5 “ông lớn” bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam: AIA, Prudential, Dai-ichi Life, Manulife, Bảo Việt – ai có lãi cao nhất?
Có 2 công ty bảo hiểm nhân thọ báo lãi đột biến trong năm vừa qua.
Theo thống kê của công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), giai đoạn 2015- 2022, thị phần doanh thu của Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ duy trì khá ổn định bao gồm Bảo Việt Nhân thọ, Dai-ichi, Prudential, Manulife, AIA và nhóm này giữ khoảng cách xa so với phần còn lại.
Báo cáo tài chính năm 2022 cho thấy, Prudential tiếp tục là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thị phần đứng thứ 2 thị trường Việt Nam, chỉ sau Bảo Việt Nhân thọ. Doanh thu phí bảo hiểm của công ty này đạt hơn 31.000 tỷ trong năm 2022, tăng 8,3% so với 2021.
Tiếp đến là Manulife với doanh thu phí bảo hiểm đạt 26.835 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước. Dai-ichi Life có tốc độ tăng trưởng cao nhất (17,2%), ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm đạt 21.825 tỷ đồng, đứng thứ 4 thị trường. AIA với doanh thu phí bảo hiểm đạt 18.490 tỷ, tăng 12,3% và là doanh nghiệp có thị phần lớn thứ 5 mảng bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.
Về lợi nhuận, Bảo Việt Nhân thọ cho biết lãi sau thuế năm 2022 đạt 975 tỷ đồng, tăng trưởng 11,4% so với năm 2021. Trong khi Prudential và Manulife báo lãi đột biến, thì Dai-ichi và AIA biến động nhẹ so với năm trước.
Cụ thể, Prudential Việt Nam có lãi cao nhất thị trường, với lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 4.504 tỷ, gấp 8,7 lần năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 3.637 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2022 của công ty bảo hiểm này lên tới 12.377 tỷ.
Manulife Việt Nam còn gây bất ngờ hơn khi năm 2022 có lãi trước thuế 3.251 tỷ đồng và sau thuế là 2.562 tỷ đồng. Trong khi năm 2021, công ty báo lỗ trước thuế tới 5.927 tỷ và sau thuế lỗ 4.742 tỷ đồng.
Với AIA, lợi nhuận trước thuế năm vừa qua đạt 1.380 tỷ đồng, tăng 280 tỷ so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.110 tỷ.
Dai-ichi Life Việt Nam có kết quả kinh doanh kém khả quan hơn, với lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 3.304 tỷ đồng, giảm 200 tỷ so với năm trước đó. Lãi sau thuế đạt 2.646 tỷ đồng.
Việc hợp tác với các ngân hàng để phân phối bảo hiểm (bancassurance) những năm gần đây là một trong những yếu tố thúc đẩy kết quả kinh doanh của các công ty bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng mạnh mẽ.
Được biết, hiện Prudential là đối tác phân phối độc quyền bảo hiểm thông qua những ngân hàng như MSB, SeABank, VIB. Trong khi đó, Dai-ichi Life có mối hợp tác với SHB, Sacombank. Manulife cũng có thỏa thuận với Techcombank, VietinBank. AIA là đối tác của VPBank, OCB.
Để có cú bắt tay với các ngân hàng lớn, nhiều hãng bảo hiểm đã phải chi trả hàng nghìn tỷ đồng phí trả trước khi bắt đầu ký kết hợp đồng. Đó cũng là lý do khiến lợi nhuận của nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ biến động mạnh những năm gần đây, có thể chuyển từ lỗ sang lãi chỉ sau một vài năm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, hợp tác với các công ty thương mại điện tử, fintech,…giúp doanh thu tăng mạnh thời gian qua.
Theo các chuyên gia, tiềm năng của thị trường bảo hiểm nhân thọ còn rất lớn trong dài hạn khi tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm ở Việt Nam con tương đối thấp so với các nước khác. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường này cần chất lượng và chuyên nghiệp hơn, bởi trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều phản ánh tiêu cực của người tiêu dùng về ngành này.
Mới đây, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đã đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm. Đồng thời, các công ty bảo hiểm nhân thọ yêu cầu đại lý cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm. Khi phát sinh các khiếu nại của khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động làm việc, giải quyết các khiếu nại của khách hàng.
Minh Vy
Nhịp sống thị trường