A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

9X là CEO IVY moda: Ăn mặc dị biệt nhưng 10 năm vẫn giữ chiếc áo phông từ thời sinh viên

Nguyễn Lê Vũ Linh là thế hệ thứ hai trong gia đình điều hành IVY moda. Nhưng phong cách của Linh khác hẳn với sản phẩm hãng đang bày bán, thậm chí là với các CEO cùng thời.

Cả ngoài đời lẫn trong ảnh công bố trên website chính thức của IVY moda , Nguyễn Lê Vũ Linh (sinh năm 1995) đều diện nguyên một cây đen, với layout có phần bụi bặm, hoàn toàn chẳng giống với trang phục mà phần lớn những người đang ngồi ghế CEO thường khoác lên mình. Đó là chưa kể đến cách phối đồ này nhìn qua còn ngược hẳn với sản phẩm mà công ty gia đình này đang kinh doanh: đồ công sở nữ, với màu sắc tươi sáng bắt mắt và thiết kế tối giản, tinh tế.

Linh tự nhận phong cách của bản thân là dị biệt. Ngoài trang phục lạ, chàng trai này còn đeo một cặp kính tròn, khuyên tai và đi giày sneaker - tất cả đều toàn màu đen. Đặc biệt hơn, chiếc áo Linh đang mặc còn là hàng đã có niên đại tính bằng thập kỷ - món đồ mà 9X này đã mua từ thời còn là du học sinh ở Fashion Institute of Technology (FIT), ngôi trường hàng đầu về thời trang tại Mỹ, bằng tiền kiếm được từ nghề làm nhân viên phục vụ.

CEO hãng thời trang nhưng lại thích mặc quần áo mua từ 10 năm trước

Người ta thường nói, thời trang là ngôn ngữ chân thực nhất của người mặc. Tôi khá tò mò vì sao một người trẻ, con nhà giàu và đang làm CEO của IVY moda lại có thể “chung thủy” với những bộ cánh mua từ 10 năm trước?

(Cười) tôi có nhiều món đồ mua từ 2012-2013 lúc du học ở Mỹ và đến giờ vẫn mặc chỉ vì thấy thích thôi. Đó có thể là chiếc sơ mi hay áo phông trơn không cầu kỳ nhưng có chất liệu tốt, kiểu dáng đẹp và dễ phù hợp với nhiều hoàn cảnh nên dù mặc 10 năm tôi cũng không cảm thấy chán hay lỗi mốt. Đối với tôi, thời trang đẹp không có nghĩa phải luôn cố tỏ ra thật bóng bẩy hoặc bắt trend mà miễn sao nó phù hợp với thời gian, địa điểm.

Phong cách này cũng là cái dẫn tôi đi sâu hơn vào lĩnh vực thời trang. Trước đây tôi không thực sự dành nhiều thời gian cho mảng này. Năm 15 tuổi sang Mỹ du học, tôi bắt đầu tự tìm hiểu và trong lúc mày mò, vô tình đọc được một tài liệu nói về những sản phẩm rất ít người mặc nhưng có thể trường tồn với thời gian, tiếng Anh gọi là “avant garde”. Cụm từ này khi vượt ra ngoài thời trang, nó còn nói về gu thẩm mỹ, âm nhạc, hay có thể gọi là một lối sống.

9X là CEO IVY moda: Ăn mặc dị biệt nhưng 10 năm vẫn giữ chiếc áo phông từ thời sinh viên - Ảnh 1.
 

Những nhà thiết kế nổi trội của trường phái này có thể kể đến Rick Owens, Boris Bidjan Saberi, Carol Christian Poell, Rei Kawakubo, Yohji Yamamoto,… Phong cách của họ hơi khù khoằm, khá thô và hoàn toàn khác với cái được gọi là xu hướng. Người mặc chủ yếu là khách hàng giàu có sống ở New York hoặc châu Âu.

Ban đầu tôi rất tò mò, vì sao có nhiều người thành đạt lại thích mấy thứ như này? Khi trải nghiệm, tôi lại thấy cực đam mê vì hiểu ra: những bộ quần áo không chỉ làm đẹp mà còn định hình cho mình phong cách sống và giúp thể hiện bản chất con người. Cũng vì thế nên hồi ở Mỹ, tôi từng phải đi làm thêm chỉ để đổi lấy quần áo.

Với điều kiện gia đình khá giả như anh, để mua được những bộ quần áo mình thích đâu có gì khó khăn nhỉ…

Những món đồ tôi thích giá chỉ từ 300 đến 400 USD. Nhưng hồi sinh viên ở Mỹ, mỗi tháng tôi luôn được bố mẹ giới hạn chi tiêu trong khoảng 2.500 USD (tức 60 triệu đồng). Tiền đó tôi dùng để thuê nhà, ăn uống… còn đam mê thời trang sẽ phải tự xoay theo kiểu đi làm những công việc nhỏ ở cửa hàng mình thích.

Vì đang là sinh viên, tôi không được trả lương. Mỗi tháng, các cửa hàng cấp cho tôi 4 món đồ tự chọn trong khoảng nhất định trị giá 3.000 USD nếu tính theo niêm yết.

Tới giờ khi đã làm quản lý ở IVY moda, tôi vẫn muốn cân bằng giữa việc chạy theo xu hướng và những thứ bền vững, tức là hướng tới các sản phẩm có thể đồng hành với khách hàng rất lâu.

Anh sẽ “cân bằng” như thế nào? Vì phong cách mà anh thích vốn dành cho số ít muốn đứng ngoài xu hướng, còn cái mà lâu nay IVY moda theo đuổi lại phục vụ cho số đông có nhu cầu bắt trend?

Tôi chỉ muốn đưa một vài chi tiết của phong cách thời trang không bị lỗi mốt theo thời gian vào sản phẩm để đâu đó sẽ có những bộ quần áo sử dụng được lâu hơn. Ít ra họ có thể mặc 2-3 mùa hoặc nhiều hơn nhưng vẫn thấy hài lòng.

Nhưng chắc chắn IVY moda sẽ vẫn là hãng thời trang dẫn đầu và đi theo xu hướng. Bởi vì nó phục vụ số đông. Còn các hãng mà tôi hay mua sắm chỉ hướng tới thị trường rất hẹp với số lượng khách cực ít ở Mỹ và châu Âu. Điều đó chưa chắc đã hấp dẫn với phần lớn người Việt.

Khai tử IVY Men và áp lực khủng khi làm CEO ở công ty gia đình

Từng du học ở Mỹ và bản thân cũng đam mê một phong cách thời trang khác biệt, khi đảm nhận vai trò CEO, anh nghĩ mình đã tạo ra sự khác biệt gì cho IVY moda?

IVY moda đang có những thứ chậm đổi mới. Ví dụ hệ thống sale khá cồng kềnh và 10 năm qua vẫn giữ nguyên như vậy. Khi lên làm quản lý, tôi đã ngay lập tức cắt giảm vị trí không cần thiết và tái cơ cấu lại bộ máy. Hiện tại, chúng tôi đang ứng dụng công nghệ nhiều hơn (bán online, tổ chức digital show…) và trẻ hóa nhân sự.

Thay đổi lớn nhất tôi đem đến có lẽ là sản phẩm. Sắp tới, chúng tôi sẽ “khai tử” dòng phụ kiện và thời trang nam. Đối với phụ kiện thì dừng hẳn, còn IVY Men tách ra dưới một thương hiệu khác.

Thực tế, hồi đầu IVY Men ra đời là để khách nữ đến chọn đồ thì sẽ mua thêm cho chồng. Nó đã đúng ở đoạn đó. Nhưng về sau con đường phát triển đồ nam ngày càng không phù hợp với định vị thương hiệu.

Cùng với việc cắt bỏ nhiều thứ, tôi cũng làm việc trực tiếp với đội ngũ thiết kế để đưa ra danh sách những sản phẩm lõi nhất định phải giữ. Trước kia, chúng tôi có những mẫu bán rất chạy nhưng cứ sang mùa khác lại dừng để ra mắt cái mới. Tôi thấy sai lầm này quá lớn. Bây giờ, cứ cái gì bán chạy, tôi sẽ tiếp tục sản xuất và lên kệ cho đến khi nào không còn bán được nữa. Ví dụ, một mã trench coat ra vào mùa 2020 đã được lên kệ tiếp vào 2021 khiến doanh số tăng vọt, đến nay đã bán được hơn 5.000 chiếc.

Về lâu dài, tập trung vào điểm mạnh như vậy sẽ góp phần tạo ra DNA cho nhãn hàng, khiến khách vừa nhắc tên thương hiệu là hình dung ran gay được sản phẩm.

Liệu có phải vì đây là công ty gia đình nên sẽ khó tiếp nhận đổi mới từ cổ đông hoặc gặp khó khăn trong việc đồng nhất các quyết định?

9X là CEO IVY moda: Ăn mặc dị biệt nhưng 10 năm vẫn giữ chiếc áo phông từ thời sinh viên - Ảnh 2.
 

Tuy được xếp vào dạng công ty gia đình nhưng ở đây chỉ có tôi, bố và vợ tôi là người một nhà. Thực ra dù là nhà sáng lập và nắm vai trò Chủ tịch HĐQT, nhưng từ trước tới nay bố tôi là người rất lắng nghe. Có những cái tôi hoặc mọi người góp ý đúng thì ông rất đồng tình.

Ví dụ, tôi cho rằng việc bố tôi rất ít nói nên văn hóa công ty cũng có chiều hướng trầm lặng, ít sôi nổi, không thực sự đúng với một công ty thời trang khi mà sự năng động, hoạt bát là thứ cần thiết.

Từ khi tôi bắt đầu đảm nhiệm những vị trí có quyền quyết định, văn hóa nội bộ dần được quan tâm hơn. Mấy năm trở lại đây, tôi đã dần xây dựng được sứ mệnh chung cho tất cả nhân viên, xác định rõ mục đích làm ở việc ở đây là để xây dựng phong cách cho khách hàng bằng việc làm ra những sản phẩm mà họ có thể dùng để thể hiện bản thân.

Có vẻ như mọi thứ trên con đường sự nghiệp của anh đã và đang rất thuận lợi, may mắn?

May mắn thì rất đúng. Rõ ràng nhờ yếu tố gia đình tôi mới có vị trí hôm nay. Nhưng nếu nói mọi thứ thuận lợi hoặc dễ dàng thì không. Ai làm quản lý cũng đều có áp lực. Với tôi chuyện đó có lẽ kinh khủng hơn vì mình luôn phải cố gắng chứng minh có thể vượt qua được cái bóng lớn của bố.

Bố thường nói với tôi: “Bố gây dựng công ty từ hai bàn tay trắng và khi mất thì đó là tất cả những gì bố mẹ có. Nhưng với con thì khác, toàn bộ những gì con tiếp quản hôm nay không phải do tự tay mình làm ra. Trách nhiệm của con là phải tiếp tục phát triển và đưa được làn gió mới vào bên trong doanh nghiệp”.

Mặc dù là con trai cả trong gia đình nhưng ở công ty, bố đối xử với tôi rất sòng phẳng như tất cả mọi người. Chắn chắn, nếu tôi không thể hoàn thành trách nhiệm cũng sẽ phải chịu kỷ luật hoặc thay thế chứ không thể nào ngồi mãi ở đây.

2 năm qua, công ty chịu cú sốc lớn vì dịch bệnh, doanh thu nhiều tháng giảm 90%, đặc biệt cứ vào mùa thu tiền về thì dịch lại bùng lên và giãn cách xã hội. Xoay sở để tồn tại qua sóng gió đó vốn đã rất khó khăn.

Hiện tại, cạnh tranh trong lĩnh vực thời trang rất khốc liệt. Chúng tôi tuy có lợi thế về quy mô cửa hàng, nhà xưởng riêng, am hiểu thị hiếu và số đo người Việt… nhưng chắc chắn vẫn phải có sự đổi mới để tiếp tục dẫn đầu. Công ty còn muốn vươn ra nước ngoài, xây dựng cửa hàng ở Mỹ… Tôi nghĩ trong tương lai mình sẽ phải vượt qua vô vàn thách thức mới có thể làm tốt vị trí CEO này.

Mỗi lần đọc tin có bạn trẻ tự vẫn vì quá áp lực chuyện học hành, tôi lại thấy rất biết ơn bố mẹ

Là công tử con nhà giàu nhưng lại sớm phải gánh vác trọng trách ở công ty gia đình, tuổi trẻ của anh đã trải qua sự giáo dục như thế nào để sẵn sàng cho việc đó?

Tôi luôn cảm thấy biết ơn sự nghiêm khắc của bố mẹ đã tạo nên tôi của ngày hôm nay. Lúc nhỏ, nếu tôi trót nói dối hoặc đến muộn giờ sẽ bị bố phạt rất nặng, ví dụ “ăn roi mây” hoặc đứng một mình ngoài ban công tối đen như mực lúc 11h đêm…

9X là CEO IVY moda: Ăn mặc dị biệt nhưng 10 năm vẫn giữ chiếc áo phông từ thời sinh viên - Ảnh 3.
 

Nhưng bố chỉ khắt khe với tôi về cách sống, nguyên tắc làm người, còn những gì thuộc về sở thích hay năng lực cá nhân thì bố rất thoải mái. Có thời gian tôi thích để tóc dài, đeo khuyên tai, ăn mặc dị biệt… bố đều không phản đối.

Bây giờ trên báo chí đưa tin khá nhiều vụ các bạn trẻ tự vẫn vì áp lực học hành. Tôi cũng rất quan tâm chuyện đó vì đang có con nhỏ khoảng 1 tuổi. Nhưng tôi thực sự không thể nào hiểu nổi áp lực mà các bạn không may phải chịu bởi vì tuổi thơ tôi không giống như vậy. Đến giờ tôi vẫn luôn biết ơn vì toàn bộ con đường học hành, định hướng nghề nghiệp, bố mẹ đã trao cho tôi quyền tự do quyết định.

Cách giáo dục đó có gì khác với bố mẹ của bạn bè đồng trang lứa với anh?

Bạn bè tôi có hai dạng, một tuýp giống tôi và một kiểu thì khác.

Những người trải qua cách giáo dục khá nghiêm khắc giống tôi hiện cũng đang làm quản lý ở công ty gia đình. Họ cũng chịu áp lực lớn vì phải cố gắng vượt qua cái bóng của cha mẹ và xây dựng dấu ấn riêng. Mỗi khi mệt mỏi, tôi lại nhìn sang họ để có thêm động lực. Đôi khi mấy anh em cũng hay trò chuyện và có thể chia sẻ với nhau về cảm xúc.

Ở tuổi 27 nếu phải tóm tắt về bản thân, anh nghĩ mình có điểm gì đáng tự hào?

Có lẽ tự hào vì mình được làm và làm tốt một công việc thú vị, không tẻ nhạt. Thời trang là lĩnh vực hàng đầu về sáng tạo. Những người đồng nghiệp xung quanh tôi rất cá tính. Mỗi người một vẻ. Mỗi ngày được gặp gỡ, giao lưu với họ là niềm vui rất lớn đối với tôi.

Ở tuổi 27, tôi đã có gia đình nhỏ với vợ và một bé gái. Đó chính là tài sản lớn nhất của tôi lúc này. Tôi tự hào rằng Vũ Linh của hiện đã trưởng thành và trải nghiệm hơn trước kia rất nhiều. Nhưng phía trước vẫn là con đường dài với nhiều thách thức mà tôi cần vượt qua để có thể làm tốt hơn trách nhiệm của người cha, người con trong gia đình và người CEO dẫn dắt công ty phát triển./

9X là CEO IVY moda: Ăn mặc dị biệt nhưng 10 năm vẫn giữ chiếc áo phông từ thời sinh viên - Ảnh 4.
 
9X là CEO IVY moda: Ăn mặc dị biệt nhưng 10 năm vẫn giữ chiếc áo phông từ thời sinh viên - Ảnh 5.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật