Kỳ vọng thu hút vốn FDI năm 2024
Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tính tới ngày 20-12-2023 tại Việt Nam ước tính đạt 23,18 tỉ USD, là năm có quy mô vốn FDI thực hiện cao nhất từ trước đến nay.
Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 100 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai, nâng tổng vốn đầu tư tại nhà máy này lên tới hơn 500 triệu USD.
Duy trì vị thế hút FDI dẫn đầu khu vực
Tại báo cáo Vietnam At A Glance 2024 vừa công bố, các chuyên gia của Ngân hàng HSBC nhận định bất chấp những thách thức thương mại, Việt Nam tiếp tục nhận được lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới khá lớn trong năm 2023, trong tốp đầu của khu vực ASEAN, chỉ xếp sau Malaysia.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2023 cả nước có 3.188 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 56,6% so với năm trước), tổng vốn đăng ký đạt gần 20,19 tỉ USD (tăng 62,2% so với năm trước). Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tính tới ngày 20-12-2023, ước tính đạt 23,18 tỉ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Nếu tính cả tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là hơn 36,6 tỉ USD, tăng 32,1% so với năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, đây là năm có quy mô vốn FDI thực hiện cao nhất từ trước đến nay.
Đầu năm 2024, các tập đoàn nước ngoài tiếp tục công bố rót thêm vốn FDI vào Việt Nam. Nestlé Việt Nam cho biết khoản đầu tư bổ sung cho nhà máy Nestlé Trị An sẽ giúp tăng cường năng lực, công suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cà phê, tiếp tục đưa thị trường Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và cung ứng cà phê giá trị cao cho thị trường trong nước và thế giới.
Nestlé là một trong những doanh nghiệp (DN) châu Âu tăng đầu tư vào Việt Nam thời gian qua. Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) mới nhất của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), do Decision Lab thực hiện vừa công bố, đạt 46,3 trong quý IV/2023 cho thấy niềm tin của các DN hoạt động tại Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi.
Chủ tịch EuroCham, ông Gabor Fluit, nhận xét xu hướng tích cực đang diễn ra, dù vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn nhưng các DN đang cảm thấy lạc quan hơn. Niềm tin của cộng đồng DN nước ngoài tại Việt Nam đang ngày càng tăng, dữ liệu mới của năm 2023 củng cố thêm thông tin này.
Cụ thể, kết quả khảo sát về chỉ số BCI cho thấy trong quý IV/2023, vị thế điểm nóng đầu tư của Việt Nam tăng lên đáng kể. Có tới 62% số người được khảo sát đã xếp hạng Việt Nam trong số 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó 17% xếp Việt Nam ở vị trí cao nhất. Điều này được chứng minh bằng con số 53% số người được hỏi cho rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng vào cuối quý IV/2023. Đáng chú ý, cuộc khảo sát cũng nêu bật vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực ASEAN, có 29% xếp Việt Nam vào danh sách "các quốc gia cạnh tranh hàng đầu". Có khoảng 45% ý kiến coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh mạnh, mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định.
"Ngôi sao đang lên" trong thu hút công nghệ
Không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, Việt Nam còn được đánh giá là "ngôi sao đang lên" trong thu hút vốn FDI ở lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao.
Các chuyên gia của HSBC nhận định Việt Nam đã tận dụng vị thế là một "thỏi nam châm" thu hút FDI, đặc biệt từ các tập đoàn công nghệ lớn nhằm trang bị đào tạo về công nghệ cao cần thiết cho lực lượng lao động. Thời gian qua, Việt Nam được biết đến rộng rãi như là quốc gia hưởng lợi chính từ những căng thẳng thương mại Trung - Mỹ, một xu hướng sẽ còn tiếp diễn.
"Vốn FDI dạng đầu tư mới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 năm qua, đạt khoảng 5% GDP. Đáng chú ý, FDI mới đổ vào sản xuất đã tăng lên mức cao mới đạt trên 15 tỉ USD, 80% trong số đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Kết quả này tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu ASEAN của Việt Nam, chỉ sau Malaysia" - các chuyên gia của HSBC nói.
