Từ bỏ Phở 24, Jolibee vẫn lãi lớn tại Việt Nam với 157 cửa hàng đồ ăn nhanh trong khi nhiều "ông lớn fast food" khác chật vật cạnh tranh với bún, phở, bánh mỳ
Trang tin ABS CBN News dẫn lời Giám đốc tài chính JFC Richard Shin của Jollibee Foods Corp cho biết: Ngoài Mỹ và Trung Quốc, "thị trường lớn tiếp theo" bên ngoài Philippines là Việt Nam, nơi Jollibee có 157 cửa hàng "cực kỳ sinh lời".
"Về mặt nhân khẩu học, Việt Nam rất giống với Philippines. Dân số Việt Nam rơi vào khoảng 100 triệu người, độ tuổi trung bình rất trẻ, nền kinh tế của họ đang hoạt động rất tốt về mặt sản xuất và các hình thức thương mại khác. Mặc dù Việt Nam không quan trọng về mặt chiến lược dài hạn như Mỹ và Trung Quốc, nhưng chúng tôi coi Việt Nam là một thị trường thực sự phù hợp ”, Giám đốc Tài chính JFC Richard Shin của JFC chia sẻ.
Jollibee chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam từ 2005. Số lượng cửa hàng mở mới liên tục, tính đến tháng 12/2021, Jolibee đã có 149 cửa hàng trên cả nước.
Vậy đâu là bí quyết thành công của Jolibee tại một thị trường mà khách hàng có quá nhiều sự lựa chọn về ẩm thực như bún, miến, phở, bánh mỳ,... và không quá mặn mà với thức ăn nhanh?
Menu được "địa phương hóa" để phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam
Thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam chưa bao giờ “giảm nhiệt” cạnh tranh khi có nhiều thương hiệu gia nhập sân chơi với quy mô chuỗi cửa hàng lớn mạnh và chiến lược kinh doanh liên tục thay đổi. Những tên tuổi nổi tiếng có thể kể đến như KFC, Lotteria, McDonald’s, Burger King, Popeyes, Papa’s Chicken, Texas Chicken…
Không chỉ cạnh trạnh trong cuộc đua mở chuỗi, các “ông lớn” ngành thức ăn nhanh còn phải lấy được cảm tình của khách hàng bằng việc điều chỉnh menu phù hợp với khẩu vị, hay nói cách khác là "địa phương hóa" các sản phẩm.
Với sản phẩm không có gì quá khác biệt về hương liệu như gà rán, burger, mỳ Ý, các thương hiệu nhỏ hơn rất dễ đi vào lối mòn, núp sau cái bóng quá lớn của những thương hiệu đi trước, đặc biệt là những tên tuổi lớn như KFC hay Lotteria, McDonald’s.
Vậy nhưng, cũng bắt đầu bằng hình ảnh chuỗi cửa hàng kinh doanh gà rán nhưng Jollibee lại khôn khéo điều chỉnh mùi vị, gia vị để phù hợp với khẩu vị Việt và có được lượng khách hàng riêng cho mình. Thương hiệu này cũng cho ra những sản phẩm "cơm" phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam như cơm cá rán, gà rán,...
“Khi chúng tôi gia nhập một thị trường mới, chúng tôi mang đến đó những sản phẩm nổi tiếng nhất của mình: gà rán, mỳ spaghetti và bánh burger ”, ông Francis Flores – Giám đốc Tiếp thị Toàn cầu của Jollibee chia sẻ “ Qua thời gian, chúng tôi sẽ bổ sung những món ăn đậm chất địa phương. Tại Việt Nam, chúng tôi có gà giòn cay, còn ở Brunei chúng tôi có cơm nasi lemak”.
Ngoài ra, so với hai đối thủ trong mảng fast-food là KFC và McDonald’s thì giá cả sản phẩm của Jollibee thấp hơn nên phù hợp được với mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam hơn.
Jolibee nhắm tới một đối tượng khách hàng đặc biệt: "trẻ em". Đây là điều khác biệt trong chiến lược marketing và kinh doanh của Jolibee khi "lôi kéo" các em nhỏ. Thu hút được các em, đồng nghĩa hãng cũng mở được hầu bao của các vị phụ huynh.
Tại các cửa hàng Jolibee, có khu vực cho trẻ em vui chơi. Những bức tượng chú ong với kích thước tương đương với một người lớn luôn được trưng bày trong tất cả các cửa hàng của Jolibee.
Chính sự nổi tiếng của nhân vật hoạt hình chuột Mickey là nguồn cảm hứng cho kế hoạch này, Flores cho biết: “ Tony (Tony Tan - Người sáng lập thương hiệu) luôn nỗ lực tìm ra hình ảnh đại diện cho thương hiệu Jollibee và Disney là cái tên nổi tiếng nhất lúc bấy giờ”.
Các chiến dịch marketing của thương hiệu được xây dựng đồng nhất, tập trung vào trẻ em và xoay quanh nhân vật chú ong Jolibee.
Không chỉ ở quê hương Philippines, tại Việt Nam, Jollibee cũng thành công với chiến lược này. Nhà hàng có chú ong đáng yêu được nhiều gia đình chọn làm nơi tổ chức tiệc sinh nhật cho các bé.
Sở hữu nhà máy sản xuất riêng biệt: Jollibee là một trong số ít các công ty QSR tại Việt Nam (Quick Serving Restaurant, chuỗi nhà hàng phục vụ nhanh) sở hữu nhà máy sản xuất riêng biệt với công suất lớn.
Hệ thống nhà máy cung ứng của Jollibee được xây dựng và đặt tại khu công nghiệp Tân Kim mở rộng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An từ năm 2019 với tổng diện tích mặt sàn hơn 10. 000 m2 bao gồm hệ thống kho bảo quản khổng lồ, kết hợp trang thiết bị hiện đại với: kho lưu trữ nguyên vật liệu, kho cấp đông thực phẩm, kho lưu trữ thực phẩm đông lạnh.
Cùng với hệ thống kho, Jolibee sở hữu chuỗi 4 dây chuyền sản xuất công suất lớn gồm: dây chuyền chế biến gà, chế biến sốt mì Ý, chế biến bột và bánh.
Chia sẻ với truyền thông, ông Lâm Hồng Nguyễn - Tổng giám đốc Jollibee Việt Nam cho biết, trang thiết bị được sử dụng trong kho và hệ thống dây chuyền đều là các loại máy móc, trang thiết bị tiên tiến và hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời công suất sản xuất lên tới 20 tấn một ngày. Với dây chuyền cung ứng này, nhà máy có khả năng cung cấp liên tục đến hơn 400 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.