Đường vào PTL của nhóm nhân sự 'gốc' Đất Xanh
Nhóm nhà đầu tư mới âm thầm mua gom cổ phần trong giai đoạn 2019-2021 từ các cổ đông hiện hữu và trở thành nhóm cổ đông chi phối PTL.
2 thương vụ với Đất Xanh của đại gia Lương Trí Thìn
Ngày 1/11/2016, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland, sau này là CTCP Victory Capital, HoSE: PTL) Ngô Hồng Minh ký Nghị quyết HĐQT về việc chấp thuận và uỷ quyền cho Giám đốc Bùi Minh Chính ký hợp đồng thoái toàn bộ phần vốn của Petroland tại CTCP Đầu tư Dầu khí Thăng Long (Thăng Long Petro) - chủ đầu tư dự án bất động sản quy mô 6,15ha tại Quận 9, TP.HCM.
Giá chuyển nhượng là 11.273 đồng/CP, tương đương tổng giá trị 450,4 tỷ đồng. Bên mua là CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (nay là CTCP Tập đoàn Đất Xanh, HoSE: DXG).
Tại Thăng Long Petro, Petroland là công ty mẹ, sở hữu 80% cổ phần, 20% còn lại thuộc Về Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh (nay là Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Anh Minh).
Cùng thời điểm, HĐQT Đất Xanh có Nghị quyết thông qua nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Thăng Long Petro với giá trị 564 tỷ đồng. Dự án hiện nay được Đất Xanh giới thiệu với tên gọi GEM City Thủ Đức.
Tới ngày 27/12/2017, ông Bùi Minh Chính, lúc này với vai trò Chủ tịch HĐQT Petroland, đã ký Nghị quyết HĐQT về việc chấp thuận bán toàn bộ phần vốn, gồm 19,6 triệu cổ phần trong CTCP Đầu tư Dầu khí Nha Trang (INT) với giá 225,9 tỷ đồng, tương đương 11.519 đồng/CP. Bên mua tiếp tục là Đất Xanh Group.
INT là chủ đầu tư dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh, quy mô 171,9ha ở Khánh Hoà. Tại INT, Petroland là công ty mẹ, sở hữu 62,19%, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) có 15,44%, CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PVC-SG) chiếm 9,62% và CTCP Xây lắp Dầu khí Miền Trung (PVC-MT) chiếm 3,58%.
Đây là 2 dự án được đánh giá cao của PTL, kèm theo nhiều kỳ vọng của cổ đông sau giai đoạn thua lỗ kéo dài của doanh nghiệp ngành dầu khí này. Tuy nhiên, với lý do áp lực tài chính, trả nợ, ban lãnh đạo PTL khi đó đã bán đi 2 tài sản có giá trị bậc nhất của mình. Đây cũng là những quyết định mang tới nhiều tranh cãi trong nội bộ PTL suốt nhiều năm sau đó.
Tại ĐHĐCĐ thường niên (AGM) năm 2019, Thành viên HĐQT, đồng thời là cổ đông lớn Đinh Việt Thanh (nắm 13,58%) đã đề nghị bổ sung tờ trình thông qua huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng của Petroland với Đất Xanh tại Thăng Long Petro.
Ông Đinh Việt Thanh cho biết trong quá trình tham gia điều hành công ty, vị này nhận thấy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PTL tại Dầu khí Thăng Long cho Đất Xanh chưa được thực hiện đúng pháp luật và đã làm thiệt hại đến vật chất cũng như quyền lợi của PTL và cổ đông.
"Đối với việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty INT, qua quá trình xem xét hồ sơ phát việc ra việc chuyển nhượng có vấn đề. Đối với hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với Đất Xanh, Công ty Petroland đã thuê đơn vị tư vấn luật và phát hiện việc chuyển nhượng này có vi phạm quy định của pháp luật", Biên bản họp AGM 2019 trích dẫn lại lời ông Thanh.
Một số cổ đông khác cũng gay gắt chất vấn, cho rằng việc Petroland bán chỉ định cổ phần tại Thăng Long Petro và INT mà không thông qua đấu giá là trái quy định pháp luật.
Đề xuất bổ sung nội dung họp của ông Đinh Việt Thanh đã không được thông qua, song việc có tới 40,1 triệu cổ phần, tương đương 40,1% vốn PTL và 45,6% cổ phần dự họp bỏ phiếu đồng thuận với đề xuất này cho thấy nhóm cổ đông đối lập ở Petroland đang tăng dần sức ảnh hưởng.
Cuối năm 2020, TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt ông Bùi Minh Chính 7 năm tù, với hành vi ký khống hợp đồng, rút hơn 50 tỷ đồng để chi đối ngoại, quà cáp, tiếp khách. Đầu năm 2021, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị phúc thẩm vụ án, đánh giá bản án sơ thẩm là nhẹ, không nghiêm, ra quyết định phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Ở phía ngược lại, cổ đông lớn PVC, vốn nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy Petroland, đã bỏ phiếu phủ quyết với hơn 36 triệu cổ phần, tương đương 36% vốn PTL và 43,45% tổng số cổ phần tham dự. Cổ đông lớn còn lại, Tổng công ty Dầu Việt Nam - PVOil (sở hữu 9 triệu cổ phần) bỏ phiếu trắng.
Đầu tháng 10/2019, Chủ tịch HĐQT Petroland Bùi Minh Chính bị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Petroland. Tới giữa tháng 4/2020, cựu Chủ tịch HĐQT Petroland Ngô Hồng Minh bị khởi tố, truy nã trong vụ án này. Theo kết quả điều tra ban đầu, trong giai đoạn 2012 - 2018, Petroland đã thực hiện nhiều hợp đồng môi giới bất động sản, dịch vụ tư vấn nhà đất và giao dịch bất động sản trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Petroland gần 100 tỉ đồng. Ngay sau khi ông Bùi Minh Chính bị khởi tố, bắt tạm giam, Tập đoàn Đất Xanh của đại gia Lương Trí Thìn đã lên tiếng khẳng định việc nhận chuyển nhượng cổ phần Thăng Long Petro từ Petroland là đúng quy định pháp luật.
Đổi chủ
Cùng thời điểm, nhóm nhà đầu tư có liên hệ tới Đất Xanh bắt đầu "vào" PTL. Ngày 29/10/2019, bà Trần Thị Ngọc Cư và ông Đoàn Văn Đức hoàn tất mua thoả thuận tổng cộng gần 37,1 triệu cổ phiếu PTL, trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 19,63% và 17,47%. Theo dữ liệu của Nhadautu.vn , giá trị thương vụ là 222,6 tỷ đồng, tương đương tròn 6.000 đồng/CP.
Bên bán là nhóm cổ đông Đinh Việt Thanh. Diễn biến này có phần đột ngột, bởi ông Thanh ngay trước sự kiện khởi tố vụ án Petroland còn đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu PTL.
Thương vụ chuyển nhượng thêm phần ly kỳ khi quan sát kỹ ĐHĐCĐ bất thường (EGM) vào tháng 12/2019 để miễn nhiệm và thay thế thành viên HĐQT.
Ở các trường hợp bán cổ phần lô lớn bình thường, do điều kiện ràng buộc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần trên 6 tháng mới được đề cử người vào HĐQT, BKS, bên bán thường đề cử người của bên mua vào HĐQT trước, sau ĐHĐCĐ kiện toàn HĐQT, BKS mới thực hiện chuyển nhượng cổ phần.
Tuy nhiên tại Petroland, nhóm cổ đông mới dường như chịu áp lực lớn và muốn sang tên lô cổ phần "khủng" càng sớm càng tốt. Hệ quả là tại ĐHĐCĐ bất thường (EGM) diễn ra vào ngày 7/12/2019, nội dung bầu bổ sung ông Nguyễn Tấn Thụ, ông Dương Văn Bắc vào HĐQT của nhóm cổ đông do ông Đinh Việt Thanh đại diện đã dễ dàng bị bác bỏ, với lý do nhóm ông Thanh đã chuyển nhượng cổ phần trước ngày chốt danh sách họp (15/11/2019).
Ông Nguyễn Tấn Thụ vừa được đề cập ở trên, nên biết, từng có thời gian là Trưởng ban M&A của Tập đoàn Đất Xanh.
Nhóm cổ đông mới sau đó thể hiện sức ảnh hưởng khi liên tiếp phủ quyết nhiều nội dung tại AGM 2020 và đợt lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản vào tháng 8/2020.
Thế trận tại PTL dần ngã ngũ khi PVOil bán hơn 9 triệu cổ phần vào cuối tháng 8/2020 với giá trị 74,2 tỷ đồng, tương đương 8.250 đồng/CP, và PVC thoái hết 36 triệu cổ phần vào đầu tháng 12/2021, giá trị 421,3 tỷ đồng, tương đương 11.700 đồng/CP. Các giao dịch đều được thực hiện theo phương thức thoả thuận, bên mua, không ai khác là nhóm cổ đông mới có liên hệ tới Đất Xanh.
Như vậy, trong 3 năm 2019-2021, nhóm cổ đông mới của PTL đã chi ra 718,1 tỷ đồng để mua khoảng 82,1 triệu cổ phiếu, tương đương 82,1% vốn PTL, giá vốn bình quân 8.747 đồng/CP, cao hơn 13% so với thị giá hiện tại của PTL.
Vào giữa tháng 5/2021, ông Nguyễn Tấn Thụ được bầu vào HĐQT và sau đó đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT PTL. Một trong những Quyết định HĐQT đầu tiên mà ông Thụ ký, chính là tiếp nhận và bổ nhiệm ông Nguyễn Phú Hùng làm Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của PTL. Ông Hùng sinh năm 1980, cần nhấn mạnh, chính là cựu "đồng nghiệp" với ông Thụ, cũng từng đảm trách đến chức vụ Trưởng ban tại Đất Xanh Group.
Như Nhadautu.vn đã đề cập trong bài trước , đa số cổ đông lớn/ nhà đầu tư mua cổ phần phát hành riêng lẻ của PTL đều có liên hệ trực tiếp/ gián tiếp tới Đất Xanh Group. Ông Nguyễn Tấn Thụ ngoài vai trò Chủ tịch HĐQT PTL, còn đứng tên tại CTCP Dịch vụ và Đầu tư BĐS Ngôi sao Phương Nam - cổ đông lớn, hiện sở hữu 5,29% cổ phần PTL. Báo cáo tài chính thể hiện Đất Xanh Group tới cuối năm 2020 ghi nhận khoản phải thu 106,9 tỷ đồng với Ngôi sao Phương Nam, trước khi giảm về còn 16,1 tỷ đồng vào cuối năm ngoái.
Ở một diễn biến đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2022, Đất Xanh Group đã hoàn tất chuyển 47,3 tỷ đồng còn lại trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Thăng Long Petro cho PTL. Tuy nhiên, động tác này không có quá nhiều ý nghĩa khi PTL đồng thời đã chuyển ngược 46,7 tỷ đồng cho Thăng Long Petro - lúc này đã là thành viên của Đất Xanh Group.
Theo Tả Phù - Khánh An
Nhà đầu tư