A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vượt qua rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam

TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ về thách thức và cơ hội, đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyên đề quan trọng về định hướng phát triển của đất nước: Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; Tổng Bí thư yêu cầu, đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.

Tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng mà các nước trên thế giới và Việt Nam đều chú trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm để đạt mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh. Bên cạnh nguồn tài chính phục vụ cho tăng trưởng xanh như từ ngân sách nhà nước hay các nguồn vốn vay, hỗ trợ từ các nước, hay các định chế, tổ chức tài chính quốc tế; để phát triển thị trường tài chính xanh thì Việt Nam cần phát triển song hành cả thị trường vốn xanh và thị trường tín dụng xanh.

Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về vấn đề thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Ông đánh giá ra sao về dư nợ tín dụng xanh cũng như số lượng các tổ chức tín dụng tham gia cho vay đối với lĩnh vực này? Thực tiễn hoạt động tín dụng xanh đã được các hội viên của hiệp hội triển khai ra sao thưa ông?

Ngân hàng Nhà nước đã tiên phong triển khai các kế hoạch hành động, thực hiện chính sách Chính phủ ban hành nhằm thúc đẩy tín dụng xanh. Một dấu mốc quan trọng là việc ban hành Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường và xã hội, với lộ trình 15 năm, từ năm 2017, tạo nền tảng để các tổ chức tín dụng (TCTD) sử dụng làm cơ sở cho vay, đặc biệt trong các lĩnh vực xanh.

Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các TCTD đã chủ động xây dựng các kế hoạch nội bộ, hoàn thiện tiêu chí và quy trình để tăng cường đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường. Kết quả đạt được đến nay là có 50 TCTD tham gia cấp tín dụng xanh với tổng dư nợ gần 680 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh bình quân đạt 22% mỗi năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của tín dụng kinh tế. Đặc biệt, năm 2023, tốc độ này đạt mức cao kỷ lục 24%.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, các ngân hàng như BIDV, Agribank, Techcombank, VietinBank, và VPBank đã tích cực thúc đẩy các dự án xanh. Một số ngân hàng còn mời chuyên gia để xây dựng tiêu chuẩn nội bộ về tín dụng xanh. Ví dụ, BIDV không chỉ tiên phong trong việc cấp vốn mà còn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường ngay từ thương hiệu và các hoạt động cộng đồng.

Tuy nhiên, nhìn lại từ năm 2017, số lượng TCTD tham gia lĩnh vực tín dụng xanh đã tăng trưởng mạnh mẽ, từ 15 lên 50 tổ chức. Điều này cho thấy sự chuyển đổi nhận thức của các tổ chức tài chính cũng như toàn xã hội. Sự thay đổi trong cách tiêu dùng và sản xuất sau đại dịch Covid- 19 cũng góp phần thúc đẩy xu hướng này. Người dân và doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến các sản phẩm bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, khiến các ngân hàng phải điều chỉnh chiến lược tín dụng để phù hợp với các tiêu chí toàn cầu.

Trong thời gian tới, ngành ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh cấp vốn cho các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, và kinh tế tuần hoàn. Từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, mọi giai đoạn đều phải đảm bảo tiêu chí xanh và sạch, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để ngành ngân hàng góp phần đạt mục tiêu cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
Thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững

Mặc dù luôn khuyến khích nhà băng cấp tín dụng xanh, nhưng trên nghị trường Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng từng thừa nhận có nhiều khó khăn khi đẩy vốn vào lĩnh vực này. Từ thực tế của các tổ chức tín dụng hội viên, ông có thể chia sẻ những khó khăn mà các ngân hàng gặp phải khi triển khai cấp tín dụng xanh, trong đó có tín dụng cá nhân?

Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự chú trọng vào việc đảm bảo rằng sản phẩm mà họ mua thực sự đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và bảo vệ môi trường. Chúng ta không thể chỉ dựa vào các cam kết về tính “sạch” của sản phẩm mà phải có các cơ quan chức năng xác nhận để đảm bảo tính chính xác. Ví dụ, khi một khách hàng vay vốn để mua xe điện hoặc máy điều hòa tiết kiệm năng lượng, họ cần được bảo đảm rằng sản phẩm này không chỉ đạt tiêu chuẩn về hiệu suất mà còn đảm bảo rằng chất thải từ sản phẩm không ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, đây không chỉ là trách nhiệm của các tổ chức tín dụng hay ngân hàng mà còn là một phần của chiến lược tổng thể mà Chính phủ đã triển khai.

Đặc biệt, việc triển khai các kế hoạch hành động liên quan đến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là một trong những ưu tiên trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy vậy, việc đưa các chính sách vào thực tế vẫn còn gặp một số khó khăn, nhất là trong việc triển khai các cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Để đạt được tiêu chuẩn sản phẩm xanh, doanh nghiệp cần đáp ứng những yêu cầu rất cao về chi phí và kỹ thuật. Các cơ chế chính sách cần phải đồng bộ và hiệu quả để không chỉ giúp các doanh nghiệp này duy trì hoạt động mà còn giúp họ tăng trưởng bền vững.

