Startup Hàn Quốc đưa nhân sâm tới trồng trên đất Việt, phục vụ người Việt
Nhận thấy khí hậu Việt Nam không thể trồng nhân sâm hay dâu tây với chất lượng tốt nhất, Max Lee và các cộng sự tại startup Avalve quyết định mang tới công nghệ AI để nông dân Việt nào cũng có thể trồng được các nông sản đặc biệt.
Avalve là một trong 14 startup được lựa chọn tham gia chương trình Tăng tốc Khởi nghiệp Toàn cầu (GMEP) 2022. Đây là chương trình do quỹ đầu tư VSV Capital kết hợp tổ chức cùng chính phủ Hàn Quốc, nhằm hỗ trợ các startup Hàn Quốc khám phá thị trường Việt Nam.
Trang trại thông minh không phải ý tưởng quá mới mẻ. Tuy nhiên, đội ngũ của Avalve nhận thấy vấn đề nằm ở chỗ các trang trại này thường bị thiếu sản lượng, đồng thời cần các chuyên gia nông nghiệp để duy trì và vận hành trang trại.
“Giải pháp AI của chúng tôi sẽ giúp tự động hóa môi trường sống, đồng thời cung cấp hướng dẫn nuôi dưỡng cây trồng cho những khâu cần tới con người. Bằng cách này, chúng tôi có thể tăng năng suất và giảm chi phí nhân sự, bởi không cần tới chuyên gia”, Jace Kim – nhà nghiên cứu tại Avalve giải thích.
Nói cách khác, giải pháp phần mềm của Avalve chia làm hai phần:
- Thứ nhất, AI tự động kiểm soát các yếu tố môi trường của các trang trại, chẳng hạn như nhiệt độ, nước và ánh sáng.
- Thứ hai, đối với những việc mà AI không làm được, nó sẽ cảnh báo người dùng. Tất cả những gì phải làm là thực hiện theo các cảnh báo trên bảng điều khiển, để có thể trồng mọi loại cây như một chuyên gia.
Được thành lập từ đầu năm 2019, trong 3 năm đầu tiên, Avalve tập trung thu thập dữ liệu thực vật và đào tạo những dữ liệu này thành các mô hình AI. Công ty cho biết họ hiện có nhiều dữ liệu về thực vật và môi trường nhất Hàn Quốc, bao gồm các loại cây có giá trị kinh tế cao.Trang trại trồng nhân sâm rộng 3.300 m2 ở Vĩnh Phúc
Avalve hiện kiếm lợi nhuận bằng cách cài đặt các trang trại thông minh và thu phí phần mềm, với hình thức kinh doanh chính là B2B (buôn bán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), đồng thời đang mở rộng kinh doanh ra nước ngoài.
“Chúng tôi còn quyết định tới Việt Nam bởi chưa có chuyên gia về giống dâu tây và nhân sâm Hàn Quốc. Chúng tôi muốn sử dụng hệ thống tự động hóa của mình để ngay cả những người nông dân bình thường cũng có thể trồng các giống nông sản đặc biệt”, Max Lee cho hay.
Jace Kim bổ sung thêm rằng chi phí lao động tại Việt Nam thấp hơn Hàn Quốc. Do đó, Avalve có thể mở rộng trang trại lên quy mô thực sự lớn. Anh cho biết công ty hiện hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và đang xây dựng một trang trại trồng nhân sâm rộng 3.300 m2 tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo Max Lee, giải pháp AI cho trang trại thông minh mà Avalve đưa ra đã giúp họ được lựa chọn trở thành một phần của Khu Nông-lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Xuyên. Được biết, khu công nghệ cao này do Công ty TNHH Nông-Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Xuyên làm chủ đầu tư, được quy hoạch xây dựng tại thị trấn Gia Khánh, với diện tích hơn 10 ha.
“Chúng tôi vốn đã xây dựng phòng thí nghiệm tại Hà Nội và sẽ có trang trại thông minh trồng nhân sâm ở Vĩnh Phúc. Tòa nhà đang trong quá trình xây dựng và sắp sẵn sàng. Sau khi xây xong, chúng tôi sẽ lắp đặt trang trại thông minh, kiểm soát mọi yếu tố về môi trường như nhiệt độ, nước và ánh sáng”, CEO của Avalve chia sẻ.
Mặc dù mới đang triển khai dự án trồng nhân sâm ở Việt Nam, Max Lee cho biết Avalve ấp ủ kế hoạch mở rộng sang cả trồng dâu tây, hoặc bất kỳ nông sản nào khác được đông đảo người Việt yêu thích.
“Với công nghệ AI, chúng tôi muốn trồng dâu tây thật ngon tại Việt Nam và phân phối trong nước, từ đó giảm giá thành dâu tây và nhân sâm Hàn Quốc trên thị trường Việt Nam”, Max Lee bày tỏ hy vọng.
“Sản phẩm sẽ chỉ dành để phục vụ người Việt Nam, do chính tay người Việt Nam trồng ra”, anh nhấn mạnh.
Trong bài trình bày về Avalve tại sự kiện “Demo Day” thuộc chương trình GMEP 2022, Jace Kim cho biết công ty mong muốn thời gian tại Việt Nam là cơ hội để chứng minh với thế giới rằng công nghệ của họ sẽ mở ra một mô hình mới trong nông nghiệp.