A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài 1: Cuộc thâu tóm chớp nhoáng nhiều “ông lớn” doanh nghiệp Nhà nước của GELEX

Từ một doanh nghiệp Nhà nước về tay tư nhân một cách chóng vánh và cách thâu tóm hàng loạt “ông lớn” Nhà nước của Tập đoàn GELEX khiến giới đầu tư đặt ra nhiều vấn đề về công ty này.

Từ một “ông lớn” Nhà nước về tay tư nhân

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, Công ty Cổ phần Tập đoàn GELEX (GELEX Group, mã CK: GEX) tiền thân là Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện, được thành lập từ năm 1995 theo Quyết định số 1120/QĐ-TCCBĐT ngày 27/10/1995 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công thương). Tại thời điểm thành lập, tổng công ty có 10 đơn vị thành viên hạch toán độc lập và 3 liên doanh nước ngoài trực thuộc các công ty thành viên.

Ngày 21/5/2006, Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo Quyết định số 127/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tổng công ty được hình thành trên cơ sở tổ chức lại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thiết bị đo điện và văn phòng Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện.

Đến năm 2010, thực hiện phương án cổ phần hóa đã được Chính phủ phê duyệt, ngày 27/9/2010, Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện đổi tên thành Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam và tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá đấu thành công bình quân là 10.502 đồng/cổ phần. Ngày 1/12/2010, Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam chính thức được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ là 1.400 tỷ đồng.

Tháng 8/2015, Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam tăng vốn điều lệ từ 1.400 tỷ đồng lên 1.550 tỷ đồng bằng phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt. Hai tháng sau, cổ phiếu của Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam chính thức đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán UPCoM. Và đây cũng bắt đầu cho hành trình từ một doanh nghiệp Nhà nước về tay tư nhân.

Bài 1: Cuộc thâu tóm chớp nhoáng nhiều “ông lớn” doanh nghiệp Nhà nước của GELEX

GELEX từ một "ông lớn" doanh nghiệp Nhà nước về tay tư nhân

Nói về việc doanh nghiệp Nhà nước về tay tư nhân một cách chớp nhoáng thể hiện qua phiên giao dịch khớp lệnh cổ phiếu lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm cuối năm 2015.

Cụ thể, ngày 21/12/2015, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam về việc đăng ký thoái vốn khỏi công ty này.

Theo đó, Bộ Công thương thông báo sẽ bán thỏa thuận hoặc khớp lệnh toàn bộ 122.044.800 cổ phần, tương đương 78,74% vốn điều lệ công ty trên sàn UPCoM, trong khoảng thời gian từ ngày 25/12/2015 đến ngày 22/1/2016.

Chỉ 4 ngày sau, tức ngày đầu tiên giao dịch trong thời gian công bố, ngày 25/12/2015, chỉ trong vòng 30 phút mở cửa phiên giao dịch ngày hôm đó, cổ phiếu GEX của Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam đã “gây bão” trên UPCoM khi khớp lệnh tới hơn 122 triệu đơn vị. Khối lượng khớp lệnh này không chỉ là kỷ lục với một cổ phiếu trên UPCoM mà còn là kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo dữ liệu giao dịch, phần lớn các lệnh khớp đều được thực hiện tại mức giá 17.700 - 17.800 đồng/đơn vị với khối lượng mỗi lô từ 990.000 cổ phiếu đến gần 2 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/12/2025, cổ phiếu GEX đã tăng vọt lên 19.500 đồng/đơn vị. Theo ước tính, Bộ Công thương có thể thu về khoảng 2.200 tỷ đồng sau thương vụ bán hơn 122 triệu cổ phần GEX bằng phương án khớp lệnh trên sàn.

Thời điểm đó, vụ thoái vốn Nhà nước này thực sự đã gây “gây bão” với giới đầu tư. Theo đó, các nhà đầu tư đặt vấn đề về tính minh bạch và hiệu quả của thương vụ này, có ý kiến cho rằng việc thông báo và thực hiện thoái vốn diễn ra quá nhanh có thể có mục đích nhắm đến một số nhà đầu tư đã được lựa chọn từ trước đã chuẩn bị sẵn hơn 2.000 tỷ đồng trong tài khoản chứng khoán để khớp lệnh, trong khi các nhà đầu tư khác nếu quan tâm cũng không thể đủ thời gian nghiên cứu, nguồn lực tài chính để mua.

Mặt khác, với một lô cổ phần lớn như vậy, đủ để nắm quyền chi phối doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi, tại sao chủ sở hữu vốn Nhà nước không bán đấu giá lô lớn, không công bố thông tin rộng rãi để các nhà đầu tư quan tâm có đủ thời gian đăng ký tham gia và người trả giá cao nhất sẽ mua được lô cổ phần, đem lại lợi ích tối đa cho Nhà nước.

Thực tế, nhìn vào các thương vụ đấu giá cổ phần lô lớn tại Khách sạn Kim Liên, VISSAN, có thể thấy, phương thức bán đấu giá đã thu về cho Nhà nước số tiền gấp nhiều lần giá khởi điểm và rất nhiều nhà đầu tư có thể tham gia.

Hơn nữa, việc công bố thông tin cũng đơn thuần chỉ là thông báo bán cổ phần của cổ đông lớn trong doanh nghiệp theo các quy định về chứng khoán, chứ không phải là công bố về đợt thoái vốn, không có các thông tin, không có đầu mối để nhà đầu tư quan tâm có thể tìm hiểu sâu hơn và liên hệ nếu có nhu cầu tham gia mua cổ phần.

Theo quy định tại Nghị định 71/2013, đối với việc chuyển nhượng vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, các công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán, thì thực hiện giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận thông qua hệ thống giao dịch của sở. Mặc dù là đúng quy định, nhưng việc cổ phiếu GEX chỉ mới giao dịch trên UPCoM trước đó 2 tháng cũng khiến giới đầu tư đặt vấn đề về tính minh bạch.

Cũng ở thời thiểm đó, giới đầu tư cũng đặt câu hỏi là đại gia nào đã bạo chi hơn 2.000 tỷ đồng và cũng chẳng phải mất nhiều công sức để "biến" một doanh nghiệp Nhà nước về tay tư nhân một cách chớp nhoáng và nhanh chóng như vậy.

Hành trình thâu tóm loạt doanh nghiệp Nhà nước

Và câu chuyện bắt đầu dần được sáng tỏ khi tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2016 diễn ra ngày 1/8/2016, ông Nguyễn Văn Tuấn (SN 1984, biệt danh là Tuấn "mượt") được bầu vào làm Thành viên Hội đồng quản trị của Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam. Sau khi vào Hội đồng quản trị, ông Tuấn nhanh chóng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty thay cho ông Nguyễn Trọng Tiếu kể từ ngày 6/9/2016.

Bài 1: Cuộc thâu tóm chớp nhoáng nhiều “ông lớn” doanh nghiệp Nhà nước của GELEX

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Giám đốc GELEX. (Ảnh: Internet)

Cũng trong thời gian ông Tuấn làm Tổng Giám đốc thì Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam xuất hiện cổ đông lớn mới là Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX (sở hữu 20,57% vốn) do bà Đào Thị Lơ, là mẹ ruột ông Tuấn làm Giám đốc.

Theo tài liệu của phóng viên, tính đến thời điểm cuối năm 2021, GELEX có vốn điều lệ hơn 8.514 tỷ đồng, tương ứng với hơn 851 triệu cổ phần. Trong đó, ông Nguyễn Văn Tuấn sở hữu hơn 192 triệu cổ phần (tỷ lệ 22,58%); Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX do bà Đào Thị Lơ sở hữu hơn 113 triệu cổ phần (tỷ lệ 13,3%) và cá nhân bà Đào Thị Lơ cũng sở hữu hơn 26 triệu cổ phần (tỷ lệ 3,072%).

Như vậy, tổng cộng hai mẹ con ông Tuấn hiện đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp 38,952% vốn, là cổ đông lớn chi phối của GELEX. Trong khi đó, ông Nguyễn Hoa Cương mặc dù là Chủ tịch Hội đồng quản trị nhưng chỉ sở hữu hơn 11 triệu cổ phần (tỷ lệ 1,31%).

Ngay sau khi GELEX đổi chủ, với tư cách là Tổng Giám đốc điều hành, ông Nguyễn Văn Tuấn đã đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc với việc thoái vốn tại các doanh nghiệp trực thuộc.

Trong đó, thoái vốn tại Công ty Cổ phần Chế tạo Bơm Hải Dương (mã CK: CTB) ước thu lãi 20 tỷ đồng, thoái vốn tại Công ty cổ phần Vật tư và Xây dựng Hà Nội (HMCC). Ngoài ra, GELEX cũng góp thêm vốn vào Công ty Cổ phần khí cụ điện 1 và thành lập thêm các công ty thành viên mới như Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng GELEX, Công ty Cổ phần Cadivi miền Bắc...

Một thương vụ mua bán (M&A) nổi đình nổi đám do nhóm GELEX tiếp tục hành trình “thâu tóm” hàng loạt các doanh nghiệp Nhà nước là việc mua cổ phần và chi phối Tổng công ty Viglacera (VGC), doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng. Được biết, Viglacera sở hữu một loạt khu công nghiệp lớn như: Tiên Sơn, Yên Phong (Bắc Ninh); Hải Yên, Đông Mai (Quảng Ninh); Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), Tiền Hải (Thái Bình), Phú Hà (Phú Thọ), Đồng Văn IV (Hà Nam)… với tổng diện tích lên tới hàng nghìn ha.

Ngoài ra, Viglacera còn có hàng loạt dự án khu đô thị như: Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm), Dự án số 671 Hoàng Hoa Thám, Dự án Khu nhà ở thấp tầng Đại Mỗ, Tây Mỗ, Nhà OCT2 Xuân Phương... Theo ước tính, nguyên giá bất động sản của Viglacera lên đến 5.000 tỷ đồng, trong đó, phần nhiều đã được khấu hao hết nhưng vẫn đang được khai thác, sử dụng.

Không chỉ có vậy, Viglacera còn là công ty hàng đầu về vật liệu xây dựng tại Việt Nam và là “con gà đẻ trứng vàng”, đóng góp chủ lực vào lợi nhuận của GELEX.

Ngày 6/4/2021, nhóm GELEX của ông Nguyễn Văn Tuấn công bố đã mua thêm 18,5 triệu cổ phiếu VGC của Viglacera, nâng tỷ lệ sở hữu của GELEX và người có liên quan tại Viglacera lên 225,1 triệu cổ phiếu, tương đương với 50,21% vốn điều lệ, chính thức biến Viglacera thành công ty con.

Bên cạnh đó, GELEX còn sở hữu, chi phối hàng loạt các doanh nghiệp gốc Nhà nước khác như Công ty Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi), Công ty Thiết bị điện Việt Nam (Thibidi), Công ty Cổ phần Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM, đơn vị sở hữu 35% vốn tại Khách sạn Melia Hà Nội), Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh (TBD)...

Theo báo cáo thường niên năm 2021 vừa công bố, đến cuối năm 2021, nhóm GELEX sở hữu trực tiếp và gián tiếp 50,21% vốn của Viglacera; Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) 62,46%; Công ty Cổ phần Điện cơ Hà Nội (HECO) 100%; Cadivi là 96,357%; HEM là 77,01%; Thibidi là 85,23%...

Như vậy, có thể thấy, sau khi về tay tư nhân, GELEX đã nhanh tay thâu tóm hàng loạt các doanh nghiệp Nhà nước tên tuổi, hoạt động trong những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như thiết bị điện, cấp nước, vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh... Đặc biệt, nhờ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, GELEX đã liên tục tăng vốn điều lệ với tốc độ thần tốc, hiện tại đã trở thành một tập đoàn đa ngành, tổng tài sản lên tới gần 61.200 tỷ đồng, đến cuối năm 2021.

(Còn nữa)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan