Chưa nên tăng thuế suất với rượu, bia trước năm 2026
Nhiều ý kiến chuyên gia đồng thuận cho rằng, để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hiện tại chưa nên tăng thuế suất đối với rượu, bia...
Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo "Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 4/7.
Tại hội thảo, về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia, nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính về việc giữ nguyên phương pháp tính thuế tương đối như hiện nay. Việc thay đổi cách tính thuế vào thời điểm hiện tại sẽ tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành rượu, bia vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tác động bất lợi từ một số cơ chế chính sách liên quan (Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Mặt khác, điều này có thể sẽ làm mất khả năng cạnh tranh của bia phổ thông thương hiệu Việt (hiện chiếm tới 80% thị phần), ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước.
Về thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và lộ trình tăng thuế theo mức tăng thu nhập và lạm phát.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần cân nhắc kỹ tác động của việc tăng thuế suất đối với rượu, bia.
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) kiến nghị chưa sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất đến năm 2025 và ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA chia sẻ tại hội thảo |
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA cho biết, ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam có lịch sử từ năm 1875 khi người Pháp vào Việt Nam.
"Đến nay, chúng ta đã có lịch sử khoảng 145 năm. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều sau chúng ta", ông Việt cho biết.
Vẫn theo ông Việt, đối với Việt Nam, ngành này đóng vai trò quan trọng với đời sống xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.
Ngành đồ uống Việt Nam phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và gắn liền với văn hóa, phát triển cùng hội nhập kinh tế, mức sống nâng cao và du lịch, thương mại.
Đáng chú ý, với các nhà máy phân bổ hầu khắp các tỉnh, ngành đồ uống Việt Nam có vai trò kinh tế lớn khi luôn đứng ở vị trí những doanh nghiệp đóng góp hàng đầu cho ngân sách.
"Ngành đã có đóng góp ngân sách đáng kể. Các doanh nghiệp bia rượu nộp ngân sách khoảng 60.000 tỷ đồng/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đẩy lùi vấn nạn hàng lậu, hàng giả…", ông Việt nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Việt đề xuất chưa nên sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất trong thời gian 2023 - 2025 và ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi.
Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, nhu cầu sử dụng bia, rượu là rất thật trong đời sống trên rất nhiều khía cạnh của mọi tầng lớp dân cư; Có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm.
TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh |
Tuy nhiên, do COVID-19 cùng tác động bất lợi từ xung đột, cạnh tranh địa chính trị và cả khung pháp lý cùng một số chính sách khiến ngành bia rượu phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Việc sử dụng quá mức/lạm dụng bia rượu có thể dẫn tới nhiều hệ lụy không mong muốn, thậm chí tiêu cực cho xã hội về đảm bảo sức khỏe và cả an toàn, ổn định xã hội. Đây chính là lý do ra đời của thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chính sách của Chính phủ là tìm giải pháp cân bằng đối với cung cầu rượu bia nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội (đáp ứng nhu cầu cần thiết, lành mạnh nhưng giảm thiểu tác động tiêu cực) và nguồn thu ngân sách. Đây là nhiệm vụ phức tạp và cần được nhìn nhận kỹ lưỡng, đa chiều.
Theo TS Võ Trí Thành, thị trường bia rượu trong nước, nhất là bia, có 3 phân khúc: Phổ thông, trên phổ thông/cao cấp và phi chính thức. Hiện nay, với thị trường bia, khoảng 80% tiêu thụ là phổ thông.
Theo thông lệ, có 3 phương pháp đánh thuế chủ yếu: Thuế tương đối, áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (như doanh thu); Thuế tuyệt đối, áp dụng mức thu tuyệt đối (như theo đơn vị sản phẩm); Thuế hỗn hợp, áp dụng cả thuế tương đối và thuế tuyệt đối.
Ông Thành cho rằng, thông thường thuế tương đối đảm bảo hiệu quả phân bổ nguồn lực tốt hơn, là van tự động điều chỉnh theo lạm phát, phù hợp với các nền kinh tế đang phát triển còn có những khác biệt lớn về giá bán các sản phẩm đồ uống có cồn song khó có sự công bằng giữa các sản phẩm tính theo trên mỗi lít cồn nguyên chất (LPA).
Thuế tuyệt đối sát mục tiêu hạn chế cồn trong đồ uống, nhất là khi đánh trên PLA sử dụng, phù hợp hơn với các nước phát triển, các sản phẩm bia rượu có giá bán và chất lượng tương đồng.
Nhược điểm của phương pháp đánh thuế này là có ít nhiều hạn chế trong phân bổ nguồn lực hiệu quả do “ít uyển chuyển” và công tác thống kê, giám sát thu thuế giai đoạn chuyển tiếp có thể tốn kém hơn.
Đáng chú ý, ông Thành cho biết, đến nay chưa có nhiều nghiên cứu sâu về sự phù hợp mức thuế và phương pháp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu ở Việt Nam. Hiện mới có 2 nghiên cứu liên quan gần đây nhất.
Một là của PwC ("Nghiên cứu về hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt", tháng 11/2022) về thuốc lá, một mặt hàng khá tương đồng rươu bia xét trên các góc độ mục tiêu chính sách của Chính phủ. Hai là của CIEM ("Báo cáo đánh giá định lượng tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành đồ uống có cồn", tháng 5/2022).
Theo cả 2 nghiên cứu, về dài hạn Việt Nam nên dần theo thông lệ quốc tế (chuyển từ thuế tương đối sang thuế hỗn hợp rồi thuế tuyệt đối). Việt Nam cũng nên cân nhắc thời điểm thay đổi thuế suất và phương pháp tính thuế khi hiện nay thị trường còn nhiều khó khăn.
Ông Thành cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp hay tuyệt đối về nguyên tắc sẽ làm tăng giá tương đối của các dòng sản phẩm phân khúc phổ thông so với dòng sản phẩm phân khúc cao cấp.
Do đó, nếu thu thuế theo phương pháp tuyệt đối hoặc hỗn hợp sẽ tạo áp lực lớn đối với sản phẩm phổ thông giá thấp, ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất rượu bia thương hiệu Việt trong nước.
Với những xem xét các chiều cạnh mục tiêu chính sách, thực trạng và đặc điểm thị trường bia rượu Việt Nam hiện nay cũng như các nghiên cứu đã biết cùng vấn đề đặt ra, TS Võ Trí Thành đưa ra một số đề xuất.
Cụ thể, giữ nguyên phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối và chưa điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu, nhất là bía, cho đến năm 2025. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối có thể tăng vào năm 2026, khoảng 5 - 10%.
Đồng thời nghiên cứu kỹ và sâu cung cầu, thị trường bia rượu cùng điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là quá trình thưc hiện mục tiêu phát triển đất nước đến 2030, 2045 và các kịch bản khác nhau áp dụng phương pháp đánh thuế tương đối, hỗn hợp, tuyệt đối.
Trên cơ sở đó và tính đến kinh nghiệm quốc tế, cân nhắc khoảng 2030, có thể áp dụng phương pháp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp với bia rượu. Bước đầu ở đây có thể áp dụng thuế suất thuế tuyệt đối nhiều bậc tùy sản phẩm phổ thông hay cao cấp cùng điều chỉnh thuế suất thuế tương đối.
Trong mọi trường hợp, việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách khác như hỗ trợ đào tạo, chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, truyền thông nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm giải trình… có ý nghĩa rất quan trọng trong đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, nguồn thu ngân sách và giảm thiểu hệ lụy tiêu cực của bia rượu đối với đời sống.