, Chủ tịch và Tổng Giám đốc nhận thù lao bao nhiêu?

Tính bình quân, mỗi nhân sự trên hệ thống Vietcombank có thu nhập là gần 432 triệu đồng trong năm 2022, tương đương gần 36 triệu đồng/người/tháng. Riêng tại ngân hàng mẹ là 40,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Vietcombank chi 10.700 tỷ cho nhân viên năm 2022, Chủ tịch và Tổng Giám đốc nhận thù lao bao nhiêu? - Ảnh 1.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 vừa được công bố, Vietcombank đã chi gần 10.705 tỷ đồng cho nhân viên trong năm 2022, tăng 11,9% so với năm 2021. Trong đó, chi lương và phụ cấp tăng 12,5% lên hơn 9.564 tỷ đồng.

Vào cuối năm 2022, Vietcombank có 22.619 nhân sự làm việc trên toàn hệ thống, tăng 949 người so với cuối năm trước. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ có 21.884 nhân sự, tăng 902 người.

Tính bình quân, mỗi nhân sự trên hệ thống Vietcombank có thu nhập là gần 432 triệu đồng trong năm 2022, tương đương gần 36 triệu đồng/người/tháng. Riêng tại ngân hàng mẹ, bình quân mỗi nhân sự có thu nhập 486,5 triệu đồng, tương đương 40,5 triệu đồng/người/tháng.

Vietcombank chi 10.700 tỷ cho nhân viên năm 2022, Chủ tịch và Tổng Giám đốc nhận thù lao bao nhiêu? - Ảnh 2.

Chi phí cho nhân viên chiếm gần một nửa chi phí hoạt động Vietcombank năm 2022. (Nguồn: BCTC quý IV)

Báo cáo tài chính quý IV cũng cho biết, năm 2022, Vietcombank đã trích hơn 37,4 tỷ đồng để trả thù lao, lương, thưởng cho ban lãnh đạo ngân hàng. Trong đó, Chủ tịch Phạm Quang Dũng và Thành viên HĐQT Đỗ Việt Hùng cùng nhận mức thù lao 1,67 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 1,62 tỷ đồng của năm 2021. Các thành viên khác trong HĐQT Vietcombank có mức thù lao dao động từ 2 – 2,14 tỷ đồng, đều tăng so với năm 2021.

Bên Ban Điều hành, Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng (vừa được bổ nhiệm ngày 30/1) có mức lương thưởng trong năm 2022 là 2,091 tỷ đồng. Các thành viên khác có mức lương thưởng dao động trong khoảng 2 – 2,2 tỷ đồng. Trong khi Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Cường mới được bổ nhiệm từ cuối tháng 4/2022 có mức lương thưởng là 1,19 tỷ.

Trong năm 2022, ba thành viên trong Ban Kiểm soát Vietcombank có tổng mức thù lao là 5,159 tỷ đồng, tăng gần 1,3 tỷ so với năm trước.

Vietcombank chi 10.700 tỷ cho nhân viên năm 2022, Chủ tịch và Tổng Giám đốc nhận thù lao bao nhiêu? - Ảnh 3.

Mức thù lao của các lãnh đạo Vietcombank trong năm 2022. (Nguồn: BCTC quý IV)

Vietcombank từ lâu là một trong những ngân hàng có chế độ lương, thưởng cho nhân viên hấp dẫn nhất hệ thống. Mức lương, thưởng trả cho người lao động của ngân hàng này thường tăng đều qua các năm. Trong khi đó, mức thù lao áp dụng cho HĐQT và Ban Kiểm soát thường phụ thuộc vào kết quả kinh doanh và cần được cổ đông thông qua.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, Vietcombank đã phê duyệt mức thù lao đối với HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2022 là tối đa 0,27% lợi nhuận hợp nhất sau thuế trong trường hợp hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2022 theo kế hoạch được cơ quan quản lý giao.

Liên quan đến vấn đề lương thưởng, đại diện Vietcombank mới đây đã kiến nghị NHNN và các bộ ngành liên quan cho phép có cơ chế lương riêng, không thuộc quỹ lương chung của ngân hàng, dành cho các vị trí công việc đặc thù, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Trước mắt có thể cho phép triển khai thí điểm với các điều kiện ràng buộc về hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động.

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận hợp nhất trước thuế cả năm 2022 của Vietcombank đạt gần 37.359 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra hồi đầu năm.

Với con số này, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận toàn hệ thống trong năm thứ 5 liên tiếp, bỏ xa hai nhà băng đứng kế sau là Techcombank (25.600 tỷ) và BIDV (23.058 tỷ đồng).

Động lực chính thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng trong năm 2022 đến từ thu nhập lãi thuần tăng gần 11.000 tỷ và giảm chi phí dự phòng rủi ro hơn 2.000 tỷ đồng.

Trong năm 2022, tổng tài sản tăng 28,2% vượt 1,814 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 19,8% đạt hơn 1,12 triệu tỷ.

Tiền gửi khách hàng tăng 9,5% lên trên 1,243 triệu tỷ. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn chiếm 32,3% với gần 402.104 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2022, nợ xấu nội bảng của Vietcombank ở mức 7.808 tỷ, tăng 27,6% so với hồi đầu năm. Qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,65% lên 0,7%. Nợ xấu tăng trong khi dự phòng rủi ro giảm 961 tỷ đồng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ mức kỷ lục 421% xuống còn 317% tại thời điểm 31/12/2022.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật