USD tăng vọt, giá vàng giảm sâu
USD tăng lên gần sát mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ trong bối cảnh các nhà đầu tư giữ vững kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất mạnh mẽ khác của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – cuộc họp thu hút sự chú ý nhất trong số các cuộc họp của các ngân hàng trung ương trong tuần này.
Fed bắt đầu cuộc họp hai ngày vào thứ Ba (20/9). Các nhà giao dịch tiền tệ nhận định có 81% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, và có 19% dự báo lãi suất sẽ tăng mạnh hơn, thêm 100 điểm cơ bản.
Chỉ số Dollar index (DXY) đang trên đà tăng tuần thứ 5 trong vòng 6 tuần gần đây. Lúc kết thúc ngày 20/9 theo giờ Việt Nam, DXY tăng 0,5% lên 110,04, không còn xa so với mức 110,79 đạt được vào đầu tháng này – mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 2002.
Karl Schamotta, chiến lược gia trưởng phụ trách mảng thị trường của Corpay ở Toronto, cho biết: "Các nhà giao dịch và nhà đầu tư đang mua (USD) vào, nhận thức rằng đồng đô la đang hoạt động như một lực lượng tự nhiên và không sẵn sàng đối mặt với những bất thường của nó".
"Điều này có nghĩa là - không gì có thể ngăn USD tăng giá từ nay đến thứ Tư (21/9), và đồng bạc xanh có khả năng tuân theo định luật đầu tiên của Newton: một vật thể đang chuyển động sẽ tiếp tục chuyển động cho đến khi bị ngoại lực tác động."
Thị trường hôm thứ Ba (20/9) cũng bị "rung chuyển" bởi ngân hàng trung ương của Thụy Điển (Riksbank) tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm. Việc Riksbank tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến của các nhà phân tích khiến đồng tiền Thụy Điển tăng vọt so với đồng euro và đô la trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, đồng krona không giữ lâu được đà tăng đó. Đồng euro đã lấy lại xu hướng tăng gần đây khi vọt lên mức cao nhất mới trong vòng 6 tháng so với krona, là 10,859 krona/euro, kết thúc ngày 20/9 vẫn tăng 0,6% so với phiên liền trước, lên 10,8643 krona. USD cũng tăng 0,6% lên 10,8764 krona.
Francesco Pesole, chiến lược gia tiền tệ của ING cho biết: "Đây là một nỗ lực của Riksbank để nâng đồng krona, nhưng họ đã thất bại và không có gì đáng ngạc nhiên".
Ông cho biết mối quan hệ giữa tiền tệ châu Âu và các chính sách của ngân hàng trung ương đã bị phá vỡ khi các thị trường ngày càng giao dịch dựa trên triển vọng của ngành năng lượng và tăng trưởng của châu Âu.
Các ngân hàng trung ương nâng lãi suất để chống lại lạm phát.
Một yếu tố nữa hỗ trợ xu hướng tăng của đồng USD, đó là lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm – vốn nhạy cảm với kỳ vọng chính sách lãi suất, đã tăng cao tới 3,992%, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2007.
Đồng euro EUR đã giảm 0,4% so với USD, xuống 0,9981 USD vào lúc kết thúc ngày 20/9 theo giờ Việt Nam, sau khi có lúc chạm mức thấp như hôm 6/9 (hôm đồng euro lần đầu tiên chạm mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ), là 0,9864 USD; trong khi bảng Anh giảm 0,2% xuống 1,1402 USD.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ quyết định chính sách tiền tệ vào thứ Năm (22/9) và các nhà đầu tư đang phân tích xem BoE sẽ nâng lãi suất thêm 50 hay 75 điểm cơ bản.
Tuần này được cho là một tuần lễ quan trọng đối với bảng Anh. Đồng tiền này cũng phải đối mặt với một "sự kiện tài chính" từ Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng, dự kiến vào thứ Sáu, nơi ông sẽ cung cấp thêm chi tiết về quy mô của gói hỗ trợ năng lượng của chính phủ.
Theo dữ liệu của Refinitiv, thị trường tiền tệ hoàn toàn nhận định BoE sẽ tăng lãi suất nửa điểm phầ trăm; có 75% dư đoán lãi suất sẽ tăng thêm nữa.
Đồng bảng Anh đã giảm hơn 15% so với đồng bạc xanh trong năm nay, trên đà cho năm tồi tệ nhất của đồng tiền nà so với đồng đô la kể từ năm 2016, năm diễn ra cuộc trưng cầu Brexit.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng họp trong tuần này nhưng được cho là sẽ giữ nguyên các biện pháp kích thích cực kỳ lỏng lẻo - bao gồm cả việc ghim lợi suất 10 năm gần bằng 0 - để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế mong manh.
Đồng yen từ lâu đã chịu áp lực bởi chính sách này, và đồng USD đã tăng 0,4% so với yen Nhật trong phiên vừa qua, lên 143,78 JPY, tiếp tục xu hướng tăng kéo dài, một tuần sau khi đạt mức cao nhất trong vòng 24 năm, là 144,99 JPY.
Cặp tiền đô la Mỹ - yên Nhật có xu hướng theo dõi chênh lệch lợi suất dài hạn giữa trái phiếu chính phủ Mỹ và Nhật Bản, và do đó ít bị ảnh hưởng bởi dữ liệu cho thấy lạm phát đang ở mức nóng, ít nhất là theo các điều khoản của Nhật Bản.
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Nhân dân tệ của Trung Quốc một lần nữa giảm so với đồng USD, với tỷ giá trung tâm chạm mức thấp nhất trong 25 tháng, do việc Mỹ sắp tăng lãi suất có nguy cơ làm suy yếu đồng tiền Trung Quốc trong bối cảnh tăng trưởng ảm đạm.
Đồng nhân dân tệ phiên vừa qua giảm xuống 7,0091 CNY/USD, thấp hơn 43 pip so với đóng cửa phiên trước.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin duy trì ở mức thấp, khoảng 19.000 USD.
Giá Bitcoin ngày 20/9.
Giá vàng giảm mạnh trong phiên này khi USD và lợi suất kinh doanh ổn định. Các nhà đầu tư tăng gấp đôi vị thế mua vàng trước khi Fed công bố một đợt tăng mạnh lãi suất , trong tuần này.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 20/9 theo giờ Việt Nam giảm 0,6% xuống 1.664,74 USD, gần mức thấp nhất 29 tháng chạm tới vào tuần trước. Giá vàng giao sau tuần trước đã chạm mức thấp nhất 29 tháng.
Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất ít nhất 75 điểm cơ bản khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào thứ Tư. Các ngân hàng trung ương khác cũng được cho là sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Thụy Điển đã nâng lãi suất thêm một điểm phần trăm vào thứ Ba. Anh, Na Uy, Thụy Sĩ và Nhật Bản cũng tổ chức các cuộc họp chính sách tiền tệ trong tuần này. Tất cả những yếu tố đó sẽ đều tác động đến giá vàng.
Tham khảo: Refinif, Coindesk