Các tỉnh, thành phố miền Trung chủ động đối phó với cơn bão số 6
Hiện các tỉnh, thành phố miền Trung vừa phải khắc phục hậu quả của đợt lũ trước đó vừa lo ứng phó với triều cường và bão số 6 sắp đổ bộ vào. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang, người dân miền Trung đang nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định lại cuộc sống.
Nỗ lực khắc phục hậu quả mưa bão
Hoàn lưu bão số 5, kết hợp không khí lạnh đã gây mưa rất lớn tại một số địa phương khu vực Trung Bộ, đặc biệt là tại thành phố Ðà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam...
Mưa lũ đã làm một số người chết và mất tích, hàng chục nghìn nhà dân ngập sâu, sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi, hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học bị thiệt hại nặng nề.
Đợt mưa bão kéo dài vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh, thành phố miền Trung |
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cập nhật đến 17 giờ ngày 17/10, số người chết do ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở đất lại tăng lên, đưa tổng số người thiệt mạng là tám người, trong đó TP Đà Nẵng: Bốn người, tỉnh Quảng Nam: Một người, tỉnh Thừa Thiên-Huế: Hai người, tỉnh Quảng Trị: Một người.
Ngoài ra, 2 điểm sạt lở lớn gây tắc đường (Km32+200 quốc lộ 9C, tỉnh Quảng Bình, quốc lộ 15D đi Cửa khẩu Quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị), hiện Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đang tổ chức khắc phục.
Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quyết đinh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục hư hỏng hạ tầng giao thông do bão số 5 và các đợt mưa lũ.
Sáng 17/10, tại Huế, Ðoàn Thanh niên, các lực lượng công an, quân đội và dân quân tự vệ cùng người dân chung sức, dùng máy bơm công suất lớn để xịt bớt bùn đất trên đường.
UBND thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, trong ngày 17/10, chính quyền địa phương phối hợp cùng cơ quan chức năng huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên xã đảo Tân Hiệp khẩn trương khắc phục sạt lở đường giao thông. Các đợt mưa lớn vừa qua đã làm cho tuyến đường giao thông trên đảo bị sạt lở, kéo dài.
Cũng trong ngày 17/10, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục huy động máy móc, nhân công tiến hành khắc phục các điểm sạt lở trên bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Ngành Giao thông vận tải TP Đà Nẵng đã huy động 100% lực lượng đi rà soát hiện trạng các tuyến đường đang khai thác, triển khai công tác khắc phục, cảnh báo giao thông và phối hợp với các lực lượng chức năng khác thông tuyến tạm thời.
Hậu quả chưa được khắc phục xong thì nguy cơ một đợt thiên tai mới lại ập tới. Trong lúc người dân đang khắc phục hậu quả sau mưa bão số 5 thì bão số 6 cũng đang tiến gần hơn các tỉnh miền Trung.
Chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 6
Các tỉnh, thành phố miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ và triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với bão số 6.
Để chủ động ứng phó với bão số 6, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai-Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành chỉ đạo thực hiện việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão, để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 6. |
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã có công điện 11/CĐ-BCH yêu cầu các địa phương trong tỉnh chủ động ứng phó diễn biến của bão số 6.
Tại thị xã Cửa Lò, trong sáng 17/10 đã cho lực lượng chức năng kiểm tra rà soát và liên hệ với các chủ phương tiện tàu thuyền gần bờ và trên biển, thực hiện việc chủ động neo đậu, tránh trú an toàn, theo dõi sát thông tin bão và cập nhật thường xuyên thông tin với địa phương.
Ngày 17/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh TT-Huế phát công điện khẩn gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương yêu cầu chủ động, sẵn sàng ứng phó với bão số 6; khẩn trương khắc phục thiệt hại mưa lũ.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 17/10, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương đã thông báo, kiểm đếm 59.719 tàu/270.561 ngư dân biết diễn biến của bão số 6.
Hiện có 12 tàu của Quảng Ngãi/107 ngư dân đang hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão số 6 trong 24-48 giờ tới. Các lực lượng chức năng đang tiếp tục kêu gọi, thông báo các tàu thuyền ở khu vực nguy hiểm vào tránh trú tại nơi an toàn.
Tại Quảng Bình, người dân tại 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy đang tích cực khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời sẵn sàng ứng phó với bão số 6.
Chính quyền tỉnh này cũng đã chỉ đạo các địa phương cần phát huy tính hiệu quả phương án "4 tại chỗ", tránh bị động trước các tình huống bất ngờ có thể xảy ra, với phương châm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của người dân.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 18-19/10, bão số 6 có khả năng duy trì cường độ hiện tại trong 12 giờ tới, sau đó có khả năng suy yếu dần.
Về lũ, hiện tại, lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đang lên; riêng lũ trên sông Bồ đang lên nhanh theo điều tiết xả của thủy điện Hương Điền; mực nước trên các sông ở Quảng Bình và Quảng Trị.
Dự báo lũ trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu và sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn có khả năng đạt đỉnh, sau xuống dần. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam.
Lực lượng chức năng cũng yêu cầu người dân thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão; gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; xác định ví trí an toàn để trú ẩn; chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, vùng ven biển, cửa sông đề phòng nước dâng; dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ để dùng ít nhất 7 ngày.