Yếu tố nào có thể đẩy giá vàng chạm ngưỡng 2.000USD/ounce trong thời gian tới?
Sau khi trải qua khoảng thời gian rất được chuộng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, sự tăng giá của đồng USD đang hạn chế bớt sự lên giá của vàng.
Giá vàng thử thách với ngưỡng quan trọng trong tuần vừa rồi trong con đường hướng tới mốc 2.000USD/ounce, tuy nhiên một trong những thách thức lớn nhất chính là đồng USD mạnh, theo nhận định của các chuyên gia phân tích.
Bất chấp đợt bán mạnh trong ngày giao dịch cuối cùng của tuần vừa rồi, tính cả tuần, giá vàng vẫn tăng hơn 1,5%. Giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 6/2022 giao dịch lần gần nhất ở mức 1.974,6ÚD/ounce sau khi vượt mức 1.985USD/ounce ngày liền trước đó.
Sau khi trải qua khoảng thời gian rất được chuộng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, sự tăng giá của đồng USD đang hạn chế bớt sự lên giá của vàng. Chỉ số đồng USD vượt ngưỡng tâm lý quan trọng là 100 điểm trong ngày thứ Năm, phiên gần nhất chỉ số này giao dịch ở ngưỡng 100,36 điểm.
"Vàng đang nhận được sự quan tâm trong vai trò tài sản an toàn. Tuy nhiên chúng ta cũng chứng kiến xu thế tương tự với đồng USD. Chắc chắn sẽ có những lực cản với giá vàng. Nhà đầu tư tìm đến USD bởi quá nhiều yếu tố bất ổn và hỗn loạn mà chúng ta chứng kiến trên thị trường. Quan điểm này cũng đúng với nhà đầu tư sở hữu vàng", chuyên gia về kim loại quý tại Gainesville Coins – ông Everett Millman nói với Kitco News.
Một yếu tố khác làm căng thẳng leo thang chính là việc Nga đe dọa sẽ triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh nếu Thụy Điển và Ba Lan gia nhập NATO. Quan điểm mới nhất được đưa ra bởi phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev.
Diễn biến trên xảy ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo ông sẽ cung cấp thêm cho Ukraine khoảng 800 triệu USD vũ khí, trong đó có nhiều loại vũ khí hạng nặng.
Áp lực lớn dần từ đồng USD Mỹ mạnh hơn có thể khiến cho giá vàng mắc kẹt trong một ngưỡng nhất định cho đến khi chỉ số trở lại ngưỡng dưới 100 điểm.
Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại quỹ OANDA, ông Edward Moya, nhận xét: "Đồng USD đã tăng giá khá mạnh trong thời gian qua. Từng có thời gian nhiều chuyên gia tin rằng đồng USD sẽ ngừng tăng giá tại ngưỡng 100 điểm, chính vì vậy mà tôi trung lập về triển vọng giá vàng. Các yếu tố cơ bản sẽ vẫn hỗ trợ cho giá vàng, tuy nhiên đồng USD mạnh hơn sẽ có thể hạn chế đà tăng".
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng cũng đang hỗ trợ cho đồng USD và gây sức ép lên giá vàng, trưởng bộ phận chiến lược tại công ty chứng khoán TD Securities – ông Bart Melek chỉ ra.
"Đồng USD tăng giá đến mức độ nào đó khi mà lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 2 năm, 10 năm và 30 năm đồng loạt tăng, đây là yếu tố quan trọng giúp đẩy tăng giá trị đồng USD", ông Melek phân tích.
Trên đường hướng đến mốc 2.000USD/ounce, giá vàng sẽ có thể gặp lực cản mạnh tại ngưỡng 1.975USD/ounce chứ không phải ngưỡng 2.000ÚD/ounce, chuyên gia phân tích cao cấp tại RJO Futures – ông Frank Cholly dự báo.
Cũng theo ông Cholly, đồng USD chắc chắn là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất hiện nay, nếu đồng USD rơi xuống ngưỡng 99-98, chắc chắn giá vàng sẽ qua ngưỡng 2.000USD/ounce, điều mà cuối cùng cũng sẽ xảy ra.
Ông Millman trong khi đó khẳng định ngưỡng 2.000USD/ounce sẽ có thể được thiết lập trong tháng tới, tuy nhiên nhà đầu tư cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho hướng biến động tăng giảm bất thường. Mức độ lo sợ trên thị trường sẽ giúp cho kịch bản đó xảy ra. Tuy nhiên nếu có giải pháp cho căng thẳng tại Ukraine hoặc lạm phát kỳ vọng đi xuống, giá vàng có thể về ngưỡng 1.900USD/ounce.
Thị trường vàng đồng thời sẽ quan tâm đặc biệt đến hướng dẫn chính sách từ ngân hàng trung ương các nước trên thế giới, đặc biệt thông báo về nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh cũng như cuộc họp sắp tới của Fed vào tháng 5/2022.
Thị trường sẽ vẫn tiếp tục tính đến các quy trình siết chặt chính sách tiền tệ khởi động bởi việc Ngân hàng Trung ương Canada thắt chặt chính sách, nâng lãi suất 50 điểm cơ bản vào ngày thứ Tư.