A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng ấn tượng

Năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,05%, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố cả nước, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra 1,5%. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11,4%, khu vực nông nghiệp tăng 2,7%, khu vực dịch vụ tăng 6,5%.

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Công nghiệp tiếp tục là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8%, trong đó ngành khai khoáng tăng 5,8%, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,2%. Sản xuất các sản phẩm chủ lực như thép, điện, bia... đạt mức tăng trưởng khá.

Hệ thống cảng nước sâu là lợi thế lớn nhất của KKT Vũng Áng, Hà Tĩnh, khi các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa rất thuận tiện
Hệ thống cảng nước sâu là lợi thế lớn nhất của KKT Vũng Áng, Hà Tĩnh, khi các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa rất thuận tiện

Nông nghiệp được mùa, năng suất, sản lượng đều tăng. Tổng sản lượng lương thực ước đạt trên 64,7 vạn tấn, tăng 4,8% so với năm 2022. Sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ gắn với tập trung, tích tụ ruộng đất cho hiệu quả rõ nét.

Thương mại, dịch vụ, du lịch duy trì đà phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt gần 60.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,4 tỷ đô la Mỹ, vượt 20% kế hoạch, tăng 33% so với năm 2022. Lượng khách đến Hà Tĩnh ước đạt 3,2 triệu lượt, gần gấp đôi so với năm 2022.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 17.422 tỷ đồng, đạt 92% dự toán tỉnh giao và bằng 97% so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 50.200 tỷ đồng, đạt 112% kế hoạch, tăng 24% so với năm 2022. Tổng nguồn vốn tín dụng huy động ước đạt 98.252 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2022.

Tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 18 dự án đầu tư trong nước tổng vốn đăng ký 1.727 tỷ đồng và 2 dự án đầu tư nước ngoài tổng vốn 70 triệu đô la Mỹ. Thành lập mới 1.200 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, đạt 120% kế hoạch.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 31%, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị đạt 63%. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm; Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Tỷ lệ chất thải rắn được phân loại, thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn đạt 88%.

Tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng, kết nối liên vùng trong tỉnh và tỉnh Nghệ An. Đây là một trong những tuyến đường “hậu cần” cho phát triển khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng, kết nối liên vùng trong tỉnh và tỉnh Nghệ An. Đây là một trong những tuyến đường “hậu cần” cho phát triển khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Những kết quả này là minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có vai trò quan trọng của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải.

Trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh, ông Võ Trọng Hải đã thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ, năng lực lãnh đạo, điều hành, đưa ra những quyết sách kịp thời, hiệu quả, đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của cả nước.

UBND Hà Tĩnh cũng công bố danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư đến năm 2030, trong đó tập trung vào những dự án hạ tầng quan trọng, mang tính động lực. Theo đó, Hà Tĩnh tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư có năng lực đến tìm hiểu, khảo sát và nghiên cứu đầu tư một số dự án trọng điểm về phát triển đô thị, du lịch, thể thao như: Dự án khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí bãi nổi Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam; các tổ hợp dự án khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và sân gôn tại Thiên Cầm, Cẩm Dương, Kỳ Nam, Kỳ Ninh, Văn Trị; khu thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây Nam của huyện Thạch Hà; các khu đô thị mới trên địa bàn TP Hà Tĩnh…

Tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm như: Tổ hợp nhà máy tinh chế thép (sản xuất thép tấm, thép cán nguội, tráng/mạ thép, thép ống, thép hình), nhà máy cơ khí chế tạo máy móc (thiết bị động lực, thiết bị nâng hạ); tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô và linh kiện ô tô; nhà máy chế tạo và sửa chữa đầu máy, toa xe - công nghiệp đường sắt; nhà máy đóng các loại tàu cá bằng sắt thép; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng III - Nhiệt điện khí LNG và các dự án điện gió, điện mặt trời khác.

Riêng các dự án hạ tầng công nghiệp dịch vụ, Hà Tĩnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) trong khu kinh tế Vũng Áng, Gia Lách, Bắc Hồng Lĩnh, Bắc Thạch Hà, Tây TP Hà Tĩnh, Hạ Vàng; khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và các cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Về phát triển dịch vụ logistic, tỉnh Hà Tĩnh đã quy hoạch các trung tâm logistics tại cảng Sơn Dương, khu kinh tế Vũng Áng và cửa khẩu Cầu Treo cùng huyện Đức Thọ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật