Đồng Tâm Group của bầu Thắng kinh doanh ra sao trước khi hủy đăng ký công ty đại chúng?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có thông báo về việc hủy đăng ký công ty đại chúng của Công ty CP Đồng Tâm (Đồng Tâm Group) kể từ ngày 30/12/2022.
Trước đó vài tháng, vào ngày 20/09/2022, Công ty cổ phần Đồng Tâm đã tổ chức thành công phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, tại tỉnh Long An, với sự tham dự của 75 cổ đông, đại diện 62.315.879 cổ phần, chiếm 91,74% tổng số cổ phần công ty.
Cổ đông tham dự đã thảo luận các nội dung quan trọng như: Báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị; Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 và Kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022; Thông qua sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Đồng Tâm; Thông qua hủy tư cách công ty đại chúng của Đồng Tâm…
Về việc hủy tư cách công ty đại chúng, theo quy định của Luật Chứng khoán và theo danh sách cổ đông Đồng Tâm tại ngày 14/09/2022, các cổ đông lớn hiện đang nắm giữ 61.325.052 cổ phiếu, tương ứng 90,279% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Công ty và hơn 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ 9,721% số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Vì vậy Đồng Tâm không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng. Vì vậy, ĐHCĐ đã nhất trí về việc sẽ thực hiện thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng nhằm bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 32 Luật Chứng khoán 2019 quy định về công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:
+ Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;
+ Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này.
Đồng Tâm là một thương hiệu lâu năm trong ngành vật liệu xây dựng gắn với tên tuổi của ông Võ Quốc Thắng, người được biết đến với cái tên "bầu Thắng".
Năm 1969, ông Võ Thành Lân sáng lập nên Đồng Tâm, với sản phẩm ban đầu là gạch bông sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống.
Năm 1986, con trai ông Lân là ông Võ Quốc Thắng cùng các thành viên trong gia đình tái lập cơ sở và phát triển thương hiệu Đồng Tâm, mở rộng SXKD trong ngành VLXD và trang trí nội thất.
Trải qua 54 năm hình thành và phát triển, Đồng Tâm hiện nay là một doanh nghiệp lớn có hệ thống kho bãi, showroom rộng khắp trong nước và xuất khẩu với vốn điều lệ 680,7 tỷ đồng.
Ngày nay bên cạnh ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm vật liệu xây dựng và trang trí nội thất, Đồng Tâm còn kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư, khai thác cảng biển, xây dựng và cho thuê đất trong khu công nghiệp, cho thuê nhà xưởng, đầu tư liên doanh, liên kết.
Năm tài chính 2021, Đồng Tâm Group đạt doanh thu thuần 1.938 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp gần 30%. Lợi nhuận sau thuế TNDN là 111 tỷ đồng, tăng 26 % so với năm trước đó.
Nhờ kết quả kinh doanh khả quan nên mặc dù không có chủ trương trước đó nhưng ĐHCĐ thường niên 2022 vẫn thông qua phương án trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 10% bằng tiền mặt.
Tổng tài sản hợp nhất của tập đoàn tại 31/03/2022 là 6.947 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý tại thời điểm này, Đồng Tâm có 411 tỷ đồng nằm trong chứng khoán kinh doanh, chiếm hơn 10% tổng tài sản ngắn hạn.
Cũng tại phiên họp ĐHĐCĐ 2022 hồi tháng 9 vừa qua, Hội đồng quản trị, Ban Điều hành CTCP Đồng Tâm trình ĐHĐCĐ thông qua các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2022: doanh thu thuần 2.300 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 225 tỷ đồng; dự kiến chia cổ tức 12%.
* Năm tài chính 2021 của Đồng Tâm Group bắt đầu từ 1/4/2020- 31/03/2021, trước đó năm tài chính của Đồng Tâm vẫn trùng với năm dương lịch (từ 1/1-31/12)