A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thương mại điện tử tăng trưởng từ 20-25%/năm, làm sao để chống thất thu thuế?

Thương mại điện tử Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20-25%/năm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng thất thu lớn từ những "ông lớn" như: Google, Facebook, YouTube… khi số thuế thu được chỉ quanh ngưỡng 1.000 tỷ đồng trong khi doanh thu của những doanh nghiệp này là hàng tỷ USD mỗi năm.

Tốc độ tăng trưởng TMĐT duy trì từ 20-25%/năm

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử  và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20-25%/năm, cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2023, theo thống kê của Bộ Công Thương thì quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Tỷ lệ này đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025.

TMĐT phát triển nhanh và mạnh đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển mô hình thương mại khá hiện đại trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 khi giãn cách xã hội và giảm sự tiếp xúc giữa các đối tượng. Đây là phương thức rất hiệu quả để có thể phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng cuối. Đồng thời, đây cũng là kênh để các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cũng như tăng sức cạnh tranh của mình trên thị trường trong và ngoài nước.

Thương mại điện tử tăng trưởng từ 20-25%/năm, làm sao để chống thất thu thuế?- Ảnh 1.

Tốc độ tăng trưởng TMĐT duy trì từ 20-25%/năm (Ảnh minh họa: KT)

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhanh đặt ra bài toán phải phát triển bền vững. Đó là bảo đảm được sự cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của chủ thể tham gia thị trường, đó là việc tuân thủ nghĩa vụ về thuế.

 

"Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, một trong những mấu chốt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý một cách toàn diện và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Hoạt động quản lý của chúng ta phải tận dụng tối ưu những công cụ trên môi trường trực tuyến, điện tử", bà Lại Việt Anh nhận định.

Thất thu lớn từ những "ông lớn" như: Google, Facebook, YouTube

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc làm sao thu đúng thu đủ, thu chính xác đối với hoạt động TMĐT trở thành khó khăn chung với hầu hết cơ quan thuế trên thế giới, kể cả những cơ quan thuế rất phát triển như Mỹ hay Liên minh châu Âu…

Hiện vẫn còn thất thu lớn từ những "ông lớn" như: Google, Facebook, YouTube… khi số thuế thu được chỉ quanh ngưỡng 1.000 tỷ đồng trong khi doanh thu của những doanh nghiệp này là hàng tỷ USD mỗi năm. Do đó, cần sớm hoàn thiện chính sách thuế là hết sức cần thiết.

Thương mại điện tử tăng trưởng từ 20-25%/năm, làm sao để chống thất thu thuế?- Ảnh 2.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, doanh thu từ những “ông lớn” ở thị trường nước ta là rất lớn, song lượng thuế họ nộp chưa tương xứng. Do đó, cần phải có cơ sở thống kê dữ liệu, các kho dữ liệu lớn và các phương pháp quản lý để từ đó có bằng chứng để có thể thu đúng, thu đủ về thuế. Việc hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay, và phải phù hợp với từng điều kiện và theo đúng thông lệ.

“Phải xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, kho dữ liệu. Vì kho này không chỉ phục vụ cho cơ quan thuế để thu đúng, thu đủ, mà còn phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như việc bảo vệ an sinh xã hội. Cho nên việc chúng ta xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng kho dữ liệu về thương mại điện tử là việc làm cần thiết và cấp bách. Tiếp theo là việc ứng dụng công nghệ, chúng ta phải dùng chính công nghệ mới và công nghệ số để quản lý hoạt động thương mại điện tử. Lúc đó chúng ta mới quản lý phù hợp và chặt chẽ. Ngoài ra, cần tuyên truyền để người kinh doanh chủ động nộp thuế đúng, đủ cho nhà nước. Đó là điều chúng ta phải thực thi”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nêu rõ.

Là đại diện đơn vị trung gian thanh toán và cung cấp các nền tảng thanh toán số khá đa dạng cho người dùng, đáp ứng hầu hết các nhu cầu của người dùng bao gồm, thanh toán trực tuyến trên các website điện tử, thanh toán qua thiết bị POS, thanh toán QR, Giám đốc Khối Doanh nghiệp VNPAY Trần Mạnh Nam cho rằng, việc phát triển của thanh toán điện tử luôn đi song hành với phát triển TMĐT. Trong 5 năm gần đây, thanh toán điện tử phát triển vượt bậc với rất nhiều các phương thức thanh toán. Người dân hiện nay có thể sử dụng thanh toán điện tử trong hầu hết các nhu cầu thanh toán của họ.

"Chúng ta nên bóc tách đâu là dòng tiền thương mại và dòng tiền phi thương mại của các chủ sở hữu để từ đó cơ quan thuế có thể xác định được đâu là trách nhiệm thuế, đâu là nghĩa vụ thuế của các đơn vị tham gia bán hàng", Giám đốc Khối Doanh nghiệp VNPAY Trần Mạnh Nam lập luận.

Chống thất thu thuế TMĐT thế nào?

Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn rất cần thiết. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng đó là một hệ thống phức tạp, đòi hỏi nghiệp vụ chi tiết. Là một đơn vị làm về công nghệ, VNPAY cho rằng, có thể chia công việc thành các giai đoạn khác nhau. Trong giai đoạn đầu tiên, có thể lựa chọn những thông tin cơ bản, thông tin đơn giản để có thể hình thành thông tin của một doanh nghiệp. Ví dụ như mã số thuế, tài khoản thụ hưởng, các thông tin liên quan... Từ đó, có các căn cứ cho cơ quan quản lý thuế có thể quản lý, nắm bắt được thông tin.

Nền kinh tế đang dịch chuyển từ những sản phẩm giá trị lớn sang những sản phẩm giá trị nhỏ, hoặc từ ngành hàng FMCG (ngành cung cấp toàn bộ các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày) sang một ngành hàng khác. Từ đó có những thông tin, những chia sẻ, những định hướng ngược lại cho doanh nghiệp.

Để tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế đầy đủ, cụ thể, áp dụng đối với từng chủ thể, nhằm đảm bảo phù hợp với các thông lệ quốc tế, phù hợp với các các đặc thù của Việt Nam.

Cần bổ sung quy định pháp luật theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, yêu cầu sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khấu trừ khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn triển khai thực hiện hoá đơn điện tử, đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia, kể cả trên hoạt động TMĐT lẫn trong hoạt động truyền thống, đồng thời cũng bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng khi có hoá đơn để có thể khiếu tố, phản hồi, từ đó bảo đảm cho hoạt động TMĐT tốt nhất.

Theo Diệp Diệp

VOV

 

Theo VOV Copy link

Link bài gốc Lấy link! https://vov.vn/kinh-te/thuong-mai-dien-tu-tang-truong-tu-20-25nam-lam-sao-de-chong-that-thu-thue-post1123784.vov

 
 
 
 
 
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật