A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sabeco đạt mức lãi cao nhất từ trước đến nay

Dù chi phí quảng cáo và khuyến mãi tăng mạnh trong quý cuối năm, Sabeco vẫn thành công kết thúc một năm 2022 với mức lợi nhuận kỷ lục, gần 5.500 tỷ đồng.

 

Sabeco đạt mức lãi cao nhất từ trước đến nay - Ảnh 1.

Ảnh: Sabeco

Nội dung chính:

  • Sabeco đạt đỉnh lợi nhuận trong năm 2022 nhờ tối ưu hóa chi phí và tái cơ cấu đạt hiệu quả.
  • 5 năm kể từ thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đình đám khi ThaiBev chi gần 5 tỷ USD để sở hữu Sabeco. Đến nay, ThaiBev đã thu về khoảng 7% số tiền đầu tư thông qua cổ tức.

2022 đánh dấu một năm kinh doanh bùng nổ của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử, gần 5.500 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu năm 2022 (hơn 35.200 tỷ đồng) thấp hơn so với hai năm đầu tiên Sabeco thuộc về Tập đoàn đồ uống Thái Lan ThaiBev nhưng nhờ chiến lược phát triển phù hợp, Sabeco vẫn báo lãi kỷ lục.

“Công ty đang trải qua quá trình tối ưu hóa chi phí và tái cơ cấu sau khi được mua lại bởi ThaiBev, đã được nhiều kết quả khả quan về lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế” - theo Báo cáo phân tích mới nhất hồi tháng 11/2022 của Chứng khoán Phú Hưng.

Sabeco đạt mức lãi cao nhất từ trước đến nay - Ảnh 2.

 

Kết quả kinh doanh của Sabeco qua các năm.

Với kế hoạch doanh thu thuần 34.791 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.581 tỷ đồng cho cả năm 2022, Sabeco đã lần lượt hoàn thành 101% và 120% chỉ tiêu đề ra.

Về tiềm năng của Sabeco, ông Thapana Sirivadhanabhakdi - Giám đốc điều hành của ThaiBev Group từng phát biểu tại cuộc họp báo thường niên năm 2022: “Đó là viên ngọc quý của chúng tôi, một tài sản quý hiếm trong số tất cả các tài sản liên quan tới ngành sản xuất bia trong khu vực”.

Riêng quý IV/2022, Sabeco ghi nhận doanh thu hơn 10.130 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ.

Mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sau thuế của Sabeco lại giảm đến 23%, chỉ còn xấp xỉ 1.076 tỷ đồng - mức thấp nhất trong 5 quý trở lại đây, do công ty triển khai nhiều hoạt động tiếp thị, bán hàng nhằm kích cầu trong quý sát Tết khiến chi phí bán hàng tăng mạnh.

Cụ thể, chi phí bán hàng trong quý cuối năm tăng 70% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.600 tỷ đồng. Mức tăng chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng chi phí quảng cáo và khuyến mãi (chiếm 68% chi phí bán hàng) trong khi các khoản chi phí như chi bao bì, vận chuyển đều có xu hướng giảm nhẹ.

Theo Chứng khoán Phú Hưng, Sabeco đang tích cực thay đổi chiến lược marketing và quảng bá thương hiệu nhắm hướng về giới trẻ và phân khúc cận cao cấp (phân khúc được dự báo sẽ tăng trưởng trong thời gian sắp tới) và bảo vệ thị phần phổ thông trước Heineken.

Sabeco đạt mức lãi cao nhất từ trước đến nay - Ảnh 3.

 

Sabeco đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi xuyên suốt năm 2022.

Ván bài đặt cược vào Sabeco: ThaiBev liệu có thắng?

Cuối năm 2017, ThaiBev (thông qua 2 công ty con tại Việt Nam) đấu giá thành công hơn 343 triệu cổ phần Sabeco với giá 320.000 đồng/cổ phiếu, tương đương khoảng 54% cổ phần. Tổng giá trị xấp xỉ 110.000 tỷ đồng, tương đương 5 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A lớn nhất tính đến thời điểm đó của ngành bia châu Á, cũng là thương vụ dẫn đầu về giá trị trong làn sóng các công ty nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt.

2 năm sau đó, Sabeco đều ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan khiến ThaiBev đặt mục tiêu đưa hãng bia Việt lên sàn chứng khoán Singapore. Nhưng ngay lập tức kế hoạch này bị cản trở bởi Nghị định 100 tăng mức phạt lỗi uống rượu, bia khi lái xe (có hiệu lực từ đầu năm 2020) và đại dịch Covid-19.

Hai tác nhân trên đồng thời kéo tụt đến doanh thu của Sabeco trong năm 2020 và 2021. Doanh thu năm 2020 của Sabeco giảm tới 26% so với 2019 nhưng nhờ kiểm soát chi phí chặt chẽ nên lợi nhuận chỉ giảm hơn 8%. Đến năm 2021, trước các chính sách phòng, chống dịch Covid-19, các kênh tiêu thụ chính ngừng hoạt động khiến Sabeco đánh dấu mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2015.

Sabeco đạt mức lãi cao nhất từ trước đến nay - Ảnh 4.

 

Sau thương vụ M&A đình đám, giá cổ phiếu của Sabeco liên tục đi xuống, có thời điểm giảm hơn 50% so với giá mua của ThaiBev (Nguồn: Trading View)

Ngày 02/12/2022, Sabeco thông báo tạm ứng cổ tức lần 2 năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (mỗi cổ phiếu nhận về 1.000 đồng). Với hơn 641 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính, Sabeco phải chi khoảng 641 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Trong đó, ThaiBev sẽ nhận khoảng 344 tỷ đồng, tương ứng 53,59% vốn cổ phần.

Tính chung năm 2022 và quý I/2023, dự kiến ThaiBev đã và sẽ nhận được hơn 2.405 tỷ đồng cổ tức. Nếu tính từ năm 2017 đến nay, ThaiBev thu về hơn 7.730 tỷ đồng cổ tức từ Sabeco, tương đương 7% tổng số tiền đầu tư ban đầu.

Nhờ hoạt động kinh doanh phục hồi và tăng trưởng đáng kể trong năm 2022, tháng 5/2022, ThaiBev tái khởi động kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho mảng kinh doanh bia BeerCo (công ty mẹ của Sabeco) tại Singapore. Reuters đưa tin đợt IPO này sẽ huy động tới 1 tỷ USD. Tuy nhiên, kế hoạch này tiếp tục được hoãn lại vào tháng 8/2022 do “bối cảnh thị trường thị trường khó khăn kéo dài”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật