Tìm lối để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường Nga
Liên bang Nga hiện đang là thị trường rộng mở cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng Việt. Tuy nhiên, để khai thác triệt để thị trường này đòi hỏi doanh nghiệp đẩy mạnh tìm hiểu thị trường, xây dựng hệ thống cung ứng.
Bạn hàng quy mô lớn
Liên bang Nga với dân số hơn 140 triệu người có nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới nên sức mua của người dân lên đến 28.000 USD. Mặc dù sức mua lớn, song công nghiệp nhẹ của Nga chưa được chú trọng phát triển nên phần lớn hàng tiêu dùng tại phải nhập khẩu. Đáng chú ý, đa số các sản phẩm Việt đều có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Nga.
Nhằm khai thác thị trường này, năm 2016, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU-FTA) sau khi ký Hiệp định EAEU-FTA, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga tăng nhanh, đạt 5,5 tỷ USD năm 2021, tăng gần 90% so với năm 2016. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 3,2 tỷ USD, tăng 100% so với năm 2016.
Tuy nhiên, sau xung đột Nga-Ukraine (tháng 2/2022), tình hình địa chính trị-kinh tế không thuận lợi đã tác động tiêu cực tới thương mại song phương Việt- Nga. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh nhưng giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Nga trong năm 2023 đã có bước chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đạt 3,63 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,74 tỷ USD, tăng 12%. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nga đạt 1,17 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2024, hầu hết các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể mặt hàng dệt may đạt 398,5 triệu USD, tăng 86%, chiếm 34% tỷ trọng xuất khẩu, các mặt hàng nông sản như cà phê đạt 189,7 triệu USD, tăng 35,5%, hạt điều tăng 58,8%; hạt tiêu tăng 98,3%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 102%; gạo tăng 72,5%...“Hiện Việt Nam là nước cung cấp cà phê lớn nhất vào Liên bang Nga chiếm 31,2% thị phần cà phê nhập khẩu của nước này”-ông Cẩn chia sẻ.
Nhìn nhận cơ hội tiêu thụ hàng Việt mà thị trường Nga mang lại cho doanh nghiệp, Mới đây, trong khuôn khổ Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (Vietnam Expo 2024), Giám đốc Công ty Vietfood DV (đại lý chính thức cho thương hiệu café Trung Nguyên tại Nga) Đỗ Văn Phương thông tin, Trung Nguyên là thương hiệu cà phê có lượng tiêu thụ lớn nhất tại Nga, riêng năm 2023, công ty đã nhập khẩu khoảng 700 tấn cà phê Trung Nguyên đưa vào tiêu thụ ở thị trường này.
Tương tự Giám đốc Công ty Foodzone Phạm Vân Anh cho hay, 6 năm qua công ty đã mang các loại nước ngọt, nước chấm, bún, phở, bánh hỏi sản xuất tại Việt Nam, gắn nhãn Foodzi để tiêu thụ tại thị trường Nga. “ Đây cũng là thị trường giúp các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam tiến vào thị trường châu Âu trong thời gian tới”- bà Vân Anh nói.
Tìm cách mở rộng thị phần
Mặc dù hàng Việt đã tiến vào thị trường Liên bang Nga, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng để tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có ưu thế, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ thị trường. Đồng thời tận dụng ưu đãi của Hiệp định EAEU-FTA từ đó đầu tư sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại Nga.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến với doanh nghiệp và các tổ chức hợp tác thương mại Việt – Nga do Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam vừa tổ chức Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt Regina Budarina chia sẻ, cơ hội để hàng hóa vào thị trường Nga là rất rộng mở, nhất là các loại mặt hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống. Tuy nhiên, hiện nhiều sản phẩm Việt Nam chưa được người tiêu dùng tại Nga biết đến nhiều nguyên nhân là bởi chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô.
Đồng tình với ý kiến này, Tham tán thương mại tại Liên bang Nga Dương Hoàng Minh cho biết, mặc dù Thương vụ đã kết nối cho nhiều doanh nghiệp Việt để xuất khẩu hàng nông sản vào chuỗi siêu thị của Liên bang Nga, song số lượng hàng Việt có mặt tại hệ thống bán lẻ không nhiều nguyên nhân là do khâu cung cấp hàng với số lượng lớn ổn định và dài hạn chưa đáp ứng được đối tác. “Để khắc phục bất cập này các doanh nghiệp cần phải liên tục có hàng dự trữ tại kho (ở Nga) để cung cấp thường xuyên cho các cửa hàng chuỗi siêu thị”-ông Minh hiến kế.
Để hàng Việt khai thác thị trường Nga sâu rộng, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, đại diện Tập đoàn X5 (tập đoàn có mang lưới bán lẻ khá rộng ở Nga) Tatiana Aptel chia sẻ, Tập đoàn X5 hiện có trên 17.352 cửa hàng tiện ích trên toàn Nga. Hiện tại, Tập đoàn X5 rất quan tâm đến các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam như thực phẩm tươi, trái cây nhiệt đới, trái cây khô, hải sản…
Để đưa sản phẩm Việt vào hệ thống cửa hàng của doanh nghiệp tiêu thụ, doanh nghiệp Việt Nam cần đi theo con đường ngắn nhất đó là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường. Đồng thời nên nghiên cứu phương án vận chuyển hàng bằng đường sắt qua Trung Quốc để giảm chi phí vận chuyển.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt tìm hiểu thị trường Liên bang Nga và tìm kiếm đối tác kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khuyến cáo, doanh nghiệp nên đăng ký tham dự hội chợ triển lãm để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm khách hàng tại Nga.
“Tới đây, Bộ Công Thương sẽ chú trọng nghiên cứu có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại tham dự triển lãm chuyên ngành cụ thể. Chẳng hạn như may mặc, đồ gỗ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, cà phê, chè, công nghiệp cơ khí chế tạo tại Nga trong năm 2024. Qua đó, giúp doanh nghiệp tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Nga tăng trưởng bền vững" -ông Diên thông tin.