Dầu cần được giữ ở mức giá dưới 100 USD/thùng
Theo giới phân tích chiến lược, dầu thô giữ quanh ngưỡng 75 - 90 USD/thùng sẽ là mức giá mà các nhà sản xuất dầu đạt lợi nhuận chấp nhận được.
Giá dầu tăng khi Nga nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã bật tăng trở lại sau thông tin Nga nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu. Cả dầu Brent và WTI hợp đồng tương lai đều tăng khoảng 1%, giao dịch lần lượt gần 94 USD và hơn 90 USD/thùng. Chỉ vài ngày sau quyết định cấm vô thời hạn xuất khẩu với tất cả các loại xăng và dầu diesel chất lượng cao, Nga đã dỡ bỏ hạn chế đối với nhiên liệu được sử dụng cho một số loại tàu và dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao.
Thực tế cho thấy, giá "vàng đen" đã nới rộng đà tăng kéo dài suốt 3 tuần qua và đang hướng tới quý tăng mạnh nhất kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi năm 2022. Giá dầu vượt 90 USD/thùng và lên mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua, làm dấy lên lo ngại về lạm phát gia tăng và có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán giá dầu còn có thể tăng tới 100 USD/thùng trong quý IV tới.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã bật tăng trở lại sau thông tin Nga nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định: "Với cán cân cung cầu hiện tại, giá dầu Brent có thể sẽ tiếp tục hướng về vùng 100 USD/thùng và có thể đạt được ngay trong giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10. Tuy nhiên, khi bước vào quý IV, thị trường đang kỳ vọng sẽ có sự bổ sung về nguồn cung, chủ yếu tới từ các nước ngoài OPEC, đặc biệt là Mỹ.
Ngoài ra, việc nhu cầu dầu bị hạ dự báo cho thấy bối cảnh kinh tế vĩ mô ảm đạm vẫn sẽ là yếu tố chống lại đà tăng của giá dầu. Nên tôi cho rằng giá dầu sẽ khó tăng nóng và thậm chí có thể hạ nhiệt vào cuối năm, nếu triển vọng tiêu thụ vẫn ở mức thấp. Dự báo giá dầu sẽ chủ yếu dao động trong khoảng 90 - 100 USD/thùng trong ngắn hạn và ở trong khoảng 80 - 105 USD/thùng trong quý IV năm nay".
Giá dầu tăng không phải lúc nào cũng là tin vui với các hãng dầu mỏ
Số liệu mới nhất cũng cho thấy, nhà đầu tư cổ phiếu dầu đang hưởng "trái ngọt" từ xu hướng tăng giá dầu. Trong 3 tháng qua, cổ phiếu dầu lửa là nhóm có sự tăng trưởng vượt trội trên thị trường chứng khoán Mỹ. Nhóm năng lượng thuộc chỉ số S&P 500 đã tăng 15%, trong khoảng thời gian đó, cao gấp đôi mức tăng của nhóm cổ phiếu ngành có mức tăng mạnh thứ 2.
Tuy nhiên, tờ Thời báo Phố Wall cho rằng, giá dầu tăng không phải lúc nào cũng là tin vui với các hãng dầu mỏ. Thị trường đang ghi nhân hiện tượng giá cổ phiếu các hãng dầu không còn tỷ lệ thuận với giá vàng đen.
Từ ngày 8/9 đến 22/9, dầu Brent đã tăng 2,6%. Song chỉ số theo dõi cổ phiếu các hãng dầu khí tại Mỹ lại giảm 5,3%. Đây có thể là sự điều chỉnh tự nhiên sau đợt tăng dài kể từ năm 2021. Nó cũng là lý do khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng suy nghĩ lại về giá dầu. Rõ ràng, giá năng lương tăng cao không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu mà chưa chắc mang lại lợi nhuận tốt cho các nhà sản xuất.
Giá dầu cần được giữ ở mức giá dưới 100 USD/thùng. Ảnh minh họa.
Dầu thô là mặt hàng có thể được coi là biến động nhất trong thời gian vừa qua. Thậm chí, thứ được ví như "vàng đen" này có thể còn biến động mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Theo CNBC, giá dầu đã tăng gần 1% sau khi xuống mức giá thấp nhất trong 2 tuần. Các nhà đầu tư đang cân nhắc giữa chuyện nguồn cung bị thắt chặt hơn, trong khi triển vọng kinh tế của nhiều nước không chắc chắn. Nguồn cung dầu thắt lại khi Nga và Saudi Arabia gia hạn tiếp việc cắt giảm sản lượng tới cuối năm nay.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương lớn như FED, ECB cam kết tiếp tục thắt chặt tiền tệ, chống lạm phát. Lãi suất cao sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế, từ đó nhu cầu về dầu sẽ giảm.
Trang tài chính của Yahoo trích dự báo của JPMorgan rằng nếu nguồn cung tiếp tục giảm, giá dầu Brent có thể tăng lên mức 120 USD/thùng. Việc giá dầu cứ tăng như vậy, GDP toàn cầu có thể bị tác động. Theo ngân hàng này, những diễn biến vừa qua của giá dầu đã có thể lấy đi 0,5 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP toàn cầu trong quý II.
Chính vì thế, việc cân nhắc để giá dầu tăng lên ngưỡng nào cũng rất quan trọng. Bởi không phải cứ giá dầu cao, thì các nước sản xuất hay các công ty khai thác dầu được lợi về lâu dài.
Trong phát biểu mới đây với Bloomberg, CEO của hãng khai thác dầu đá phiến Continental Resources Inc cho rằng, dầu thô có thể lên tới 150 USD/thùng nếu Chính phủ Mỹ không khuyến khích khai thác thêm. Sau khi chạm mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 7, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đang sụt giảm và dự kiến sẽ giảm tiếp trong tháng 10. Nhưng nếu để yên thì các công ty dầu đá phiến không có ý định tăng thêm sản lượng trở lại để kìm mức giá 100 USD.
Nhật báo Phố Wall có bài 100 USD/thùng là quá cao, thậm chí với các công ty năng lượng. Về lý thuyết, giá dầu tăng cao là lý tưởng cho các công ty khai thác dầu, nhưng ngưỡng 100 lại khác.
Các nhà sản xuất dầu thận trọng khi cho rằng, chính giá quá cao có thể tác động tới nhu cầu. Ví dụ, giá dầu trên 100 USD/thùng có thể khiến người lái xe khó chịu, giảm đi xe. Hè năm ngoái là minh chứng, khi dầu Brent đạt mức trung bình khoảng 110 USD, nhu cầu với xăng ở Mỹ đã giảm 4,1%, khiến dầu sau đó lại rơi về ngưỡng 70 USD.
Theo giới phân tích chiến lược, dầu thô giữ quanh ngưỡng 75 - 90 USD/thùng sẽ là mức giá mà các nhà sản xuất dầu đạt lợi nhuận chấp nhận được, trong khi người tiêu dùng vẫn chưa nghĩ tới chuyện giảm nhu cầu tiêu thụ. Đó cũng là lý do các hợp đồng giao tháng 10 năm sau chỉ đang giao dịch quanh ngưỡng 84 USD/thùng.
Theo VTV Digital
VTV