Các ngân hàng thương mại có vai trò rất lớn trong việc tài trợ cho các dự án sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc làm sao để có những chính sách tài chính hợp lý giúp người dân tiếp cận được các sản phẩm này, đặc biệt là những sản phẩm bảo vệ môi trường nhưng vẫn phù hợp với khả năng tài chính của người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và chính phủ để đảm bảo tính khả thi và bền vững của các chương trình này.

Ngoài ra, việc cải thiện cơ chế cho vay và các ưu đãi tài chính là rất quan trọng. Các tổ chức tín dụng cần thiết lập các tiêu chí rõ ràng và xây dựng quy trình nội bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc tiếp cận nguồn vốn. Đặc biệt, cần có những cơ chế hỗ trợ thuế, kỹ thuật, và các loại hình chính sách đặc thù để thúc đẩy đầu tư vào sản phẩm xanh.

Trong thời gian tới, với sự thay đổi mạnh mẽ trong các chính sách và sự tham gia tích cực từ các tổ chức tín dụng, tôi tin rằng sẽ có những chương trình và chiến lược phù hợp để nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm bảo vệ môi trường, từ đó thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, không chỉ cần sự tham gia của các tổ chức tín dụng mà còn cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để xây dựng một hệ sinh thái bền vững cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Tóm lại, bảo vệ người tiêu dùng không chỉ là việc cung cấp các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn mà còn phải có sự đồng bộ giữa các chính sách, cơ chế tài chính và quản lý môi trường. Chúng ta cần một chiến lược tổng thể, trong đó các bên liên quan đều có trách nhiệm và hành động cụ thể để tạo ra một nền kinh tế phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và quyền lợi của người tiêu dùng.

Để tài chính xanh nói chung và tín dụng xanh phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, từ thực tế các tổ chức tín dụng hội viên, ông có đề xuất gì với Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về ngành Ngân hàng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hay chính những cơ sở đào tạo?

Thực tế cho thấy, mặc dù đã có nhiều văn bản, nhưng vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết. Đầu tiên, tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan triển khai kế hoạch cụ thể và xây dựng danh mục, chỉ tiêu rõ ràng đối với các sản phẩm xanh. Danh mục và tiêu chí này phải được xác định một cách minh bạch và đầy đủ, không thể để tình trạng thiếu rõ ràng như hiện nay.

Các bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương cũng cần xây dựng những tiêu chí cụ thể, không chỉ là những quy định chung chung mà phải đáp ứng những yêu cầu về minh bạch và rõ ràng. Ngoài ra, việc có một chính sách đồng bộ và nhất quán, đặc biệt liên quan đến thuế và các vấn đề kỹ thuật, là rất cần thiết.

Không chỉ là vấn đề của các doanh nghiệp lớn, mà cả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng cần có các sản phẩm xanh, từ hạt giống, phân bón đến thuốc trừ sâu hay nuôi trồng thủy sản. Các sản phẩm này từ khâu đầu vào đến kỹ thuật sản xuất đều cần có tiêu chí rõ ràng để đảm bảo chất lượng và xuất xứ. Để làm được điều này, không thể chỉ giao trách nhiệm cho một bộ, ngành mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan.

Thêm vào đó, việc thanh tra, kiểm tra quy trình và tiêu chí sản phẩm xanh cũng cần được thực hiện ngay từ khâu đầu tiên, với sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan có thẩm quyền. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành để có thể triển khai hiệu quả các kế hoạch này, và đồng thời, chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc để đảm bảo rằng các tiêu chí và danh mục sẽ được thực thi ở cấp cơ sở.

Một điều quan trọng không kém là việc nâng cao nhận thức cộng đồng. Các chương trình truyền thông cần phải được tổ chức để người dân hiểu rõ về lợi ích của việc sử dụng sản phẩm xanh và tiêu dùng bền vững. Chính phủ cần phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp và tổ chức xã hội để tuyên truyền sâu rộng về vấn đề này, đặc biệt là trong các cộng đồng, thôn xóm, nơi mà người tiêu dùng có thể chưa nhận thức rõ về sự thay đổi trong cách tiếp cận sản phẩm bền vững.

Để đạt được mục tiêu này, tôi cũng đề xuất các cơ chế hỗ trợ cụ thể từ Chính phủ, ví dụ như việc tạo ra các chính sách ưu đãi, giảm thuế cho những doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xanh, cũng như hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng để cho vay lãi suất thấp đối với những doanh nghiệp này.

Cuối cùng, để triển khai hiệu quả các chiến lược này, tôi nghĩ rằng cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, chính quyền địa phương, và các tổ chức tín dụng, nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc phát triển tiêu dùng xanh. Đây không chỉ là nhiệm vụ của một bộ, ngành nào mà là một chiến lược toàn diện, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các bên để hướng tới một xã hội bền vững và bảo vệ môi trường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật