Nông dân Mê Linh "trúng đậm" do rau củ được giá
Trong điều kiện vừa sản xuất vừa chống dịch, nông dân huyện Mê Linh (Hà Nội) vẫn đảm bảo sản lượng nông sản, tối đa giá trị kinh tế.
Được mùa được giá
Từ đầu năm 2022 tới nay, với phương châm "thích ứng an toàn", huyện Mê Linh đã chủ động tích cực đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại các sản phẩm chủ lực theo hướng liên kết hàng hóa. Nhờ đó, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện vẫn đạt kết quả tốt. 3 tháng đầu năm 2022, toàn huyện Mê Linh gieo cấy trên 4.600ha lúa vụ Xuân; 64,2ha ngô; 32,8ha đậu tương, 860ha cây ăn quả các loại; 1.092 ha rau màu, trung bình mỗi tháng, vựa rau của huyện cung ứng cho thị trường từ 9.000 - 12.000 tấn rau, củ, quả các loại.
Nông dân huyện Mê Linh phấn khởi do giá rau cao, lợi nhuận tăng mạnh |
Trong chăn nuôi, tổng đàn lợn 36.310 con với sản lượng thịt lợn hơi cung ứng thị trường là 750 tấn/tháng; Đàn trâu bò có 6.635 con, sản lượng thịt đạt 20 tấn/tháng; Đàn gia cầm 1,7 triệu con sản lượng thịt đạt 720 tấn/tháng, trứng đạt 6,8 triệu quả/tháng; Thủy sản đạt 126 tấn/tháng; Đáp ứng đủ nhu cầu về lương thực, thực phẩm, rau xanh cho người dân trên địa bàn huyện và người dân Thủ đô.
Chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt không giấu nổi sự vui mừng, phấn khởi khi giá các loại rau, củ thời điểm này đang được giá. Chị Hiền cho biết, gia đình có 4 sào canh tác rau củ, chủ yếu là rau cải Đông Dư. Một sào trồng cải Đông Dư bán được chừng 7 triệu đồng là có lãi. Nay giá thu mua cao gấp đôi thời điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên bà con rất phấn khởi.
Giọng đầy phấn khởi, chị Hiền cho hay: "Dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng người dân lao đông chúng tôi đều được tiêm 3 mũi vắc xin COVID-19, nên tôi rất yên tâm. Cùng với sự tuyên truyền, hướng dẫn của huyện, của xã, HTX về phòng, chống dịch đảm bảo sản xuất, người dân chúng tôi bây giờ đã chủ động tốt công tác phòng chống dịch khi tham gia sản xuất.
Hiện nay, gia đình tôi có gần 2 sào cải đến kỳ thu hoạch và được thương lái đến tận ruộng thu mua nên gia đình cũng đang tập trung từ 4-5 nhân lực để thu hoạch và xuống giống các loại rau mùa hè như dưa chuột, lặc lè, mướp…".
Sử dụng hệ thống tưới tự động để tiết kiệm sức người, nâng cao hiệu quả |
Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao cho biết: "Từ đầu năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tổng sản lượng rau củ của HTX Đông Cao có giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên, vẫn đạt 4.000 tấn/tháng. Đặc biệt, giá các loại rau củ 3 tháng đầu năn nay tương đối ổn định và được giá, Giá các loại rau củ dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg.
Đơn cử như hiện thương lái thu mua củ cải 10.000 đồng/kg, cải ngồng có giá từ 7-10.000 đồng/kg, do đó người nông dân cũng rất phấn khởi tập trung thu hoạch các lứa rau đúng thời điểm để chuẩn bị đất gieo trồng cho những lứa rau, củ tiếp theo đúng thời vụ".
Với 351 thành viên sản xuất trên diện tích hơn 200ha, chuyên trồng các loại rau, củ, quả, rau ăn lá như củ cải, cải ngồng, rau Đông Dư, dưa chuột… mỗi tháng HTX Đông Cao cung ứng được khoảng 4.500 tấn rau, củ, quả các loại cho các chợ đầu mối, bếp ăn, cửa hàng tiện ích của Thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh thành lân cận như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp.
Mở rộng sản xuất, không quên nhiệm vụ chống dịch
Thời điểm hiện tại, theo chỉ đạo chung của Chính phủ, các quy định về phòng chống dịch trong sản xuất tại huyện Mê Linh đã được nới lỏng, đi vào giai đoạn "bình thường mới". Tuy nhiên, đa phần người nông dân huyện Mê Linh vẫn duy trì các biện pháp phòng chống dịch trong quá trình sản xuất.
Ông Phạm Thành Đô, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết: "Căn cứ diễn biến thời tiết, tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện sản xuất của người nông dân, Phòng Kinh tế huyện cùng chính quyền địa phương chủ động xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, điều chỉnh cơ cấu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản phù hợp với thực tiễn, không để sản xuất bị ảnh hưởng, gián đoạn; Tăng cường theo dõi, nắm bắt tiến độ, tình hình sản xuất để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các giải pháp khắc phục, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn".
ông Phạm Thành Đô, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh |
Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh chuyển giao công nghệ giống cây trồng, vật nuôi; Công nghệ bảo quản, chế biến nông sản; Khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; Hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản, thủy sản ứng dụng quy trình truy xuất nguồn gốc tại cơ sở sản xuất ban đầu và chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ứng dụng hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Đồng thời, huyện tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp, nông dân đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi; Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; Phối hợp với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tăng cường công tác liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đảm bảo đầu ra ổn định, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.