Cháy rừng, nắng nóng kỷ lục tại châu Âu, giá khí đốt tăng hơn 4%
Giá khí đốt tại châu Âu ngày 19/7 là 164 euro/mwh (167 USD/mwh), tăng gần 4% so với ngày trước đó.
Diễn biến giá khí đốt tại châu Âu. Nguồn: Trading Economics
Theo Trading Economics, giá khí đốt tại châu Âu ngày 19/7 là 164 euro/mwh (167 USD/mwh), tăng gần 4% so với ngày trước đó.
Giá khí đốt tại Anh là 210 xu Anh/therm (2,5 USD/therm), tăng 8,4% so với ngày trước đó.
Nắng nóng lịch sử tại châu Âu đẩy giá khí đốt tăng. Nhiều vùng của Pháp và Tây Ban Nha phải chống chọi với cháy rừng lan rộng, khi nhiệt độ dự kiến tăng trên 40 độ C trong những ngày tới.
Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện để chạy điều hòa cũng tăng theo. Enagas, nhà điều hành hệ thống truyền dẫn khí đốt của Tây Ban Nha, cho biết nhu cầu khí đốt tự nhiên để sản xuất điện ở nước này là 800 gigawatt giờ, lập kỷ lục mới.
Đợt nắng nóng này diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang nỗ lực để lấp đầy các kho dự trữ trước mùa đông. Bên cạnh đó, Nord Stream 1, đường ống huyết mạch vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu, đang trong thời gian bảo trì 11-21/7. Trong suốt quãng thời gian bảo trì, đường ống bị đóng hoàn toàn. Hiện chưa rõ liệu Nga có khôi phục 100% lưu lượng khí đốt qua đường ống sau diễn biến mới hay không.
Trong bối cảnh khí đốt đang là chủ đề nóng ở châu Âu, ngày 18/7, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo châu Âu cần cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ ngay lập tức trước khi mùa đông đến.
Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol nhận định châu Âu cần giảm mạnh tiêu thụ khí đốt tự nhiên trong những tháng tới để chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệp. Theo lãnh đạo IEA, dù Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một số bước tiến trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng nhưng nguồn cung từ Moscow vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, và không loại trừ khả năng bị cắt đứt hoàn toàn. Ông Birol cho rằng trong 3 tháng tới, EU cần tiết kiệm thêm 12 tỷ m3 khí đốt.
Giá khí đốt tại Mỹ cũng tăng gần 0,5% so với ngày 18/7 và giao dịch ở 7,5 USD/MMBtu, cao nhất trong 5 tuần.
Giá than tương lai tại Australia, mặt hàng khác trong nhóm năng lượng, lại có diễn biến trái chiều với khí đốt, giảm 3,4% so với ngày trước đó và giao dịch ở 396 USD/tấn. Tuy giảm nhưng giá than đang ở mức cao và chỉ thấp hơn kỷ lục đầu tháng 3 khoảng 10%.
Theo Đỗ Lan
NDH