Xét về nguồn FDI, có một xu hướng rất đáng chú ý là trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam trong nhiều năm nhưng Trung Quốc cũng đang gia tăng dấu ấn FDI nhanh chóng.
Thực tế, năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đại lục đạt thị phần lớn nhất trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam. Tính chung lại, Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông, Macau (Trung Quốc) chiếm gần một nửa dòng FDI mới của Việt Nam trong năm 2023. "Không quá bất ngờ khi phần lớn vốn đổ vào ngành điện tử, một lĩnh vực mà Việt Nam là "ngôi sao đang lên". Đây cũng là lĩnh vực mà các dòng vốn FDI đa dạng hơn, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài điện tử, các nhà đầu tư cũng ngày càng bị thu hút bởi thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn của Việt Nam, một xu hướng mà các tập đoàn Nhật Bản đã đón đầu từ sớm" - chuyên gia của HSBC phân tích thêm.
Phân tích chi tiết hơn về những lý do giúp Việt Nam thành ngôi sao sáng trong thu hút vốn FDI bất chấp bối cảnh trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn năm 2023, ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường Quỹ Đầu tư VinaCapital, nói rằng Việt Nam luôn có sức hút trong mắt các nhà đầu tư FDI. Chi phí nhân công chưa bằng một nửa Trung Quốc nhưng chất lượng nhân công tương đương, theo các khảo sát của JETRO và các đơn vị khác. Việt Nam có vị trí địa lý gần các chuỗi cung ứng công nghệ cao của châu Á. Việt Nam là một quốc gia trong nhóm ít chịu rủi ro bị áp thuế khi xuất khẩu sang Mỹ.
Năm 2023, vị thế thu hút FDI của Việt Nam càng được củng cố và chất lượng vốn FDI mà Việt Nam thu hút cũng được nâng cao khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ giúp xây chắc vị thế của Việt Nam. Về phía các tập đoàn, Apple lần đầu tiên công bố sẽ đưa một số công đoạn thiết kế phát triển sang thực hiện tại Việt Nam, bên cạnh hoạt động sản xuất, lắp ráp sản phẩm hiện tại.
Bên cạnh cơ hội, câu chuyện còn lại của Việt Nam là làm sao để nắm bắt? Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách lúc này là cần đẩy nhanh phát triển hạ tầng để thu hút tối đa dòng vốn FDI chất lượng cao. Hạ tầng vận tải và kho bãi của Việt Nam cần được nâng cấp càng sớm càng tốt, khả năng cung cấp nguồn điện ổn định cho sản xuất, vốn là vấn đề mà các doanh nghiệp FDI lo ngại, sau khi diễn ra tình trạng thiếu điện vào mùa hè năm ngoái…
Chủ tịch EuroCham cũng nói rằng Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và chiến lược để thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu. Một lĩnh vực quan trọng cần tập trung là đơn giản hóa thủ tục hành chính, luôn là trở ngại lớn đối với DN. Bên cạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm chi phí hậu cần, nâng cao trình độ của lực lượng lao động cũng rất quan trọng để giúp duy trì tính cạnh tranh và quỹ đạo tăng trưởng.
Chưa quá lo thuế tối thiểu toàn cầu
Dù được nhận định tiếp tục là điểm sáng năm 2024 nhưng thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) có thể là rào cản trong việc thu hút vốn FDI, khi hạn chế khả năng Việt Nam đưa ra các ưu đãi thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ở Việt Nam, 122 công ty nước ngoài sẽ đối diện với mức tăng vọt về chi phí thuế, ước tính tạo ra nguồn thu ngân sách trị giá 600 triệu USD mỗi năm - theo Reuters.
Để đi đến một quyết định đầu tư thì thuế là yếu tố tối quan trọng nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất. Chuyên gia của VinaCapital, ông Michael Kokalari, nêu quan điểm việc áp thuế tối thiểu toàn cầu không quá đáng ngại, bởi vì ưu đãi thuế không phải là động lực chính để các công ty đa quốc gia quyết định đầu tư vào một quốc gia đang phát triển.