Vì sao sếp Masan tự tin: Nếu một công ty có thể đưa thực phẩm Việt Nam ra ngoài thế giới thì Masan có thể làm điều đó tốt nhất?
Chìa khóa giúp Masan Consumer phát triển sản phẩm liên tục suốt 2 thập kỉ là gì?
Điều đặc biệt đây là sản phẩm lẩu tự sôi, không cần nước nóng, bếp gas, không cần đồ khô, chỉ cần đổ nước lọc vào gói sản phẩm, trong thời gian 5-10 phút nồi lẩu sẽ "tự sôi".
Sản phẩm vừa được Masan Consumer nghiên cứu phát triển thành công và sẵn sàng để thương mại hóa. Mà như ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần CrownX giới thiệu, đây sẽ là một trong những sản phẩm xuất khẩu để hiện thực hoá mục tiêu đưa thực phẩm VN ra ngoài thế giới.
Ông Thắng cho biết, sắp tới Masan Consumer sẽ cung cấp cho người tiêu dùng toàn cầu các sản phẩm bún, cháo, phở, hủ tiếu,... Việt Nam mà không cần phải đun nấu, giữ nguyên toàn bộ hương vị với công nghệ mới này của Masan. Sản phẩm này đã nhận được đơn đặt hàng xuất sang Nhật Bản.
Đây là lần đầu tiên có doanh nghiệp VN đã dùng cách làm này để nâng tầm và đưa thực phẩm truyền thống của Việt Nam đi xa hơn, tiếp cận với các thị trường nước ngoài. Trước đó, những sản phẩm thực phẩm cơm, lẩu tự sôi đều được sản xuất hầu hết từ Đài Loan, Trung Quốc.
Ra đời đầu những năm 2000s, CTCP hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer (MSC) là một trong những công ty sản xuất thực phẩm và đồ uống hàng đầu Việt Nam. Sau 2 thập kỷ phát triển, những chai tương ớt, nước mắm, nước tương, mì gói, cà phê hay nước ngọt của MSC đã len lỏi tới căn bếp của hầu hết các hộ gia đình Việt và trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước.
Năm 2022, MSC đạt doanh thu 26.977 tỷ đồng và 5.533 tỷ đồng lợi nhuận thuần sau thuế, chủ yếu đến từ bán nước tương, nước mắm, tương ớt,... 3 trụ cột đóng góp doanh thu nhiều nhất cho MSC bao gồm:
- Ngành hàng gia vị (nước tương, nước mắm, tương ớt,...): doanh thu 10.028 tỷ đồng;
- Ngành hàng tiện lợi (mì tôm,...): doanh thu 7.551 tỷ đồng;
- Ngành hàng đồ uống đóng chai (nước tăng lực, cà phê,..): doanh thu 3.968 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, mục tiêu của Masan Consumer trong 5 năm từ 2023-2027 là đạt doanh thu từ 80.000 - 100.000 tỷ đồng, trong đó 85% từ nội địa và 15% xuất khẩu.
Vươn ra thị trường nước ngoài, Masan Consumer ghi dấu ấn với các sản phẩm chủ lực Omachi, Vinacafe, Chinsu. Tuy nhiên, hiện "global bussiness" (mảng xuất khẩu) mới chiếm từ 3 đến 4% trong tổng doanh thu, Masan Consumer đặt mục tiêu đến 2027, doanh thu xuất khẩu sẽ chiếm 15% trong tổng doanh thu.
Theo ông Thắng phân tích, muốn phát triển ở thị trường quốc tế, Masan Consumer sẽ khó ở những sản phẩm như hóa mỹ phẩm, đồ uống,... mà sẽ có thế mạnh ở những sản phẩm như gia vị (nước mắm, tương ớt,...), đồ ăn, cà phê...
"Nếu một công ty có thể đưa thực phẩm Việt Nam ra ngoài thế giới thì chúng ta có thể làm điều đó tốt nhất ", ông Trương Công Thắng tự tin nói.
Chìa khóa giúp Masan Consumer phát triển sản phẩm liên tục suốt 2 thập kỉ là gì?
Có nhiều điều để nói về sức mạnh của MSC, nhưng tựu trung lại, Masan Consumer đang sở hữu 3 thế mạnh nổi bật làm nên thành công: Sản phẩm - Bán hàng - Phát triển.
Sản phẩm: Tiến hóa liên tục, chủng loại phong phú
Điểm mạnh nhất khi nói đến sản phẩm của Masan, không phải là vấn đề hương vị đặc biệt hay giá rẻ, mà là sự phong phú.
