A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

‘Nghỉ chơi’ với Amazon, eBay để tự ‘bơi’: Chiến lược giúp hãng trang sức Mỹ kiếm 4,8 triệu USD/năm

“Tôi thà kiếm được ít doanh thu hơn nhưng lợi nhuận cao hơn và có nhiều tiền hơn để trả cho nhân viên thay vì trả phí hoa hồng cho các nền tảng đó”, nhà sáng lập công ty cho biết.

 

‘Nghỉ chơi’ với Amazon, eBay để tự ‘bơi’: Chiến lược giúp hãng trang sức Mỹ kiếm 4,8 triệu USD/năm - Ảnh 1.

Al Sandimirova (33 tuổi) là chủ sở hữu của Automic Gold – công ty có trụ sở tại thành phố New York, chuyên thiết kế và kinh doanh trang sức cho cộng đồng LGBTQ. Theo CNBC, sau 6 năm, công ty đạt mức doanh thu 4,8 triệu USD.

Hiện nay, nhiều người bán hàng nhỏ đang dựa trên các nền tảng như Amazon và eBay để bán sản phẩm. Về phần Automic Gold, sự phát triển của họ được hỗ trợ bởi một chiến lược độc đáo: Không “chơi” với những gã khổng lồ đó và chỉ bán trên trang web của mình.

‘Nghỉ chơi’ với Amazon, eBay để tự ‘bơi’: Chiến lược giúp hãng trang sức Mỹ kiếm 4,8 triệu USD/năm - Ảnh 2.

Al Sandimirova.

Sandimirova quyết định không phụ thuộc vào Amazon hay eBay từ năm 2020 sau khi nhận thấy phí hoa hồng của họ chiếm khoảng 30% doanh số bán hàng của công ty. Sandimirova cho rằng số tiền thà để thêm vào lương của nhân viên hơn là trả cho các nền tảng.

“Tôi thà kiếm được ít doanh thu hơn nhưng lợi nhuận cao hơn và có nhiều tiền hơn để trả cho nhân viên của mình, những người làm việc chăm chỉ mỗi ngày”, Sandimirova cho biết.

Thế nhưng quyết định này đã không làm giảm doanh thu của Automic Gold. Năm 2019, năm cuối cùng Automic Gold hoạt động với các nhà bán lẻ trực tuyến đó, họ thu về 3,4 triệu USD. Còn năm 2021, năm đầu tiên công ty bán độc quyền sản phẩm từ cửa hàng trực tuyến, họ thu về tới 4,8 triệu USD.

Sandimirova cho biết thành công của Automic Gold phần lớn đến từ việc am hiểu nhu cầu của khách hàng. Dưới đây là câu chuyện thành công của Automic Gold:

Khởi nghiệp từ công việc phụ

Sandimirova sinh ra và lớn lên ở Cộng hòa Tatarstan (thuộc Nga) rồi sau đó đến Mỹ bằng visa cho sinh viên năm 2009. Nhưng thay vì đến Maryland theo visa, Sandimirova quyết định ở lại New York bất hợp pháp, một phần vì thành phố có đông người Nga sinh sống.

Sandimirova tìm được việc làm tại một nhà máy luyện vàng thông qua một tờ báo với mức lương 4 USD/giờ. Sau một năm, Sandimirova nhận ra rằng mình không có cơ hội thăng tiến trong công ty.

Vì vậy, Sandimirova bắt đầu công việc làm thêm là mua những món đồ trang sức bằng vàng từ khách hàng của nhà máy luyện vàng, làm sạch và chỉnh sửa một chút rồi bán chúng trên eBay.

‘Nghỉ chơi’ với Amazon, eBay để tự ‘bơi’: Chiến lược giúp hãng trang sức Mỹ kiếm 4,8 triệu USD/năm - Ảnh 3.

Ảnh: Internet.

Phát triển doanh nghiệp

Công việc này không mang lại nhiều lợi nhuận cho Sandimirova, chỉ khoảng vài nghìn USD mỗi năm. Theo thời gian, Sandimirova dần cảm thấy không thoải mái khi bán những món đồ trang sức đó.

“Mặc dù có 30.000 sản phẩm trong kho nhưng tôi thấy tất cả đều quá nữ tính hoặc quá nam tính. Tôi không thấy thứ mà những người thuộc cộng đồng LGBTQ như mình muốn mua”, Sandimirova cho biết.

Sau khi trở thành cư dân hợp pháp năm 2011, Sandimirova quyết định học cách tự làm đồ trang sức, tham gia các lớp học tại Viện Đá quý Mỹ tại New York. Năm 2013, Sandimirova bắt đầu bán các thiết kế của riêng mình trên eBay, mang lại doanh thu 165.000 USD trong năm đó. Một năm sau, Sandimirova mở rộng việc kinh doanh sang Amazon và Etsy, tăng doanh thu hàng năm lên 1,2 triệu USD.

Năm 2016, Sandimirova chính thức ra mắt Automic Gold và thuê nhân viên đầu tiên. Thương hiệu đã thu về 2,2 triệu USD doanh thu trực tuyến hàng năm. Một năm sau đó, Sandimirova chính thức trở thành công dân Mỹ nhập tịch.

Doanh thu hàng năm của Automic Gold đã tăng lên 3,4 triệu USD vào năm 2019, nhưng giảm xuống còn 2,1 triệu USD vào năm 2020 – thời điểm Sandimirova quyết định rời bỏ các nền tảng bán hàng trực tuyến bên thứ ba và buộc phải đóng cửa gian hàng tại khu chợ dành cho nghệ sĩ ở Manhattan do đại dịch Covid-19.

Mặc dù vậy, tình trạng doanh thu sụt giảm không kéo dài. Với sự hiệu quả của phương thức quảng cáo trên mạng xã hội, công ty đã đạt thu nhập cao nhất vào năm 2021.

‘Nghỉ chơi’ với Amazon, eBay để tự ‘bơi’: Chiến lược giúp hãng trang sức Mỹ kiếm 4,8 triệu USD/năm - Ảnh 4.

Ảnh: Internet.

Sandimirova cho biết sự quan tâm ngày càng tăng một phần đến từ phong trào Black Lives Matter vào mùa hè năm 2020. Nhiều người tiêu dùng bắt đầu tìm kiếm các thương hiệu thân thiện hơn và Automic Gold đã gây dựng được hình ảnh là thương hiệu phục vụ cộng đồng LGBTQ, người da màu và người ngoại cỡ.

“Nó đã giúp công việc kinh doanh của tôi tăng vọt vì mọi người thấy Automic Gold thực sự đa dạng và công bằng”, Sandimirova nói.

Mua vàng để làm đồ trang sức là chi phí kinh doanh lớn nhất của Automic Gold. Bên cạnh đó, marketing cũng là mảng tốn khá nhiều chi phí. Theo một thống kê, công ty đã chi 580.000 USD cho quảng cáo vào năm ngoái. Sandimirova ước tính phần lớn trong số đó là quảng cáo trên hai nền tảng Facebook và Instagram.

Sandimirova cho biết thêm “thách thức kinh doanh lớn tiếp theo” của công ty sẽ là dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào việc quảng cáo trên hai nền tảng này.

Trong số 4,8 triệu USD doanh thu năm ngoái, 66.000 USD là lợi nhuận ròng. Sandimirova trả cho mình mức lương 128.450 USD và chia khoảng 762.000 USD cho 15 nhân viên toàn thời gian và 2 nhân viên bán thời gian. Các nhân viên cũng đã nhận được tiền thưởng vào cuối năm ngoái do công ty đã có lợi nhuận.

Sandimirova chia sẻ: “Tôi nhớ khi tôi bắt đầu kinh doanh, đây hoàn toàn là thị trường ngách. Còn thời điểm hiện tại, thị trường đã có nhiều đối thủ cạnh tranh hơn. Không ít trong số đó đã cung cấp sản phẩm đa dạng hơn để phục vụ nhiều đối tượng khách hàng hơn. Tôi rất vui vì điều đó”.

Nguồn: CNBC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan