TP. Hồ Chí Minh sau sáp nhập, khu vực nào sẽ hút dòng vốn đầu tư?
Từ ngày 1/7/2025, với việc chính thức sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu vào TP. Hồ Chí Minh đã đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành siêu đô thị đầu tiên của Việt Nam và thứ 4 của Đông Nam Á, chiếm gần 1/4 GDP cả nước. Với diện mạo đô thị mới này, khu vực nào sẽ là "điểm nóng" của thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh với dư địa tăng trưởng ấn tượng? Vấn đề này được các chuyên gia trao đổi sôi nổi tại Hội thảo "Bất động sản siêu đô thị TP. Hồ Chí Minh: Thời cơ vàng cho nhà đầu tư Hà Nội".
Khu vực Đông Bắc – "điểm nóng" hứa hẹn của thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc "giải phóng" không gian đô thị thông qua việc sáp nhập, hứa hẹn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển vượt bậc. Việc mở rộng địa giới hành chính không chỉ hóa giải những vấn đề cố hữu như ngập lụt hay tắc nghẽn giao thông do sự hiện diện của 14 khu công nghiệp nội đô, mà còn kiến tạo một tầm vóc mới cho đô thị. Việc sáp nhập được ví như một "cơ hội vàng" để tái cấu trúc kinh tế, đặc biệt là khai thác tối đa tiềm năng không gian hướng biển. Ba tọa độ chiến lược khi hợp nhất sẽ tạo nên một liên kết vững chắc, thúc đẩy sự vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước.
PGS. TS. Trần Đình Thiên trao đổi tại hội thảo
Đáng chú ý, PGS. TS. Trần Đình Thiên cũng chỉ ra sự dịch chuyển dân cư từ lâu vẫn được biết đến với cụm từ "đi Bình Dương". Trong cấu trúc mới, xu hướng dịch chuyển từ miền Tây lên miền Đông do những thách thức về phát triển sẽ tiếp tục, mang lại cơ hội đáng kể cho việc tái phân bổ dân cư và phát triển đô thị. Khu vực Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh (Bình Dương cũ) được nhận định sẽ phát triển theo một công thức đô thị khác biệt hoàn toàn so với Bà Rịa - Vũng Tàu hay TP. Hồ Chí Minh cũ, tạo nên sức hút riêng biệt. Điều này đòi hỏi một sự định nghĩa lại rõ ràng về cấu trúc và định hướng phát triển của khu vực này trong tương lai.
Những yếu tố làm nên sức hút của bất động sản khu vực Đông Bắc
Nhận định về sức hút của thị trường bất động khu vực Đông Bắc, ông Lê Minh Tuấn - Giám đốc Kinh doanh Big Four nhận định, việc sáp nhập định hình TP. Hồ Chí Minh là một "siêu đô thị" hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, sự phát triển sau sáp nhập sẽ không dàn trải mà tập trung vào những khu vực có tiềm năng nổi bật. Khu vực Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh (tức Bình Dương cũ) được dự báo sẽ trở thành trung tâm kết nối mới. Chiến lược sáp nhập vùng sẽ thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư, dân cư và tạo đột phá cho thị trường bất động sản tại đây.
Động lực tăng trưởng của thị trường này được đặt trên thế kiềng ba chân là hạ tầng thật, dân cư thật và kinh doanh dịch vụ thật. Đối chiếu với các tiêu chí này, khu vực Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh mới sở hữu những yếu tố then chốt giúp giá trị bất động sản tăng trưởng như hạ tầng tăng tốc mạnh: mở rộng Quốc lộ 13, hoàn thành tuyến đường Vành đai 2, hoàn thành tuyến đường Vành đai 3, dự kiến thông xe vào tháng 6/2026 và tuyến metro số 2 kết nối TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển mua nhà tại Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh đang diễn ra mạnh mẽ. Trong bối cảnh giá nhà tại TP. Hồ Chí Minh tăng cao, nguồn cung căn hộ cao cấp giá hợp lý khan hiếm đã thúc đẩy dòng tiền dịch chuyển sang các khu vực lân cận, trong đó có Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh mới (Bình Dương cũ).
Ông Lê Minh Tuấn - Giám Đốc Kinh Doanh Big Four
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, khoảng 5 năm trước, khi thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh khan hiếm nguồn cung và giá tăng vọt, Bình Dương (cũ) – khu vực Đông Bắc hiện tại nổi lên như một điểm sáng với sự xuất hiện ngày càng nhiều dự án nhà ở, chung cư. Điều này đã thu hút dòng vốn đáng kể từ giới đầu tư cả Bắc và Nam.
Ngoài ra, Bình Dương cũ còn là lựa chọn hàng đầu của công nhân, chuyên gia và các nhà khoa học làm việc tại các khu công nghiệp địa phương nhờ vị thế và vai trò “thủ phủ công nghiệp” phía Nam. Hiện tại, so với nội đô TP. Hồ Chí Minh, giá bất động sản tại khu vực này vẫn còn "mềm", dao động từ 40 - 50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cũng theo ông Đính, con số này được dự báo sẽ không duy trì sau khi sáp nhập vào TP. Hồ Chí Minh. Sự thay đổi về hạ tầng, với các dự án kết nối ngày càng hoàn thiện, sẽ giúp việc di chuyển giữa Bình Dương cũ và TP. Hồ Chí Minh trở nên thuận tiện hơn rất nhiều, làn sóng nhập cư cùng với nội lực kinh tế sẵn có sẽ làm bật tăng giá trị đáng kể cho bất động sản.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng nhấn mạnh việc Bình Dương trở thành một phần của TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy giá trị bất động sản lên ngang tầm với các dự án nội đô TP. Hồ Chí Minh. Không chỉ về giá, chất lượng các dự án tại Bình Dương cũng sẽ được nâng cấp rõ rệt. Khi đó, các dự án sẽ phải đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều nhóm đối tượng khách hàng, không chỉ giới hạn ở các nhóm khách hàng như trước đây.