Với hệ sinh thái rộng, MSC đã cho ra đời đủ những sản phẩm thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của người Việt, bao gồm: nước tương, nước mắm, tương ớt, thực phẩm tiện lợi, cháo, xúc xích, cà phê hòa tan, ngũ cốc dinh dưỡng, nước uống đóng chai.
Mới đây, với sự tham gia vào thị trường chăm sóc cá nhân gia đình, MSC ra mắt cả các sản phẩm hóa mỹ phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình.
Nói đến dải sản phẩm rộng, không chỉ nhắc đến sự phong phú về chủng loại, hương vị phù hợp với nhiều khẩu vị khác nhau mà các sản phẩm của MSC còn phủ rộng ở các mức giá, tương ứng các phân khúc khách hàng khác nhau.
Bên cạnh những hộp mỳ vài chục nghìn đắt đỏ, MSC cũng cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm mì gói chỉ vài nghìn đồng, tương đương với những thương hiệu bình dân.
"Ông lớn" này đã không bỏ qua các khách hàng ở khu vực nông thôn với khả năng chi trả thấp hơn. Masan Consumer cho biết, họ đã thành công khi phục vụ khu vực nông thôn, nơi có gần 70% dân số Việt Nam đang sinh sống.
"Chúng tôi cũng có mạng lưới phân phối rộng khắp Việt Nam, và kết quả là có 98% hộ gia đình Việt Nam có ít nhất một sản phẩm của Masan (Kantar Worldpanel)" - Báo cáo thường niên 2022 của MSC viết.
Bán hàng: Mạng lưới phân phối lớn mạnh hàng đầu Việt Nam
Masan Consumer là công ty đang vận hành một trong những mạng lưới phân phối thực phẩm và đồ uống lớn nhất tại Việt Nam. Điều này rất quan trọng vì gần 70% dân số Việt Nam hiện sinh sống ở vùng nông thôn và ngành bán lẻ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào kênh bán hàng truyền thống.
Đầu tiên phải nói đến lợi thế phân phối của MSC đến từ việc họ là một phần của The CrownX Corporation, nền tảng bán lẻ - tiêu dùng của Tập đoàn Masan. CrownX là chủ sở hữu của CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce, đơn vị điều hành hệ thống siêu thị WinMart và các cửa hàng nhỏ WinMart+.
Bên ngoài WinMart và WinMart+, Masan Consumer cũng đang làm tốt về phân phối. Hiện MSC là một trong số ít các công ty sở hữu hệ thống phân phối cho cả ngành thực phẩm lẫn đồ uống.
MSC cho biết, họ đã phát triển khoảng 300.000 điểm bán lẻ, trong đó có 194.000 điểm cho tất cả các dòng hàng do Masan Consumer sản xuất và kinh doanh với gần 2.700 nhân viên bán hàng.
Phát triển: Đổi mới sáng tạo liên tục
Sở hữu nhà máy hiện đại, hệ thống phân phối rộng khắp với người anh em cùng hệ sinh thái Wincomerce, MSC còn nắm trong tay một "vũ khí" cực kỳ quan trọng, đó là đội ngũ Nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) hùng hậu.
Tập trung vào công tác này, MSC tin tưởng đội ngũ R&D sẽ luôn là trụ cột dẫn dắt các phát kiến mới và là động lực phát triển của DN.
Chỉ riêng trong năm 2022, đội ngũ R&D của MSC đã cho ra đời hơn 30 sản phẩm mới, trong đó có nhiều sản phẩm mang tính đột phá và đóng góp trong việc tăng trưởng doanh thu của công ty.
Thành công của Masan Consumer không thể không nhắc tới vai trò của ông Trương Công Thắng. Ông Thắng từng giữ chức Tổng giám đốc Masan Consumer từ năm 2007. Đến năm 2014, ông xin từ chức vì lý do cá nhân. Tại Masan, ông Thắng được ví như người hùng có công đưa Masan Consumer trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất nhì thị trường hàng tiêu dùng nhanh, gây ấn tượng với các dòng sản phẩm chính là gia vị (thương hiệu Chinsu, Tam Thái Tử, Nam Ngư...), mì ăn liền (thương hiệu Kokomi và Omachi) và đồ uống (Vĩnh Hảo, Vinacafé).
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, ông Thắng chính là nhân tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi thành công nhiều ngành hàng FMCG từ mô hình hàng hóa sang xây dựng các thương hiệu Việt vững mạnh, không những ở thị trường nội địa mà còn vươn đến các thị trường nước ngoài.
Với những nỗ lực cải tiến không ngừng để phục vụ khách hàng tốt hơn, năm nay, Masan Consumer là một trong những đại diện tiêu biểu lọt Top đề cử hạng mục "Thương hiệu phát triển bền vững nhờ đổi mới sáng tạo" thuộc Better Choice Awards.