Thị trường chứng khoán Việt Nam: Chuyển mình vì tầm vóc quốc gia hiện đại
Theo ThS. Nguyễn Đăng Khoa, Phó khoa Phụ trách khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), sau 25 năm thành lập Thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức để trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, góp phần tái cơ cấu hệ thống tài chính theo hướng bền vững và minh bạch, thúc đẩy sự hội nhập của nền kinh tế.
Phóng viên: Gần 25 năm kể từ phiên giao dịch đầu tiên ngày 28/7/2000, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn then chốt, phản ánh sức mạnh và khát vọng vươn mình của nền kinh tế. Qua góc nhìn của chuyên gia phân tích tài chính ông có nhận định gì về thành tựu và hội nhập của thị trường chứng khoán Việt Nam?
ThS. Nguyễn Đăng Khoa: Nếu nhìn lại chặng đường gần 25 năm phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể nói đây là một hành trình rất đáng ghi nhận. Từ một thị trường sơ khai với chỉ vài mã cổ phiếu, đến nay, chúng ta đã có một hệ thống giao dịch hiện đại, với hơn 1.800 mã chứng khoán niêm yết và đăng ký giao dịch, vốn hóa thị trường vượt trên 5 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 50% GDP). Đó là một bước tiến vượt bậc, thể hiện vai trò ngày càng rõ nét của thị trường chứng khoán trong việc dẫn vốn cho nền kinh tế.
Một trong những thành tựu lớn nhất, theo tôi, chính là việc thị trường đã góp phần nâng cao tính minh bạch, chuẩn hóa quản trị doanh nghiệp và từng bước hình thành được một cộng đồng nhà đầu tư năng động. Sự xuất hiện của các tập đoàn tư nhân lớn, niêm yết công khai và minh bạch, đã góp phần tái định hình bức tranh kinh tế quốc gia theo hướng thị trường và hiện đại hơn.
Để hội nhập quốc tế, có thể thấy Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng kể để rút ngắn khoảng cách với các thị trường khu vực. Các cải cách pháp lý, nâng cấp công nghệ, và chính sách mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài đã giúp thị trường ngày càng tiệm cận các chuẩn mực quốc tế. Mặc dù, Việt Nam vẫn đang được xếp ở nhóm “thị trường cận biên”, nhưng việc được nâng hạng lên “thị trường mới nổi” trong tương lai gần là hoàn toàn khả thi. Khi điều đó xảy ra, chúng ta có thể kỳ vọng một dòng vốn ngoại quy mô lớn sẽ “chảy” vào, tạo động lực mạnh mẽ cho cả thị trường chứng khoán và nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, để phát triển bền vững hơn, thị trường cần tiếp tục củng cố niềm tin các nhà đầu tư. Điều này đòi hỏi sự minh bạch thông tin, xử lý nghiêm vi phạm, đồng thời phát triển đa dạng các sản phẩm tài chính – như phái sinh, quỹ hưu trí, trái phiếu doanh nghiệp chuẩn mực – để giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Nói tóm lại, thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang phản ánh một cách sinh động khát vọng vươn lên của nền kinh tế nước ta. Và nếu tiếp tục giữ vững đà cải cách, tôi tin rằng thị trường không chỉ hội nhập sâu hơn mà còn có thể trở thành một “trụ cột” thực sự của hệ thống tài chính quốc gia.
ThS. Nguyễn Đăng Khoa, Phó khoa Phụ trách khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)
Phóng viên: Với động lực từ tăng trưởng của nền kinh tế, kết quả đàm phán thương mại cũng như kỳ vọng nâng hạng thị trường... sẽ là những yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đà tăng trong nửa cuối năm 2025, theo ông, đâu là những lĩnh vực nên đầu tư trong nửa cuối năm 2025?
ThS. Nguyễn Đăng Khoa: Tôi cho rằng nửa cuối năm 2025, là giai đoạn mà nhà đầu tư nên tập trung vào 3 nhóm ngành có triển vọng rõ nét.
Thứ nhất, ngân hàng và tài chính, đặc biệt là các ngân hàng như Techcombank, MB, Vietcombank và ACB – những đơn vị có chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ CASA cao và đã trích lập đầy đủ nợ xấu.
Thứ hai, ngành tiêu dùng và bán lẻ khi sức cầu nội địa phục hồi, lạm phát được kiểm soát và thu nhập người dân cải thiện.
Thứ ba, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện nâng hạng thị trường, như: VIC, VHM, VNM, HPG, một số ngân hàng như nhóm vừa đề cập (VCB, TCB, MB) và các công ty chứng khoán như SSI, VND, VCI, HCM. Đây là các cổ phiếu có vốn hóa lớn, thanh khoản cao và “room ngoại” còn dư địa.
Ngoài ra, nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc nhóm bất động sản khu công nghiệp, trong bối cảnh dòng vốn FDI vẫn tích cực.
Phóng viên: Dưới góc độ là chuyên gia phân tích tài chính, trong giai đoạn phát triển mới, theo ông thị trường chứng khoán Việt Nam cần làm gì để phản ánh tầm vóc của một nền kinh tế năng động và hội nhập thời gian tới?
ThS. Nguyễn Đăng Khoa: Tôi cho rằng, cần tập trung vào 3 trụ cột cải cách lớn:
Thứ nhất, nâng cao tính minh bạch và chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp và công bố thông tin để xây dựng lại niềm tin thị trường chứ không chỉ đơn thuần là vì mục tiêu nâng hạng. Những vụ việc làm giá, thao túng thị trường trong quá khứ đã cho thấy bài học rõ ràng về hậu quả của sự thiếu minh bạch.
Thứ hai, phát triển các sản phẩm tài chính đa dạng như trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, công cụ phái sinh, ETF, quỹ hưu trí để thu hút dòng vốn dài hạn và giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng – đặc biệt trong bối cảnh hướng tới tăng trưởng bền vững.
Thứ ba, cải cách hạ tầng thị trường, bao gồm hệ thống giao dịch T+0, giao dịch lô lẻ linh hoạt, và đặc biệt là cơ chế mở “room ngoại” hợp lý theo chuẩn quốc tế cũng như áp dụng cơ chế KYC cho nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường chứng khoán phải là một trong những lĩnh vực tiên phong trong đổi mới sáng tạo và là nơi triển khai một cách có hiệu quả các nghị quyết trong “bộ tứ trụ cột” (Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 59-NQ/TW, Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW) của Bộ Chính trị, nhất là các Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW. Để xứng đáng là “phản chiếu” của một nền kinh tế năng động, thị trường chứng khoán Việt Nam cần không chỉ lớn về quy mô, mà còn phải trưởng thành về chất lượng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!