Vốn hóa các ngân hàng tăng thêm 78.000 tỷ đồng trong tháng 11, Vietcombank và BIDV dẫn đầu
Vốn hóa của Vietcombank và BIDV cùng tăng thêm hơn 30 nghìn tỷ đồng trong tháng qua. Ngược lại, Eximbank và Kienlongbank là 2 ngân hàng có mức giảm vốn hóa mạnh nhất.
Theo số liệu thống kê của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán, tính đến cuối tháng 11/2022, tổng vốn hóa các ngân hàng là 1,481 triệu tỷ đồng, tăng 78 nghìn tỷ đồng so với cuối tháng 10.
Thứ hạng vốn hóa của các ngân hàng không có nhiều thay đổi, ngoại trừ Eximbank tụt từ vị trí thứ 9 tháng trước xuống vị trí thứ 15 tháng này.
Trong nửa đầu tháng 11, cổ phiếu của Eximbank lao dốc, từ giá 37.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 18.050 đồng/cổ phiếu tại ngày 21/11. Vốn hóa Eximbank giảm khoảng 18.400 tỷ đồng trong tháng qua, tương ứng mức giảm hơn 40%.
Một ngân hàng khác có vốn hóa giảm mạnh tháng qua là KienLongBank, mức giảm hơn 30%. Vốn hóa KienLongBank từ 8.000 tỷ đồng giảm xuống còn 5.600 tỷ đồng, đứng dưới ABBank và Nam A Bank.
Ở chiều ngược lại, Vietcombank và BIDV là 2 ngân hàng có giá trị vốn hóa tăng mạnh nhất, lần lượt là 35.500 tỷ đồng và 33.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ tăng, Sacombank và NCB mới là hai ngân hàng tăng mạnh nhất, với mức tăng đều trên 20%.
Cổ phiếu các ngân hàng tăng giá trong bối cảnh thời gian gần đây thêm nhiều ngân hàng được nới room tín dụng để tăng tốc giải ngân hỗ trợ nền kinh tế. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 23/11, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5% so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống năm 2022 khoảng 14%.
Dư địa tín dụng còn lại theo chỉ tiêu của toàn hệ thống là 14% thực tế vẫn đang được các thành phần trong nền kinh tế mong đợi tiếp tục sớm được thúc đẩy giải ngân ra thị trường; đồng thời trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tích cực, lạm phát được kiềm chế, tỷ giá hạ nhiệt, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cấp thêm chỉ tiêu cho các ngân hàng đạt các đánh giá chỉ tiêu về năng lực tài chính và có đóng góp cho hệ thống ngân hàng, qua đó tăng thêm nguồn vốn cho thị trường.
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. NHNN sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình của hệ thống và các tổ chức tín dụng để có giải pháp điều hành phù hợp theo đúng chủ trương của Chính phủ.