Chống gian lận thương mại, hàng giả trong nền kinh tế số: Vai trò “nhạc trưởng” của ngành Công Thương
Trong suốt nhiều năm qua, vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn là một trong những mối quan ngại lớn của ngành Công Thương.
Từ vấn nạn truyền thống đến thách thức hiện đại
Trong suốt nhiều năm qua, vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn là một trong những mối quan ngại lớn của ngành Công Thương. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế số phát triển nhanh chóng, các phương thức gian lận thương mại đã thay đổi cả về hình thức lẫn quy mô. Từ những điểm nóng vùng biên giới, chợ truyền thống, nay chúng lan sang các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream bán hàng với thủ đoạn tinh vi hơn, khó kiểm soát hơn. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận mới về thể chế, công nghệ và phối hợp liên ngành để kiểm soát hiệu quả tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong môi trường số.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng đã xử lý trên 57.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.800 tỷ đồng. Đặc biệt, số vụ vi phạm trên không gian mạng tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2024, cho thấy sự dịch chuyển ngày càng rõ rệt từ không gian truyền thống sang môi trường số.
Lực lượng chức năng đột kích, kiểm tra kho hàng tại TP. Hà Nội của hot tiktoker livestream chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày. Ảnh: Khánh An
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cảnh báo rằng, nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để rao bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ... nhắm tới người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa, nơi còn hạn chế nhận thức và kỹ năng kiểm tra nguồn gốc hàng hóa.
Ngoài ra, các thủ đoạn phổ biến bao gồm: giả mạo thương hiệu nổi tiếng, ghi nhãn sai lệch, trà trộn hàng thật, hàng giả, sử dụng hình ảnh sản phẩm không đúng với thực tế, không công bố thông tin doanh nghiệp, không niêm yết giá rõ ràng… Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín hàng Việt.
Thách thức kép, hệ lụy nghiêm trọng
Một trong những nguyên nhân chính khiến gian lận thương mại ngày càng phổ biến trên không gian mạng là sự thiếu đồng bộ và chưa theo kịp của thể chế, hạ tầng kỹ thuật và năng lực thực thi. Theo đó, thể chế chưa đầy đủ, dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, nhưng nhiều pháp luật chuyên ngành liên quan chưa được sửa đổi, cập nhật để đáp ứng với thực tiễn.
Bên cạnh đó, là hạ tầng giám sát hạn chế. Nhiều cơ quan quản lý chưa có công cụ phân tích dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) hay công nghệ giám sát tự động để phát hiện vi phạm trên hàng trăm nghìn gian hàng online. Thiếu định danh người bán các đối tượng gian lận thường dùng tài khoản ảo, thay đổi địa chỉ liên tục, hoặc sử dụng hình thức cộng tác viên trung gian để tránh bị phát hiện. Thiếu phối hợp đa ngành việc chia sẻ dữ liệu giữa Bộ Công Thương, Bộ Công an, Cục Thuế và các nền tảng thương mại điện tử còn rời rạc, thiếu cơ chế kết nối thông tin kịp thời.
Gian lận thương mại trong môi trường số không chỉ gây thiệt hại kinh tế trước mắt, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến niềm tin thị trường và uy tín quốc gia. Người tiêu dùng mất lòng tin khi liên tục gặp phải sản phẩm kém chất lượng, bị lừa đảo nhưng không thể truy vết người bán hoặc khiếu nại hiệu quả. Doanh nghiệp chân chính bị bóp méo cạnh tranh, vì không thể chịu nổi áp lực giá rẻ từ hàng nhập lậu, hàng giả. Năng lực cạnh tranh quốc gia bị ảnh hưởng, khi hàng hóa Việt Nam bị nghi ngờ về chất lượng trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA), vấn nạn hàng giả, hàng nhái có thể là “điểm yếu” bị đối tác lợi dụng để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, hoặc ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia “Vietnam Value”.
Từ những điểm nóng vùng biên giới, chợ truyền thống, nay hàng giả, hàng nhái lan sang các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội. Ảnh: Hoa Quỳnh
Vai trò “nhạc trưởng” của ngành Công Thương
Là cơ quan chủ lực trong bảo vệ thị trường và người tiêu dùng, ngành Công Thương cần tái định vị vai trò theo hướng: Trở thành “nhạc trưởng” điều phối cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các bên (Cục Thuế, Bộ Công an, các nền tảng số). Xây dựng Trung tâm giám sát thị trường số quốc gia, vận hành bằng công nghệ cao để phát hiện và xử lý vi phạm thương mại điện tử theo thời gian thực. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất chân chính tiếp cận nền tảng số minh bạch, loại bỏ hàng gian, hàng giả để nâng cao giá trị thương hiệu hàng Việt.
Kiến nghị chính sách: Quản lý gian lận thương mại trong kinh tế số cần thay đổi cách tiếp cận. Để chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiệu quả trong môi trường số, cần sự chuyển biến căn bản từ tư duy “kiểm tra, xử lý” sang “phòng ngừa, kiểm soát thông minh”.
Cụ thể, định danh điện tử người bán là điều kiện bắt buộc, các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội phải liên kết với dữ liệu VNeID, mã số thuế cá nhân/doanh nghiệp để định danh người bán. Từ đó, tăng khả năng truy vết, nâng cao trách nhiệm và giảm gian lận.
Áp dụng công nghệ giám sát thị trường số, khuyến khích sử dụng AI, big data, công cụ crawling (thu thập dữ liệu tự động) để phát hiện bất thường trong giá cả, từ khóa tìm kiếm, sản phẩm nhái thương hiệu. Đồng thời, kết nối dữ liệu thuế, giao dịch, phản ánh người tiêu dùng để cảnh báo sớm rủi ro.
Đồng thời, cần nâng cấp khung pháp lý và chế tài xử phạt. Sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP theo hướng bổ sung chế tài với hành vi gian lận thương mại trên không gian mạng; yêu cầu trách nhiệm liên đới của nền tảng thương mại điện tử nếu không phối hợp gỡ bỏ nội dung vi phạm.
Thúc đẩy truyền thông và xây dựng hệ sinh thái tin cậy. Phối hợp giữa Nhà nước, sàn thương mại điện tử, hiệp hội. ngành hàng để thiết lập hệ thống gắn “huy hiệu xác thực” cho người bán uy tín, tăng niềm tin thị trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức tiêu dùng có trách nhiệm thông qua chiến dịch truyền thông thường xuyên.
Đã đến lúc chuyển từ “đuổi theo gian lận” sang “ngăn chặn từ gốc”. Gian lận thương mại và hàng giả không phải là vấn đề mới, nhưng đang biến tướng phức tạp hơn dưới hình hài công nghệ số. Trong khi kinh tế số đang là động lực tăng trưởng mới, nếu không kiểm soát tốt gian lận, chúng ta sẽ đánh mất niềm tin thị trường và cơ hội nâng tầm hàng Việt. Do đó, ngành Công Thương cần dẫn dắt một chiến lược toàn diện, kết hợp thể chế hiện đại, công nghệ giám sát, truyền thông minh bạch và định danh trách nhiệm rõ ràng, để bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh trong thời đại số.